Phòng vệ của Việt Nam ngoài việc mua sắm, chế tạo vũ khí trang bị (VKTB) thì vấn đề quyết định nhất là xây dựng đường lối, chiến lược phòng vệ. Bởi vì có như thế mới xác định được nội dung của công tác tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí, sử dụng lực lượng.
Chống tiếp cận là chiến lược phòng thủ của một nước có bờ biển nhưng khả năng quân sự hạn chế, bị các nước có vũ khí, phương tiện hiện đại hơn đe dọa dùng vũ lực.
Chiến lược chống tiếp cận thực chất là sự kết hợp giữa các loại vũ khí tầm xa, tầm gần, các hình thức tấn công, tác chiến phi đối xứng…nhằm mục đích không cho đối phương tiếp cận gần bờ, bảo vệ khu vực biển của mình càng rộng càng tốt.
Khi một cuộc chiến tranh hiện đại, công nghệ cao luôn bắt đầu từ hướng biển với tàu ngầm, tàu nổi, tàu sân bay thì việc buộc các phương tiện đó dạt ra xa hay gây cho chúng nhiều thiệt hại là điều mà các quốc gia bị tấn công mong muốn.
Chiến lược chống tiếp cận đang phát sinh rất nhiều phiên bản và Việt Nam cũng đang xây dựng một phiên bản của riêng mình, bởi thực ra Việt Nam chưa từng và có đủ điều kiện để phòng vệ theo kiểu này.
Việt Nam là một đất nước có chiều dài và hẹp cho nên rất nhạy cảm bởi sự chia cắt chiến lược. Bởi vậy, đã qua rồi thời kỳ đón đợi giặc ở cửa sông, luồng lạch trong vùng nội thủy hay lãnh hải, chúng ta ngày nay phải tác chiến ngay ở vùng biển xa, tạo cho đất liền một không gian phòng thủ đủ rộng, một thời gian chuẩn bị đối phó kịp thời. Đó cũng chính là tư tưởng, mục tiêu của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam.
Cơ sở để Việt Nam tiến hành thực hiện trước hết là lợi thế về địa lý.
Bờ biển Việt Nam tuy dài nhưng có nhiều núi cao nhô ra biển, có hơn 3 ngàn hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một điểm tựa vững chắc triển khai lực lượng. Trường Sa là quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc có vị trí chiến lược trên biển Đông…đều là những vị trí tốt để triển khai, bố trí lực lượng.
Việt Nam chủ yếu là tự vệ nên khu vực tác chiến hầu như trên không phận, hải phận và các khu vực mà Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền nên lực lượng cơ động nhanh, vũ khí phương tiện luôn chiếm ưu thế tác chiến.
Máy bay SU-30MK2 có thể tác chiến trong khu vực phòng thủ mà không cần tiếp dầu, hoặc KILO, các loại tàu tấn công khác hoạt động tương đối an toàn trong tầm hoạt động của lực lượng khác.
Thật ra, với lực lượng tác chiến hiện đại ít ỏi như Gerpad, KILO, SU-30… của Việt Nam, nếu như tác chiến ở biển xa, xa căn cứ hàng ngàn km thì chỉ một trận.
Tàu ngầm KILO thực ra so với lực lượng tàu ngầm trong khu vực không phải là hiện đại gì cho lắm, nhưng nó tỏ ra rất nguy hiểm, khó lường bởi cách bố trí, sử dụng nó.
Chẳng hạn, ở tuyến xuất phát tấn công của KILO, kể cả phục kích chống ngầm và chống tàu mặt nước thì KILO hoàn toàn chiếm ưu thế, đó là, chỉ “săn” đối phương trong khi đối phương rất khó khăn hoặc không thể “săn” lại KILO, vì muốn “săn” KILO thì buộc phải vào tầm hỏa lực của các phương tiện khác như Bastion-P.
(Tên lửa Yakhon của hệ thống này với chiến thuật “bầy sói” thì tàu khu trục hiện đại nhất như của Trung Quốc Tupe 054A (mới có 4 chiếc) thì trong khoảng cách 300km với 2 quả trúng đích là Thuyền trưởng tàu phải ôm phao cứu sinh).
Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết và sẽ có khoảng cách với thực tế, nhưng khoảng cách này phụ thuộc chủ yếu vào người sử dụng chúng, và, hiệu quả có khi vượt ra ngoài lý thuyết là chuyện thường xảy ra trong cách sử dụng, khai thác vũ khí của người Việt trong chiến tranh.
Như vậy khả năng “áp sát”, “đánh vỗ mặt” vào Việt Nam từ hướng biển của kẻ thù bị ngăn cản, buộc chúng phải dạt ra xa, phải tính toán lại vị trí xuất phát tấn công.
Cơ sở thứ hai là Việt Nam có một khung lực lượng tác chiến tầm xa cực mạnh, bao gồm những loại vũ khí phương tiện hiện đại có tầm bắn xa, chính xác, sức hủy diệt lớn.
Khung lực lượng tác chiến tầm xa hiện đại kết hợp với lực lượng tác chiến tầm gần uy lực mạnh, tinh nhuệ thiện chiến là lực lượng chính yếu của chiến lược chống tiếp cận.
Nhưng hoạt động hiệu quả hay không, sẽ bắt đối phương phải trả giá đắt hay không trước hết là khả năng chống trả và sống sót của đòn tác chiến điện tử áp chế phòng không của kẻ thù làm “mù và điếc” hệ thống phòng không, thông tin chỉ huy của Việt Nam để làm chủ vùng trời. Khi địch đã làm chủ vùng trời thì chiến lược chống tiếp cận bị phá sản.
Trong chiến tranh hiện đại, chỉ cần có một thời gian tính bằng phút là có thể thay đổi được cục diện. Bởi vậy tạo ra một không gian, thời gian để cho hệ thống phòng không đối phó, phát hiện và đánh chặn là nhiệm vụ rất hệ trọng của chiến lược chống tiếp cận.
Việt Nam đã từng đối đầu với một cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn do Mỹ triển khai hòng đánh sập hệ thống phòng không Việt Nam cách đây 40 năm nhưng không thể.
Ngày nay, ngoại trừ Mỹ, khó có nước nào trong khu vực có đủ năng lực để tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử, áp chế phòng không gồm áp chế mềm, áp chế cứng…như Mỹ cách đây 40 năm, trong khi Việt Nam đã thay đổi.
Các hệ thống phòng không được xây dựng dưới dạng mạng lưới, qua đó, thông tin thu thập được qua radar hay trinh sát quang học thông thường đều có thể chia sẻ cho khẩu đội phòng không với tốc độ cao qua mạng lưới datalink; các tên lửa phòng không được kết nối với nhau có thể được dẫn bắn từ một hay nhiều ra đa đặt cách xa nó; xuất hiện pháo 37li cải tiến bắn bằng radar, quang học trong hệ thống phòng không tầm thấp khủng khiếp, hiệu quả năm xưa; xuất hiện những dàn tên lửa phòng không tầm xa cơ động như S-300 MPU1 bắn và di chuyển… thì việc tiêu diệt một vài hệ thống radar là có thể.
Nhưng để đánh quỵ khả năng phòng không Việt Nam hòng làm chủ vùng trời của lực lượng thù địch hiện nay là không thể trong một trận, trong một tháng, trong một năm.
Vì vậy cho nên chống tiếp cận để làm chủ vùng trời và làm chủ vùng trời để chống tiếp cận là tiền đề, điều kiện của nhau.
Cuối cùng là, cách đánh sở trường của Việt Nam.
Đó là tư tưởng quân sự “nếu những gì công nghệ không thể thì chiến thuật có thể”, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ luôn luôn khắc tinh của thói chủ quan, ngạo mạn, hiếu chiến, cậy đông, vũ khí trang bị hiện đại công nghệ cao; đó là chiến tranh du kích được phát triển lên tầm cao mới bởi vũ khí không phải như vũ khí của du kích ngày xưa; đó là…vân vân và vân vân.
Chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam xem ra rất khả thi bởi hình thành trên cơ sở xem ra cũng độc đáo và vững chắc.
(BDV)
Hiện chưa có phản hồi nào.