Tham nhũng là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý khi phân tích về khuyết điểm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại buổi làm việc sáng nay, 16/1.
Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 4 Phó thủ tướng cùng nhiều vị Bộ trưởng tại Hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sáng 16/1 cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với tình hình sản xuất – kinh doanh của các “quả đấm thép” trong nền kinh tế.
Năm 2012, trước tình hình kinh tế nhiều khó khăn, tính bức thiết của quá trình tái cơ cấu, Chính phủ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với quá trình phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Nhấn mạnh tới đóng góp xấp xỉ 40% vào GDP cũng như nguồn thu ngân sách, trong phần phát biểu dài hơn một giờ đồng hồ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để ghi nhận những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Tuy vậy, bên cạnh những điểm “làm được” của các doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ, với thái độ quyết liệt, cũng chỉ ra nhiều điểm thiếu sót, cần khắc phục của các tập đoàn. Câu chuyện tham nhũng, lãng phí trong đầu tư được Thủ tướng nhắc đến, tuy không phải ở vị trí hàng đầu, nhưng với những ngôn từ nhiều trăn trở.
Trong những ngày đầu năm 2013, câu chuyện Vinalines được nhắc lại vì mặc dù xảy ra từ năm 2007 nhưng chỉ vừa mới được khởi tố cách đây ít tháng và tiêu biểu cho vấn nạn tham nhũng, lãng phí tại các tập đoàn. “Cùng với những khó khăn khách quan, chuyện này đã ảnh hưởng tới hoạt động, hình ảnh của Vinalines cũng như các doanh nghiệp Nhà nước khác”, Thủ tướng nhận định.
“Người ta nói liệu sẽ còn những Vina nào nữa? Chuyên gia họ có quyền hỏi như vậy lắm chứ. Có thể chỉ một cá nhân nhưng thiệt hại tiền tỷ như vậy, ai mà không xót ruột. Nhân dân phê bình như vậy là đúng lắm”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở và cho rằng đây là những nguy cơ không thể coi thường.
Phát biểu trước lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng cũng lưu ý tới quá trình đổi mới quản trị, tái cơ cấu hiện vẫn còn quá chậm (chỉ 13 đơn vị được cổ phần hóa trong năm 2012). Đồng ý với các doanh nghiệp phải căn cứ vào điều kiện thị trường để chào bán cổ phần nhưng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị này phải có lộ trình cụ thể để thoái vốn.
Theo Thủ tướng, việc các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành trong giai đoạn trước đây là không sai về mặt pháp luật nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả. “Không hiệu quả thì cần rút vốn, nhưng đầu tư có kế hoạch thì thoái vốn cũng cần có lộ trình, không bán tài sản theo kiểu hoảng loạn, bỏ chạy là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.
Một vấn đề khác cũng được đại diện Chính phủ lưu ý là kết quả sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm so với 2011 hoặc không hoàn thành kế hoạch, thậm chí thua lỗ. Thủ tướng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần nghiêm túc kiểm điểm những nhân tố chủ quan, dẫn đến kết quả này, mặc dù điều kiện kinh doanh của năm 2012 chịu ảnh hưởng rất nhiều của những khó khăn khách quan. “Doanh nghiệp thiếu hiệu quả, vốn chủ sở hữu tăng thấp, một số nơi tài chính thiếu lành mạnh… có phải là do nguyên nhân vĩ mô, hay do điều hành, do lãnh đạo làm trái?”, ông đặt câu hỏi.
Tương tự với kế hoạch năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng “không ổn” khi Chính phủ đặt mục tiêu “tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn nhưng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lại đăng ký các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách… đều giảm so với năm 2012 (tổng doanh thu đăng ký chỉ bằng 95,8%, lợi nhuận khoảng 79%). Do đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương rà soát hoạt động, phấn đấu thực hiện cao nhất những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao.
Nhiều lần nhấn mạnh tới vai trò là lực lượng quan trọng của Nhà nước trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, đảm bảo việc làm, ổn định vĩ mô… của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhất trí với nhiều kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty về cơ chế. Đặc biệt đối với nhiệm vụ bình ổn giá, đại diện Chính phủ tái khẳng định quan điểm nhất quán về việc phải thực hiện giá thị trường đối với than, điện, xăng dầu… nhưng cũng yêu cầu Vinacomin, EVN hay Petrolimex phải thực sự minh bạch, đồng thời có ý thức tiết giảm chi phí tối đa để có “giá thị trường” thấp nhất có thể.
Trở lại với vấn đề chống tham nhũng trong phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, vai trò Đảng viên cũng như nâng cao tính minh bạch, công khai “Xã hội hiện nay đòi hỏi đề cao tính minh bạch, kết quả kinh doanh hàng năm phải có kiểm toán và công bố công khai. Nếu hiệu quả thì nói hiệu quả, lỗ thì phải nói lỗ, không được che giấu”, Thủ tướng khẳng định.
Lưu ý một lần nữa đến việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bám sát các mục tiêu về kinh tế, xã hội của Chính phủ để thực hiện, Thủ tướng kết luận hội nghị bằng lời kêu gọi các doanh nghiệp “cùng nhau làm tốt, để xã hội thấy rõ hơn đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước”.
NM (TTVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.