Tướng Trung Quốc Trần Hổ nhận định như vậy, coi đó là một nguyên nhân làm xuất hiện hiện tượng “bùng nổ” vũ khí trang bị mới thời gian qua và tương lai.
Tờ “Phương Đông” Trung Quốc vừa dẫn các nguồn tin cho biết, bắt đầu từ cuối năm 2012, liên tục vài tháng qua, có một lô lớn vũ khí trang bị mới do Trung Quốc tự sản xuất đã “ra mắt”.
Trước tiên là máy bay chiến đấu J-31, tiếp theo là tàu sân bay Liêu Ninh chính thức hoạt động, các máy bay trực thăng vũ trang Z-10, Z-19, máy bay không người lái Dực Long đã đồng loạt trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2012.
Đồng thời, trên các trang mạng còn xuất hiện các hình ảnh của một loạt trang bị mới do Trung Quốc tự sản xuất như máy bay chiến đấu J-18, tàu khu trục 052D. Điều này gây sự chú ý cho dư luận, nhất là những quan ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc.
Bài báo tự đặt các câu hỏi: “Tại sao lại xuất hiện hiện tượng ‘bùng nổ’ liên tiếp những vũ khí nội địa như vậy? Những trang bị nội địa này rốt cục thuộc trình độ nào? Hiện tượng ‘bùng nổ’ này phải chăng liên tục xuất hiện trong thời gian tới?”.
Bài báo phỏng vấn Thiếu tướng Trung Quốc Trần Hổ để trả lời cho những vấn đề này. Theo ông Trần Hổ, sở dĩ xuất hiện hiện tượng nêu trên là do có 3 nguyên nhân sau đây:
“Phản ứng khẩn cấp với mối đe dọa quân sự từ bên ngoài”
Trần Hổ cho rằng, thứ nhất, đây là hiện tượng tự nhiên trong quá trình nghiên cứu phát triển trang bị mới. Chẳng hạn, trong quá trình nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ tư của Mỹ, đã xuất hiện đến 4 phiên bản nghiệm chứng là YF22, YF23, YF32, YF35.
Nhưng trang bị thực tế cuối cùng chỉ có máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35. Đây là giai đoạn nghiệm chứng (thử nghiệm), hoàn toàn không có nghĩa là tất cả các phiên bản nghiệm chứng cuối cùng sẽ được chính thức định hình và trang bị hàng loạt.
Rất nhiều trang bị tự sản xuất hiện nay được dư luận trông thấy cũng có hàm nghĩa đó. Trong các máy bay thế hệ thứ tư, có J-20, J-31, thậm chí có J-18. Như vậy, đây phải chăng là các phiên bản nghiệm chứng trong giai đoạn nghiệm chứng?
Trong khi đó, một loạt máy bay không người lái xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải vừa qua cũng có máy bay khái niệm (ý tưởng), có loại là mô hình, có loại là máy bay thật.
Trên thực tế hiện tượng này cũng phù hợp với đặc trưng giai đoạn nghiệm chứng trong quá trình nghiên cứu phát triển trang bị mới.
Thứ hai, ông Trần Hổ đổ lỗi cho “mối đe dọa quân sự từ bên ngoài”, theo đó, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển vũ khí trang bị mới là một hành động kiểu “phản ứng khẩn cấp”.
Quá trình nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị cỡ lớn có thể cần đến 8-10 năm, thậm chí dài hơn. Điều này có nghĩa là, những thứ trông thấy hiện nay có thể được duyệt chương trình nghiên cứu phát triển từ 10 năm trước, thậm chí sớm hơn.
Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ này hoặc sớm hơn, có thể nhìn lại những sự kiện vẫn còn mới mẻ: Khi đó, Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, Sứ quán Trung Quốc tại Liên bang Nam Tư bị đánh bom, sự kiện va chạm máy bay ở biển Đông. Khi đó, Trung Quốc “bắt đầu đối mặt với mối đe dọa quân sự to lớn từ bên ngoài”.
Theo Trần Hổ, mối đe dọa tăng lên, khoảng cách về trình độ công nghệ của vũ khí trang bị không thể không thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc tự nghiên cứu phát triển một số vũ khí trang bị mới. Đây chính là “phản ứng khẩn cấp” với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Thứ ba, Trung Quốc sở dĩ đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị mới là do: đây là phiên bản “đuổi theo” của vũ khí trang bị, hoặc gọi là phát triển mang tính bổ sung.
Đa số người cho rằng, trong thời gian khá ngắn, Trung Quốc cho “ra mắt” khá tập trung các loại vũ khí trang bị mới. Nhưng nếu đặt nó vào một “chiều ngang” lịch sử dài hơn, chẳng hạn 30 năm, 40 năm, trong giai đoạn này, Trung Quốc nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị với các kiểu cỡ, số lượng nói chung là hoàn toàn không có gì to lớn và đáng ngạc nhiên đặc biệt.
Theo Trần Hổ, nâng đỡ cho quan điểm này còn có một hiện tượng khác: Những loại vũ khí trang bị mới xuất hiện phần nhiều đều là để lấp đi “lỗ hổng” của Trung Quốc. Như tàu sân bay, máy bay chiến đấu hải quân, máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn, máy bay trực thăng vũ trang chuyên dụng, máy bay tấn công không người lái.
Trong khi đó, ngay từ vài chục năm trước, có nhiều nước đã đạt được trình độ tương đương. Lấp đi lỗ hổng này cũng cho thấy đây là một sự phát triển “đuổi theo”, mang tính bổ sung của Trung Quốc.
“Mối đe dọa quân sự từ bên ngoài”
Rốt cuộc những vũ khí trang bị mới xuất hiện gần đây có trình độ thế nào? Hiện tượng “bùng nổ” vũ khí trang bị mới có còn tiếp diễn?
Trần Hổ cho rằng, nếu so sánh với quốc tế, Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách với trình độ tiên tiến quốc tế. Nhưng, một số nước đã sở hữu, thậm chí đã trang bị một số lượng tương đối. Cho nên, việc nghiên cứu phát triển những vũ khí trang bị này cho dù đã đạt mức độ định hình, trang bị hàng loạt thì cũng chỉ có thể rút ngắn khoảng cách, không thể đạt hoặc vượt trình độ cao nhất của quốc tế.
Còn vấn đề thứ hai, thực ra cần phải nhìn lại vấn đề thứ nhất. Tức là phải xem nguyên nhân tạo ra sự “bùng nổ” này có còn tồn tại hay không. Trước hết, hiện tượng tự do phát triển trong quá trình nghiên cứu phát triển trang bị mới vẫn phải tồn tại, bởi vì hiện nay rất nhiều loại vũ khí trang bị của nước ngoài đều đã bắt đầu nghiên cứu phát triển phiên bản thế hệ mới. Như máy bay thế hệ thứ sáu, máy bay ném bom chiến lược kiểu mới và tàu sân bay thế hệ mới do Mỹ nghiên cứu phát triển.
Thứ hai, xem xét môi trường bên ngoài. Cùng với sự điều chỉnh chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, cùng với một loạt sự phát triển tình hình xung quanh, nhất là trên biển của Trung Quốc, Trung Quốc “vẫn đang phải chịu mối đe dọa quân sự to lớn” từ bên ngoài, ít nhất là từ Mỹ, Nhật Bản. Đối mặt với sức ép đó, Trung Quốc vẫn có “động lực rất mạnh” nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị thế hệ mới hơn.
Thứ ba, ở Trung Quốc, một số chương trình nghiên cứu trang bị quan trọng vẫn còn có “lỗ hổng”, vẫn còn khoảng cách 20 năm trở lên so với trình độ tiên tiến quốc tế, cho nên, điều kiện phát triển mang tính “đuổi theo” và bổ sung vẫn còn tồn tại.
Việc nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị là mang tính chu kỳ, cho nên, trong tương lai, có một khả năng lớn hơn sẽ nhìn thấy được, đó là hiện tượng “bùng nổ” mang tính gián đoạn, đứt quãng.
(BGD)
Hiện chưa có phản hồi nào.