Bài báo cho rằng, Ấn Độ tuy mua được vũ khí Nga tiên tiến hơn Trung Quốc, nhưng không giỏi sao chép, đa dạng hóa nguồn cung thì khó tác chiến…
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong tiến trình hiện đại hóa của Không quân Trung Quốc, vai trò của công ty Feizuolun (dịch âm) Nga không thua gì Cục thiết kế Sukhoi bán máy bay chiến đấu Su-27 cho Trung Quốc.
Theo tạp chí “Take-Off” Nga, radar máy bay tiên tiến mà công ty bán cho Trung Quốc có tính năng kém hơn bán cho Ấn Độ. Đối với vấn đề này, người phụ trách công ty Feizuolun giải thích rằng: Trung Quốc có hệ thống nghiên cứu khoa học, sản xuất mạnh, vấn đề gì đều có thể ít nhiều tự giải quyết, sự giúp đỡ của nước ngoài luôn là tạm thời.
Còn Ấn Độ thì khác, họ luôn hỏi chúng tôi bán cái gì cho Trung Quốc, sau đó lại hỏi còn có sản phẩm nào tốt hơn không và mua nó.
Từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ là khách hàng vũ khí trang bị lớn của Nga. Trước khi Liên Xô giải thể, Ấn Độ đã là khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga; sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ trở thành khách hàng lớn mua vũ khí của Nga.
Sau khi bước vào thế kỷ mới, do Trung Quốc ngày càng tự nghiên cứu phát triển được vũ khí, họ đã nhanh chóng giảm nhập khẩu vũ khí của Nga, lúc này Ấn Độ tiếp tục trở thành nước mua vũ khí hàng đầu của Nga.
Hiện nay, khi Ấn Độ từng bước chuyển sự quan tâm mua vũ khí nước ngoài tới Mỹ, châu Âu và Israel, Trung Quốc lại trở thành nước đi đầu mua vũ khí của Nga.
Nhưng, có nhiều quan điểm cho rằng, về nguyên tắc, vũ khí trang bị Nga bán cho Ấn Độ đều tốt hơn trang bị cùng loại Nga bán cho Trung Quốc.
Chẳng hạn loại máy bay chiến đấu Su-30 có số lượng tiêu thụ lớn nhất, Nga bán cho Ấn Độ phần lớn là Su-30MKI, còn bán cho Trung Quốc là Su-30MKK. Ai cũng biết, tính năng của Su-30MKK rõ ràng không bằng Su-30MKI.
Rất nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Nga bán vũ khí tiên tiến nhất cho Ấn Độ và bán vũ khí kém hơn cho Trung Quốc là do Nga yên tâm hơn với Ấn Độ và còn lo ngại với Trung Quốc.
Nga còn hy vọng, trong thời điểm quan trọng, Ấn Độ có thể dựa vào tính năng ưu việt của vũ khí Nga, có thể gây sức ép với Trung Quốc, giúp Nga kiềm chế Trung Quốc về chiến lược.
Quan điểm này bất kể là ở Trung Quốc hay ở quốc tế đều rất có sức thuyết phục, từng gây phẫn nộ cho Trung Quốc trước hành động này của Nga.
Nhưng, các nguồn tin từ Nga cho thấy, Trung Quốc đã cảm thấy dễ chịu hơn. Mặc dù vẫn không thể loại trừ khả năng tồn tại tư duy trên của Nga, nhưng nói chung, hiện nay cơ bản có thể cho rằng, nguồn gốc là bản thân Ấn Độ có “tư duy Chiến tranh Lạnh”.
Bất kể Trung Quốc mua vũ khí gì của Nga, người mua thứ hai cơ bản là Ấn Độ, hơn nữa còn phải mua đồ tiên tiến hơn so với Trung Quốc.
Mục đích của Ấn Độ chính là muốn mua được đồ tốt hơn Trung Quốc để có thể dùng ưu thế công nghệ tiêu diệt Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh tiềm tàng tương lai.
Nhưng, có một sự thực khác ít được chú ý tới là, Ấn Độ yêu cầu Nga bán công nghệ tiên tiến nhất thường là những công nghệ mới chưa được nghiệm chứng đầy đủ, trong khi đó Trung Quốc lại sẵn sàng hơn mua những công nghệ đã tương đối hoàn thiện, ví dụ như Su-30MKK.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI mà Ấn Độ mua tuy đã sử dụng rất nhiều công nghệ mới, tiên tiến hơn một chút so với Su-30MKK, nhưng bản thân Nga cũng chưa nắm chắc công nghệ này, song Ấn Độ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua, Nga nhìn thấy kiếm được nhiều tiền thì cũng thuận lòng bán đi.
Như vậy, Ấn Độ chưa chắc đã đạt được mục đích. Vũ khí Nga bán cho Ấn Độ tiên tiến hơn so với bán cho Trung Quốc, nhưng giá cao hơn, song nó chưa chắc đã có sức chiến đấu mạnh hơn.
Hơn nữa, vũ khí Ấn Độ mua của Nga dễ xảy ra sự cố hơn, vì vũ khí trang bị Nga thường có lỗi nhỏ về chi tiết và chất lượng, trong khi khả năng bảo trì, bảo dưỡng của Ấn Độ tương đối thấp.
Báo Trung Quốc tự khen : Ngoài ra, điều chủ yếu nhất là khả năng tiêu hóa, hấp thu công nghệ vũ khí Nga của Ấn Độ không bằng Trung Quốc, điều này có lẽ rất ít quốc gia có thể so sánh với Trung Quốc, “lấy thứ của nước khác phục vụ cho Trung Quốc” – tức sap chép – luôn là sở trường giỏi nhất của Trung Quốc.
Hơn nữa, sau khi mua được vũ khí của Nga, Trung Quốc còn căn cứ vào điểm mạnh, yếu của vũ khí bộc lộ ra trong quá trình sử dụng, tiến hành cải tiến, nâng cấp phù hợp với nhu cầu của mình, từ đó làm cho vũ khí trang bị nhập khẩu trở thành “bảo bối” đáng quý nhất.
Vũ khí trang bị Nga sau khi được Trung Quốc cải tạo đã có sự “nhảy vọt và cải thiện về chất”, tính năng thường “cao hơn một bậc” so với thứ ban đầu, điều này được thể hiện ở máy bay chiến đấu và tên lửa.
Đặc biệt, vũ khí Nga sau khi được nghiên cứu và tiêu hóa, Trung Quốc lại tìm cách sao chép, thiết kế, chế tạo ra vũ khí của họ, từ đó sinh ra một loại vũ khí mới vừa không hoàn toàn thuộc công nghệ Nga vừa không phải là công nghệ phương Tây. Điều này phần nào đã nâng cao trình độ phát triển của vũ khí Trung Quốc.
Trong khi đó, khả năng này của Ấn Độ còn hạn chế. Những vũ khí Ấn Độ được Nga cấp phép chế tạo có trình độ thấp hơn đồ mua trực tiếp của Nga, các sản phẩm trực tiếp sử dụng linh kiện của Nga để lắp ráp cũng không ổn định, chưa nói đến những linh kiện được chế tạo tại Ấn Độ.
Công nghiệp cơ bản của Ấn Độ có trình độ còn hạn chế, thể hiện rõ trong việc nghiên cứu xe tăng chiến đấu Arjun và máy bay chiến đấu Tejas trải qua hàng chục năm.
Những vũ khí trang bị này không đáp ứng được nhu cầu của quân đội, chất lượng thấp và đến nay vẫn chưa thể trang bị hàng loạt cho quân đội.
Những năm gần đây, máy bay chiến đấu Su-30MKI do Ấn Độ tự lắp ráp cũng liên tục rơi vỡ, Ấn Độ và Nga đã đổ lỗi cho nhau, Ấn Độ rất than phiền về linh kiện do Nga cung cấp, còn Nga thì chỉ trích Ấn Độ có công nghệ sản xuất và trình độ nhân viên kém.
Hơn nữa, truyền thông Ấn Độ còn công khai cho biết, Nga có truyền thống hạ thấp tính năng của vũ khí trang bị, sau đó mới bán ra nước ngoài.
Ấn Độ nhập lô lớn xe tăng chiến đấu T-90 của Nga, nhưng qua sử dụng cho thấy sức chiến đấu của nó thấp, không thể đối phó được xe tăng của Pakistan.
Bởi vì, Nga đã dỡ bỏ một số hệ thống quan trọng của xe tăng T-90 mà họ bán cho Ấn Độ, như hệ thống phòng thủ chủ động “Shtora” dùng để bảo vệ T-90 tránh bị tên lửa chống tăng tấn công, số lượng tên lửa trang bị cho xe tăng này cũng bị giảm đi, hơn nữa cự ly và phạm vi vai trò của thiết bị quang điện lắp trên xe tăng này cũng giảm mạnh…
Thậm chí có thể nói, Ấn Độ tuy có quyền ưu tiên hơn Trung Quốc khi mua vũ khí Nga, nhưng họ đã chịu nhiều thiệt hại trong các giao dịch vũ khí trang bị với Nga.
Bên cạnh đó, theo báo TQ, tên lửa Club mới (trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo đưa đến nga cải tiến) phóng 6 quả không trúng phát nào; tàu hộ vệ INS Tabar đặt mua của Nga, sau khi hoàn thành lắp ráp, xảy ra vấn đề hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử không tương thích, nên Ấn Độ từ chối ký tên vào văn bản tiếp nhận tàu;
Ấn Độ cũng từng từ chối tiếp nhận máy bay săn ngầm IL-38SD do Nga giúp cải tạo, có lắp thêm hệ thống trinh sát Sea Snake – không đáp ứng yêu cầu kỹ chiến thuật của Quân đội Ấn Độ; linh kiện then chốt của tàu ngầm hạt nhân Chakra Ấn Độ thuê đắt của Nga đã có vấn đề và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sử dụng, tác chiến của họ; tàu sân bay Gorshkov Ấn Độ mua của Nga đã từ 947 triệu USD ban đầu tăng vọt lên 2,9 tỷ USD, hơn nữa do sự cố liên tục phải kéo dài đến cuối năm 2013 mới có thể bàn giao…
Có lẽ do không tin tưởng vào vũ khí trang bị do Nga chế tạo, những năm gần đây, Ấn Độ dần dần chuyển sự chú ý tới các nước phương Tây.
Mặc dù hiện nay hàng năm Nga vẫn xuất khẩu lượng lớn vũ khí cho Ấn Độ, nhưng trong đó phần lớn là những vũ khí công nghệ thấp thông thường, hoặc là vũ khí mà Ấn Độ không mua được từ các nước phương Tây.
Những vũ khí mua từ phương Tây được Ấn Độ cho là tốt hơn vũ khí Nga, chẳng hạn, máy bay săn ngầm P-8A và máy bay vận tải cỡ lớn C-17 Ấn Độ mua của Mỹ, 126 máy bay chiến đấu Rafale mua của Pháp, máy bay cảnh báo sớm và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow mua của Israel, máy bay tiếp dầu trên không phiên bản cải tiến A330 mua của Airbus… Trong khi, những vũ khí này vốn có kế hoạch mua của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là chiến lược quốc phòng đa dạng hóa nguồn cung của Ấn Độ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đối tác cung ứng vũ khí truyền thống Nga, đồng thời cải thiện quan hệ với các nước phương Tây.
Những hành động này cho thấy Ấn Độ muốn tận dụng tình hình có lợi – mâu thuẫn giữa phương Đông và phương Tây để đạt lợi ích – thông qua đấu thầu vũ khí trang bị tiên tiến, có thể nhanh chóng nâng cấp, thay thế vũ khí trang bị cho Quân đội Ấn Độ, thực hiện mục tiêu nhanh chóng bước vào hàng ngũ các cường quốc quân sự thế giới.
Nhưng, do tiêu chuẩn phức tạp, Quân đội Ấn Độ rất khó đưa ra được học thuyết quân sự, phương thức tác chiến đồng bộ và hệ thống bảo đảm, chi viện hậu cần tin cậy trong ngắn hạn, vì vậy làm cho chúng khó tạo được sức chiến đấu có hiệu quả.
Trái lại, đối với Trung Quốc, mặc dù nhiều năm qua liên tục bị phương Tây cấm vận vũ khí, nhưng việc nhập khẩu có trật tự, hợp lý kết hợp với tự nghiên cứu phát triển, cho nên Trung Quốc đã giành được tiến bộ liên tiếp về vũ khí trang bị.
Cùng với việc ngày càng nhiều vũ khí trang bị tự sản xuất đưa vào hoạt động, biên chế và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tác chiến chủ yếu, sức mạnh quân sự của Trung Quốc được cải thiện. Những vũ khí nhập khẩu và sau khi cải tiến (sao chép) đã có tính năng “tương đương nhau”.
Thời báo Hoàn Cầu tự an ủi rằng: trên con đường phát triển nhập khẩu-tiêu hóa-hấp thu-cải tiến-sáng tạo, Trung Quốc tận dụng IL-76 cải tạo, nghiên cứu phát triển thành KJ-2000; sử dụng công nghệ Kilo cải tiến thành tàu ngầm lớp Tống và tự nghiên cứu phát triển thành công tàu ngầm lớp Nguyên;
trên nền tảng tên lửa S-300 đã áp dụng công nghệ cả phương Đông và phương Tây, chế tạo ra tên lửa phòng không tầm xa HQ-9; trên nền tảng hệ thống rocket phóng loạt Smerch của Nga, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển ra hệ thống rocket phóng loạt A-100; trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-27SK của Nga, Trung Quốc đã chế tạo ra máy bay chiến đấu dòng J-11…
Đồng thời, do sự thúc đẩy bởi nhu cầu nghiên cứu chế tạo ra trang bị mới nội địa có bản quyền sở hữu trí tuệ, công nghiệp quân sự Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ “bùng nổ” đặc biệt, một loạt vũ khí trang bị mới như:
máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư J-20 và J-31, máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, máy bay trực thăng vũ trang Z-10, tàu khu trục tên lửa Chinese Aegis Type 052C, 052D, tàu hộ vệ tên lửa 054A, tàu ngầm thông thường lớp Nguyên 041, xe tăng chiến đấu 99A2, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đa đầu đạn DF-41… đã lần lượt ra đời, đồng thời trở thành chủ lực tác chiến của Quân đội Trung Quốc. Như vậy, lịch sử nhập khẩu vũ khí trang bị của Trung Quốc đang thay đổi.
Thực tế cho thấy, dựa vào nhập khẩu vũ khí trang bị khó có thể trở thành nước lớn, mô hình mua sắm vũ khí khác nhau của Trung Quốc và Ấn Độ cũng cho thấy, Ấn Độ tuy nhập được rất nhiều vũ khí trang bị Nga rất tiên tiến, nhưng lại không đóng vai trò thúc đẩy nhiều cho sự phát triển công nghiệp quân sự của Ấn Độ.
Trong khi đó, vũ khí trang bị Trung Quốc mua của Nga mặc dù có trình độ tiên tiến không bằng Ấn Độ, nhưng Trung Quốc lại giỏi tiêu hóa, sao chép, biến thành cái của họ. Bài báo kết luận, nếu Trung-Ấn nổ ra chiến tranh, hai bên đều sử dụng vũ khí Nga để tham chiến, thì Ấn Độ chưa chắc sẽ chiếm được lợi thế gì.
(BGD)
Hiện chưa có phản hồi nào.