Trong khi Nhật Bản liên tiếp có những hành động cứng rắn nhằm bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư thì Mỹ cũng đã điều binh lính và chiến đấu cơ F-22 đến tăng viện cho đồng minh.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 14/1 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang lên kế hoạch điều động lực lượng chiến đấu cơ F-15 đến “trực chiến” tại một sân bay trên đảo Shimojijima thuộc quận Okinawa để có thể xuất kích kịp thời bất cứ lúc nào đối phó với các máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản.
Shimojijima ở khá gần nhóm đảo Senkaku so với các căn cứ quân sự khác của Nhật Bản, đặc biệt tiện lợi hơn so với việc điều động lực lượng F-15 đóng tại căn cứ không quân Naha ở trung tâm của quận Okinawa khi phải đối phó với máy bay Trung Quốc.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai 2 tàu tuần tra trong vùng cực nam của Okinawa.
Các tàu tuần tra được triển khai nhằm mục đích tăng cường an ninh cho vùng biển gần quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Các tàu công vụ của Trung Quốc thường xuyên tiếp cận vùng biển Nhật Bản kể từ khi chính phủ Tokyo tuyên bố sẽ quốc hữu hóa nhóm đảo tranh chấp Senkaku trong tháng 9/2012.
Để đối phó với nhóm tàu trên của Trung Quốc, trước đó, Cảnh sát biển của Nhật Bản đã phải gửi tàu tuần tra từ khắp cả nước luân phiên tới làm nhiệm vụ tại vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku.
Ngày 5/1 Thủ tướng Shinzo Abe nhóm họp với các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản bàn các biện pháp tăng cường đảm bảo an ninh lãnh thổ Nhật Bản trên biển Hoa Đông, đặc biệt là khu vực Senkaku.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 4.770 tỉ yen (53,82 tỉ USD) trong tài khóa 2013 so với 4.710 tỉ yen năm 2012.
Theo Kyodo, đây là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên trong 11 năm qua trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tiếp tục leo thang. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang cân nhắc tăng số nhân viên lực lượng phòng vệ và nâng cấp trang thiết bị vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động trên biển và trên không xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Trước đó, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ sẵn sàng thành lập một hội đồng cố vấn để mở đường cho Tokyo thực hiện quyền tự vệ tập thể của mình, một mục tiêu trong chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo kế hoạch, Cảnh sát biển Nhật Bản sẽ thành lập một đội canh gác Senkaku 24/24 với đội ngũ hàng trăm sĩ quan, nhân viên để tập trung bảo vệ vùng biển chủ quyền xung quanh nhóm đảo này.
Đội canh gác Senkaku 24/24 được đặt trụ sở tại hạt 11 Cảnh sát biển Nhật Bản đóng ở Naha, Okinawa sẽ được trang bị riêng hơn 10 tàu tuần tra liên tục để có thể đảm bảo an inh xung quanh các hòn đảo Nhật Bản đã quản lý, hoạt động canh gác 24/24 sẽ bắt đầu từ tháng 4/2015.
Cảnh sát biển Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch dự trù kinh phí đóng tàu tuần tra và thành lập lực lượng như là một phần bổ sung của dự toán tài chính năm 2012.
Trong một diễn biến khác, để hỗ trợ đồng minh, Mỹ đã triển khai một phi đội F-22 Raptor gồm 12 chiếc và 300 binh sĩ của Không quân Mỹ tới căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Theo đó, 9 chiếc F-22 được triển khai đến căn cứ Không quân Kadena làm nhiệm vụ kéo dài 4 tháng kể từ ngày 14.1. Ba chiếc cùng loại còn lại sẽ đến sau một thời gian ngắn.
Đây là lần thứ 7 Không quân Mỹ triển khai F-22 tới căn cứ ở Okinawa kể từ năm 2007. 300 binh sĩ cũng sẽ được điều tới căn cứ Kadena để làm nhiệm vụ 4 tháng.
Hiện có khoảng 50 chiếc chiến đấu cơ F-15 đang làm nhiệm vụ thường trực tại căn cứu Không quân Mỹ ở Kadena. Và theo NHK, quân đội Mỹ đang xem xét triển khai CV-22 Osprey tại Okinawa trong vòng vài năm tới.
Với những động thái cứng rắn trên của Nhật Bản và Mỹ, có vẻ như Trung Quốc sẽ phải dè chừng nếu như muốn đánh chiếm Senkaku.
(PNTD)
-
“Trung Quốc sẽ hiếu chiến hơn trong tranh chấp lãnh thổ”
- 14/01/2013
-
Nhật Bản điều 12 tàu chiến “dằn mặt” Trung Quốc
- 13/01/2013
-
Ấn Độ chơi nước cờ đầu tiên trên Biển Đông?
- 13/01/2013
-
Trung – Nhật chiến tranh đã rất gần?
- 13/01/2013
-
Báo Trung Quốc cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Nhật
- 12/01/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.