Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » An Ninh – Quốc Phòng – Biển đảo » In bản đồ sai, Trung Quốc lộ mưu đồ nuốt trọn Biển Đông

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, dù việc phát hành bản đồ của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý nhưng nếu chúng ta không lên án mạnh mẽ chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng nhiều thủ đoạn, bước đi nguy hiểm tiếp theo để đạt tới âm mưu cuối cùng đó là, nuốt trọn Biển Đông.


Trả lời phóng viên về hành động phát hành bản đồ của Trung Quốc, nhà nghiên cứu về Biển Đông, TS sử học Nguyễn Nhã cho rằng, từ trước tới giờ lời nói và việc làm của Trung Quốc không đi kèm với nhau. Hàng loạt những sự việc mà Trung Quốc cố tình gây rối ở Biển Đông như in hộ chiếu có hình lưỡi bò hay phát hành bản đồ đề cập đến hơn 130 đảo và quần đảo ở Biển Đông như Trung Quốc vừa công bố đều để thực hiện âm mưu nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc.

Các chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa

Các chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa

Rõ ràng vào giữa lúc căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng, Trung Quốc ngang nhiên cho phát hành các bản đồ thể hiện toàn bộ các đảo ở Biển Đông chứng tỏ ý đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc.

Phát hành bản đồ nuốt trọn Biển Đông là hành động “trắng trợn không hơn không kém” – chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy đã dùng những từ ngữ này để nói về động thái mới của Trung Quốc nhằm làm Biển Đông dậy sóng. Ông Dy cho biết: “Tôi đã đọc thông tin này từ hôm 11/1 trên bản tin Trung Quốc. Rõ ràng tất cả thế giới đều biết, từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa (năm 1949), Trung Quốc không hề có chỗ đứng trên Biển Đông. Vì thế, tháng 6/1956, Trung Quốc đã chiếm một nửa Hoàng Sa từ tay quân Pháp khi Pháp chưa kịp bàn giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng, đến tháng 1/1974, họ lại chiếm nốt nửa còn lại từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1988, Trung Quốc chiếm 6-7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ chỗ không có gì, Trung Quốc đã ngang ngược lấn chiếm dần các đảo của chúng ta và giờ lại trắng trợn gom hết các đảo trên Biển Đông vào trong bản đồ của họ.

Việt Nam và các nước liên quan cần lên án mạnh mẽ

Xâu chuỗi những sự việc gần đây từ phía Trung Quốc ở Biển Đông, cả hai nhà nghiên cứu đều cho rằng việc Trung Quốc phát hành bản đồ hay in lưỡi bò vào hộ chiếu hay có những hành vi tương tự trong thời gian tiếp sau thì cũng không có căn cứ pháp lý. Vì nếu đưa ra cơ quan tài phán quốc tế phải căn cứ vào Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Căn cứ vào Công ước này thì Việt Nam có đầy đủ chứng cứ cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc càng hành động ngang ngược chỉ làm cho thế giới hiểu bộ mặt bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế của họ mà thôi.

Từ những hành động ngang ngược bất chấp dư luận quốc tế liên tiếp xảy ra gần đây của Trung Quốc, ông Dương Danh Dy cho rằng, Việt Nam và các nước liên quan cần cảnh giác với những bước đi, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi từ Trung Quốc. Rõ ràng việc in bản đồ gom hết các đảo ở Biển Đông là bước leo thang mới của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác với những hành vi này vì từ lấn chiếm trên giấy đến lấn chiếm trên thực địa không xa nhau là mấy, ông Dy lo ngại.

Đồng quan điểm ấy, TS. Nguyễn Nhã cũng nhận định: Khó có thể hy vọng Trung Quốc tiếp tục thể hiện thiện chí trên Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị cho những trường hợp xấu hơn nữa để không bị động. Đặc biệt, nếu Việt Nam và các nước liên quan không có những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục leo thang như họ đã làm ở Biển Đông từ trước đến giờ. Để chống lại hành vi ngang ngược của Trung Quốc cần sự thống nhất đồng lòng của các quốc gia có nguy cơ bị xâm phạm lãnh hải, ông Nguyễn Nhã nói. Theo ông Nhã, không chỉ phản đối Trung Quốc bằng cách thông thường qua con đường ngoại giao mà cần thiết phải đưa ra cơ quan tài phán quốc tế để thế giới hiểu được bản chất của vấn đề.

(BVNM)


Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa