Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » An Ninh – Quốc Phòng – Biển đảo » Trung Quốc tiếp tục tìm cách “độc chiếm” Biển Đông (Bài 1)

Đó là nhận định của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, khi nói về việc tăng tàu hải giám trên Biển Đông của Trung Quốc.


LTS: Trung Quốc liên tục tăng tàu hải giám trên Biển Đông và thực thi cái gọi là “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”. Điều này không chỉ gây ra những “lo lắng” cho các nước liên quan đến Biển Đông mà còn gia tăng quan ngại cho các cường quốc về hàng hải. Nhiều câu hỏi đặt ra như: Trung Quốc làm như vậy để làm gì? Việc làm của Trung Quốc có xâm phạm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế hay không? TS Trần Công Trục để giải đáp những câu hỏi này.

Tàu hải giám Trung Quốc đang là "nỗi quan ngại" trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Thưa ông, Trung Quốc vừa tăng số lượng tàu “hải giám” trên Biển Đông. Dư luận hết sức quan ngại về vấn đề này. Xin ông phân tích những tác động của việc làm này với tình hình Biển Đông?

Theo tôi, việc một nước nào đó tăng cường tàu hải giám, kiểm ngư, cảnh sát biển để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của họ là việc bình thường và cần thiết. Việt Nam và hầu hết các nước trong khu vực đều làm như thế. Việc Trung Quốc tăng tàu hải giám, tăng tàu kiểm ngư… trên vùng Biển Đông diễn ra trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt diễn ra tiếp sau một loạt các động thái khác thường mà họ tiến hành trong thời gian qua là việc khiến chúng ta cần phải lưu ý, xem xét một cách nghiêm túc về mối liên hệ và tác động của chúng đối với các quyền, lợi ích của các nước trong khu vực và quốc tế. Chẳng hạn, việc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, gần đây đã công bố “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” rõ ràng không thể không có liên quan gì đến sự kiện này. Trong đó, người ta không thể không quan tâm đến nội dung Trung Quốc có quyền kiểm tra, khám xét, ngăn chặn, thậm chí tống đuổi các tàu nước ngoài hoạt động trong các vùng biển thuộc tỉnh Hải Nam.

Các vùng biển thuộc tỉnh Hải Nam đến đâu và phạm vi của chúng như thế nào chắc chắn mọi người đều đã quá rõ. Bởi vì, về mặt hành chính, Trung Quốc đã chính thức công bố tỉnh Hải Nam bao gồm cái gọi là “thành phố Tam Sa”, với phạm vi lãnh thổ của các quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa, kể cả vùng biển mà nằm trong “đường biên giới lưỡi bò” mà họ cho rằng họ có danh nghĩa chủ quyền lịch sử và đã được chính thức hóa bởi các văn kiện của họ… Vì vậy, hoạt động của lực lượng tàu hải giám vừa được tăng cường này chắc chắn sẽ là một bước tiến mới được tính toán trong chiến lược khống chế và làm chủ Biển Đông của Trung Quốc.

 

Bảo vệ chủ quyền Biển Đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Theo ông cần nhìn nhận hành động tăng số lượng tàu hải giám của Trung Quốc như thế nào mới làm rõ bản chất vấn đề?

Vấn đề là, chúng ta phải xem xét chi tiết nội dung của Điều lệ nói trên và phạm vi hoạt động cụ thể của lực lượng tàu hải giám này. Nó động chạm đến các quyền và lợi ích của các quốc gia trong khu vực và thế giới ra sao? Có trái với Công ước về luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên hay không? Tôi cho rằng, tất cả những động thái đó có liên quan với nhau và đều là những tính toán chiến lược, sách lược mà Trung Quốc đã và đang tổ chức thực hiện ngày càng mạnh mẽ , tinh vi hơn… Thực tế sau đây là những minh chứng: ngoài những thông tin nói trên, Trung Quốc cũng cho biết tỉnh Hải Nam sẽ đầu tư đến 1,6 tỉ USD để xây dựng “thành phố Tam Sa”, cho đóng 188 tàu cá cỡ lớn và 1500 lồng nuôi trồng thủy sản nước sâu để hoạt động ở vùng biển sâu thuộc Biển Đông. Song song với những hoạt động đó, Trung Quốc còn đang tiến hành đóng tàu “Tam Sa 01”có chiều dài 120m, rộng 20m, có thể thực hiện hành trình 6000 hải lý, có thể chở 450 hành khách, 25 phương tiện vận tải …tàu này sẽ đáp ứng yêu cầu cung cấp hậu cần cho “thành phố Tam Sa”…

TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ.

Như vậy, phải chăng Trung Quốc đang đi những bước đi nằm trong chuỗi các hành động, kế hoạch “thôn tính” Biển Đông?

Như tôi đã nói ở trên, từ những bước đi, những hoạt động, nhìn tổng thể, chúng ta thấy các hoạt động của Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Ở đây, vấn đề không đơn giản chỉ là tăng cường lực lượng hải giám và những quy định để bảo vệ vùng ven bờ… như họ đã thanh minh mà rõ ràng đây là cả một sự tính toán về mặt chiến lược để thực hiện bằng được ý đồ độc chiếm Biển Đông.

HC (IFN)


Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa