Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2013 lên đến ít nhất là 4.770 tỉ yen (tương đương 53,43 tỉ USD) trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc.
Chính phủ của ông Abe đang xem xét tăng cường nhân lực và nâng cấp trang thiết bị cho Lực lượng phòng vệ giữa lúc Trung quốc tăng cường các hoạt động không quân và hải quân.
Dù vẫn hài lòng với vai trò quân sự hạn chế của mình trong hơn sáu thập niên qua nhưng tình hình an ninh khu vực và mối quan ngại chính trị đang thúc đẩy Nhật dỡ bỏ những hạn chế về quân sự. Quan hệ đang tiến triển tốt đẹp với Mỹ cũng hỗ trợ cho tiến trình hướng tới phát triển một lực lượng quân sự đầy đủ nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải vốn có tầm quan hệ sống còn với một nước Nhật nghèo tài nguyên thiên nhiên.
Tiến trình này cũng được người dân Nhật Bản khuyến khích khi dư luận nước này ngày càng ủng hộ việc tái vũ trang, thể hiện qua chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 16-12. Dù động thái này có thể khiến một số quốc gia láng giềng lo ngại nhưng việc bình thường hóa quân sự dường như là không thể đảo ngược.
Là quốc gia biển, Nhật Bản phải bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải của mình phục vụ các tuyến cáp thông tin và vận chuyển tài nguyên từ nước ngoài về trong nước. Nhật Bản nhập khẩu tới 82% nguồn cung năng lượng dù đã được hỗ trợ lớn từ ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân nội địa. Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Đông và Đông Nam Á khi nhập khẩu hơn 90% dầu khí, khiến quốc gia này luôn gặp rủi ro mỗi khi hai khu vực này bất ổn.
Ngoài phụ thuộc vào năng lượng, Nhật Bản cũng nhập khẩu phần lớn các tài nguyên thô khác như đồng và kẽm. Với việc Mỹ bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải sau Chiến tranh Thế giới thứ II như một phần trong liên minh Mỹ – Nhật, Nhật Bản đã có thể tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế trong Chiến tranh lạnh. Nhưng Nhật Bản cũng dần có khả năng tái xây dựng các lực lượng vũ trang phòng thủ của mình. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã chuyển từ một lực lượng cảnh sát thành một quân đội có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới với các loại vũ khí hiện đại như hệ thống chiến đấu Aegis.
Gần đây những vụ phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã biện minh cho chương trình phóng các vệ tinh do thám và chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhật Bản đã có 16 đơn vị tên lửa Patriot và Nhật là quốc gia duy nhất bên cạnh Mỹ sở hữu các loại tên lửa đánh chặn tầm trung SM-3, được đặt trên bốn tàu khu trục lớp Kongo. Nhật Bản cũng đang có kế hoạch nâng cấp các tàu khu trục lớp Atago để phóng các loại tên lửa SM-3 Block IIA. Những bước tiến công nghệ này gắn chặt Nhật Bản với mạng lưới phòng thủ không gian của Mỹ, hòa nhập nước này vào khung an ninh tập thể.
Chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến Nhật Bản quyết định lựa chọn một chính sách quốc phòng chủ động hơn từ năm 2004. Sự tái định hướng chiến lược cùng với việc nâng cấp Cục phòng vệ lên Bộ Quốc phòng vào năm 2007 đã chính thức kết thúc chủ nghĩa hòa bình sau chiến tranh của Nhật Bản.
Việc Nhật Bản tiếp tục phụ thuộc vào nguồn năng lượng ở Trung Đông và Đông Nam Á cũng buộc quốc gia này phải xem xét lại tầm quan trọng của Biển Đông và Ấn Độ Dương. Thêm nữa, Mỹ cũng đang hạn chế can thiệp vào các vấn đề khu vực, trong đó có các tranh chấp đảo giữa Trung Quốc và Nhật, qua chủ trương chuyển một phần trách nhiệm an ninh cho các đồng minh khu vực. Sự thay đổi này cho thấy Mỹ không sẵn sàng can dự nhiều hơn vào các vấn đề khu vực dù Mỹ vẫn khẳng định rõ ràng rằng cường quốc này sẽ hỗ trợ Nhật Bản một khi xảy ra xung đột trên thực tế. Tuy nhiên, việc tách xa có chủ ý của Mỹ với vấn đề tranh chấp lãnh hải đã gây tâm lý chia rẽ trong liên minh Mỹ – Nhật, khiến Nhật Bản nhận ra rằng nước này cần phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải tới Trung Đông qua vùng Biển Đông.
Cuối năm 2010, Nhật Bản phản ứng trước tình hình căng thẳng với Trung Quốc bằng việc đưa ra học thuyết quân sự mới, được biết đến với chiến lược “phòng thủ năng động”. Học thuyết này có thể được áp dụng để bảo vệ quần đảo Ryukyu, nơi có những ảnh hưởng đáng kểở khu vực.
Ví dụ, Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực thông qua các hoạt động như tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông và phát triển khả năng đổ bộ với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Những hoạt động hải quân này nhằm bảo vệ các quần đảo tranh chấp và đường biển quan trọng xung quanh Nhật Bản, đồng nghĩa với việc Nhật Bản nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh hàng hải mà trước đó do Hải quân Mỹ đảm nhiệm.
Những thách thức địa chính trị đang tạo ra tâm lý bất an đối với người dân Nhật. Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc đã làm thay đổi đáng kể bức tranh chính trị Nhật Bản và tạo ra một số đảng phái muốn biến các lực lượng phòng thủ hiện nay thành một quân đội đầy đủ – điều mà Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết thực hiện.
Sự ủng hộ của dân chúng với quân đội tiếp tục tăng sau năm 2010, với 90% dân số tỏ thái độ tích cực với quân đội nhất là sau trận động đất sóng thần tháng 3-2011. Sự chấp nhận rộng rãi của dân chúng đồng nghĩa với mong muốn phục vụ quân đội tăng lên trong thanh niên Nhật Bản. Ví dụ, năm nay lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã tiếp nhận số đơn xin gia nhập cao kỷ lục, tăng 50% so với năm 2011.
Dù được đầu tư mạnh những năm gần đây nhưng Nhật Bản vẫn chưa sở hữu sức mạnh hải quân vượt trội như tàu sân bay hay tàu ngầm hạt nhân. Mỹ đang khuyến khích Nhật Bản chia sẻ trách nhiệm lớn hơn với việc trang bị thêm các loại vũ khí như máy bay tiếp dầu KC-767 nhưng Nhật Bản không muốn phát triển nhanh khả năng này. Thay vào đó, Nhật Bản muốn dần phát triển những khả năng đó trong khuôn khổ hiệp ước an ninh hiện tại và muốn được sử dụng trong trường hợp xảy ra tranh chấp lãnh hải.
Việc bình thường hóa quân sự của Nhật Bản sẽ được hợp thức hóa qua việc xem xét lại Điều 9 trong Hiến pháp, một sự thay đổi đáng kể trong cân bằng địa chính trị ở Đông Á. Sự hiếu chiến quân sự của Nhật Bản trong quá khứ hiện vẫn là lo ngại trong dư luận ở nhiều quốc gia láng giềng. Hàn Quốc sẽ đặc biệt cảnh giác khi Nhật Bản chính thức bình thường hóa, phát triển quân đội. Nước này cũng đã âm thầm phát triển lực lượng hải quân và có thể bố trí các loại vũ khí như tên lửa đạn đạo Hyunmoo 3C.
Philippines gần đây đã cam kết ủng hộ việc tái vũ trang đầy đủ của Nhật Bản nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc. Những động thái quyết đoán của Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh tiếp tục gây lo ngại không chỉ với Nhật Bản mà còn các quốc gia khác trong khu vực.
Vì vậy, việc tái vũ trang của Nhật Bản được một số quốc gia châu Á khác xem là động thái tích cực. Điều này sẽ giúp Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình ra nước ngoài và thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quân sự của mình.
(DNSGCT)
Hiện chưa có phản hồi nào.