Ngày 24/3/1966, Bác Hồ đã đến doanh trại của Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân để Người tận mắt xem xác 2 chiếc máy bay trinh sát điện tử tầm thấp và tầm cao của Mỹ.
Đối với chiếc máy bay trinh sát không người lái tầm thấp thì Bác chỉ xem qua, nhưng Người rất quan tâm đến loại máy bay trinh sát tầm cao. Bác lắng nghe đồng chí Trần Hữu Tường, Trưởng phòng khoa học quân sự quân chủng báo cáo:
- Thưa Bác, đây là một bộ phận của chiếc máy ảnh quang học trên máy bay trinh sát không người lái tầm cao loại BOM-34A của Mỹ. Nó có cuộn phim dài 250m, rộng 60cm. Ở độ cao 18km, với điều kiện thời tiết tốt, nó có thể chụp ảnh rất rõ mục tiêu dưới đất, rộng từ 20 đến 25km, chụp liên tục cho tới khi hết phim.
Sau khi xem kỹ lại chiếc máy ảnh, Bác hỏi đồng chí Phùng Thế Tài – Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân:
- Khi bị bắn rơi, nó bay ở độ cao bao nhiêu?
- Thưa Bác, khoảng trên 16 cây số ạ!
Bác kéo đồng chí Trần Hữu Tường lại gần với đồng chí Phùng Thế Tài và nói:
- Chú Tường giới thiệu dễ hiểu, các chú hiểu về địch như thế là tốt. Nhưng tất cả các chú cần nghiên cứu thường xuyên để nắm chắc địch hơn nữa để lập những phương án đánh B-52 tốt nhất. Những gì biết được thì phải thông tin cho bộ đội, cho đồng bào biết để đánh địch và phòng tránh tốt hơn nữa. Tên lửa của ta đã có khả năng với tới tầm bay cao của B-52 thì đó cũng là một thuận lợi, song tìm ra cách đánh mới là ngón đòn hiểm.
Rồi những năm sau đó, Hồ Chủ tịch thường xuyên theo dõi, động viên các đơn vị tên lửa từ đồng bằng, vượt qua tuyến lửa Khu 4, đưa đài ra-đa và tên lửa SAM2 vào Trường Sơn, bắn hạ 2 siêu pháo đài bay của Không lực Hoa Kỳ.
Những bài “thực tập” ấy, cả về lý thuyết lẫn thực hành, đã đúc kết thành quyển “giáo án đỏ” (thường gọi là “sách đỏ”), áp dụng trong trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, hạ 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52.
Các phi công Mỹ đóng ở căn cứ không quân Cò-rạt (Thái Lan) đã từng tuyên bố: “Đi thả bom xuống miền Bắc Việt Nam là một thú vui đặc biệt… là cuộc du lịch không phải thuê khách sạn”. “Cái thú vui” dã man ấy, các cuộc du lịch không mất tiền thuê khách sạn ấy đã đưa chúng vào Hỏa Lò và 17 Lý Nam Đế (Hà Nội), đã dạy cho cả Tổng thống Mỹ Ních-xơn biết thế nào là dân tộc Việt Nam anh hùng.
Anh hùng Phạm Tuân hỏi một tên tù binh phi công lái B-52 bị giam ở Hỏa Lò:
- Ông suy nghĩ gì khi bay vào đánh phá Hà Nội?
Hắn trả lời:
- Vũ khí của Không quân Bắc Việt thì chúng tôi biết rất rõ, gồm có máy bay MIG, tên lửa SAM và một số vũ khí khác. Thậm chí chúng tôi còn diễn tập đối phó với các loại vũ khí này nên nghĩ rằng, bay vào ném bom Hà Nội là ung dung bay về căn cứ…
Phạm Tuân hỏi tiếp.
- Vậy giờ ngồi tù ở đây, ông nghĩ thế nào?
- Đúng là chúng tôi chưa đánh giá hết về các ông nên bây giờ mới ngồi ở đây.
Qua đoạn đối thoại trên, chúng ta thấy rằng: năm 1954 Na-va thua đau ở Điện Biên Phủ (1954) thì 18 năm sau đó, Tổng thống Ních-xơn lại tái hiện cách thua ở Điện Biên Phủ trên không, bởi kẻ địch đều không biết đến sức mạnh TRÍ TUỆ VIỆT NAM!
(NLM)
-
Bảo vệ Tổ quốc không nằm ở súng đạn, mà ở lòng người
- 22/12/2012
-
Các Nữ quân nhân xinh đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam
- 22/12/2012
-
Sức mạnh Quân đội, sức mạnh nhân dân
- 22/12/2012
-
Dũng mãnh tên lửa Việt Nam
- 22/12/2012
-
Lời tâm sự của ông nội với cháu trai về bảo vệ đất nước
- 21/12/2012
Hiện chưa có phản hồi nào.