Hệ số Gini của Trung Quốc là 0,61 -cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó.
Phân biệt chủng tộc, thị trường lao động vỡ vụn cùng với sự độc quyền của các tập đoàn khai thác mỏ đã khiến Nam Phi trở thành một trong những nước có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo cao nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của đại học Cape Town, trong năm 2008, 10% các hộ gia đình giàu có nhất ở Nam Phi đã nắm giữ tới 58% thu nhập của cả nước. Gini – hệ số đo lường chênh lệch giàu nghèo – của Nam Phi lên tới 0,7 trong khi mức cao nhất là 1.
Tuy nhiên, tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo của Nam Phi sẽ sớm bị bắt kịp bởi 1 quốc gia khác: Trung Quốc. Theo báo cáo vừa được đưa ra, 10% hộ gia đình giàu có nhất Trung Quốc đang sở hữu tới 57% thu nhập của cả nước trong năm 2010. Hệ số Gini của Trung Quốc là 0,61 -cao hơn rất nhiều so với ước tính trước đó.
Các chuyên gia đến từ đại học Texas và đại học kinh tế tài chính Tây Nam vừa thực hiện khảo sát có tên gọi “khảo sát hộ tài chính hộ gia đình Trung Quốc” (China Household Finance Survey – CHFS).
Đây là khảo sát được thực hiện dựa trên mô hình của khảo sát tài chính người tiêu dùng được thực hiện bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi Fed thực hiện khảo sát trên 65.000 hộ gia đình, CHFS được thực hiện trên 8.438 hộ gia đình ở Trung Quốc, trừ Tây Tạng, khu tự trị Nội Mông, Tân Cương, Hồng Kông và Ma Cao.
Có thể nói, thực hiện khảo sát ở Trung Quốc là 1 điều khá khó khăn. Nhóm nghiên cứu đã chọn ra ngẫu nhiên 320 gia đình và phát hiện ra rằng rất nhiều gia đình chỉ có được một nửa tài sản so với số liệu chính thức. Trong khi đó, một số người khác lại có tài sản cao gấp đôi so với báo cáo. Không nhiều người sẵn sàng tiết lộ thông tin. Những cánh cửa đóng sầm trước mặt các sinh viên trường Tây Nam và họ bắt buộc phải tiếp cận với các hộ gia đình tới 6 lần trước khi từ bỏ.
Tại tỉnh miền núi Vân Nam, các sinh viên đã đến nhiều vùng núi cao để thực hiện khảo sát. Ở đây, thậm chí người dân còn không hiểu gì về tài sản tài chính. Một người dân làng cho biết ông không có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Chỉ đến khi ông lôi ra một túi đựng tiền và bắt đầu đếm tiền trong túi, người phỏng vấn mới biết rằng không phải ông đang có thái độ lẩn tránh và không muốn đưa ra câu trả lời.
Những người dân ở thành thị còn thiếu hợp tác hơn. 16,5% số người được hỏi đã từ chối tham gia trong khi tỷ lệ ở nông thôn chỉ là 3,2%. Tuy nhiên, có thể thấy đây là tỷ lệ khá tốt so với mức 30% số người được hỏi từ chối cung cấp thông tin khi Fed thực hiện khảo sát.
Trên thực tế, sự thành công của các sinh viên trong quá trình tiếp cận các hộ gia đình có thể được coi là nguyên nhân giải thích tại sao tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc lại cao đến như vậy. Các khảo sát ở nhiều nước khác đã bỏ qua tỷ lệ lớn những người rất giàu và rất nghèo.
Khảo sát này cũng khẳng định các hộ gia đình Trung Quốc có tỷ lệ nợ rất thấp. Số nợ phải trả chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng tài sản trong khi tỷ lệ ở Mỹ lên đến hơn 16%. Đặc biệt, tổng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đã lên đến 69,1 nghìn tỷ USD trong năm 2010 – cao hơn 20% so với tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ.
Minh Anh (CFF)
Hiện chưa có phản hồi nào.