Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Thời sự » Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược (P3)

Thứ ba là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp, xác định đúng đối tượng chủ yếu để tập trung tiêu diệt, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Nhờ có sự chủ động về chiến lược, nắm chắc âm mưu, hành động chiến tranh của địch, nên chúng ta rất chủ động trong chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật. Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội từ rất sớm; qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thành trước tháng 12/1972. Việc bố trí, sử dụng lực lượng phòng không ba thứ quân và xây dựng thế trận phòng không “liên hoàn, vững chắc” được thực hiện tốt; nhờ đó, đã phát huy cao nhất khả năng chiến đấu của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh không quân địch từ nhiều hướng, ở mọi độ cao, liên tục cả đêm lẫn ngày.

Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch phòng không 1972 còn được thể hiện ở việc xác định đúng cách đánh (với đối tượng tác chiến chủ yếu là B-52), đúng khu vực tác chiến chủ yếu (địa bàn Hà Nội), tiến hành các trận đánh then chốt, then chốt quyết định với lực lượng nòng cốt của chiến dịch là Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó Bộ đội Tên lửa là lực lượng chủ công diệt B-52. Đồng thời, thực hiện kết hợp chặt chẽ hai phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, đó là: đánh địch rộng khắp của lực lượng phòng không các địa phương, của dân quân tự vệ, với đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng của lực lượng Quân chủng Phòng Không – Không quân.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc phòng sáng 4/6. Ảnh: Nhật Lam.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc phòng sáng 4/6. Ảnh: Nhật Lam.

Để vận dụng bài học trên vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay một cách thiết thực, hiệu quả, điều quan trọng trước hết là phải tiếp tục quán triệt, thấu suốt đường lối, quan điểm Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng. Trên cơ sở đó, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện, cần nhận thức rõ: cả ba thành phần lực lượng đều quan trọng; trong đó, mỗi lực lượng có vai trò, vị trí riêng, vì thế không được xem nhẹ bất cứ lực lượng nào. Trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định. Chú trọng xây dựng cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao; đảm bảo cho quân đội nhân dân xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta biết rằng, thắng lợi của cuộc chiến tranh phụ thuộc rất lớn vào con người và vũ khí; trong đó, con người là nhân tố quyết định. Vì thế, trong quá trình từng bước hiện đại hóa quân đội, nhất là với những lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, phải coi trọng xây dựng yếu tố con người. Theo đó, phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, huấn luyện… để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tri thức và năng lực toàn diện cho bộ đội; bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội luôn kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, nhất trí cao và chấp hành nghiêm túc đường lối của Đảng, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ và khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật được giao.

Cùng với đó, coi trọng xây dựng, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại; trong đó, hết sức chú ý nghiên cứu chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ, đảm bảo “vững mạnh, rộng khắp”, trước hết là vững mạnh về chính trị, tổ chức chặt chẽ, có cơ cấu thành phần hợp lý, số lượng phù hợp để lực lượng này phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; đồng thời, là nguồn quan trọng sẵn sàng bổ sung cho quân đội khi cần thiết.

Cùng với đó, phải chú trọng xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở từng khu vực và trên cả nước, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng – an ninh. Qua đó, tạo thuận lợi cho các lực lượng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, đối phó thắng lợi với mọi tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa được thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước bị xâm lược. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) về chiều sâu, vững chắc theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị (khóa X), Chỉ thị 07 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) và Nghị định 152/2007 của Chính phủ; trong đó, phải coi trọng tăng cường tiềm lực mọi mặt của khu vực phòng thủ, nhằm đảm bảo cho các tỉnh (thành phố) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: Phùng Quang Thanh
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa