Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị – Xã hội » Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (kỳ 4)

Chiến dịch Sa Thầy là trận đánh thể hiện tài điều địch, dụ địch tài tình của tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Kỳ 4: Tài điều địch của tướng lĩnh Việt

Nhử “cóc” vào rọ

Từ khi tiến hành chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã rất ưa thích sử dụng chiến thuật “Trực thăng vận”. Mỗi khi phát hiện nơi tập trung lực lượng quân sự của ta, lính Mỹ cùng với cả vũ khí hạng nặng liền được trực thăng chở thẳng từ căn cứ tới ngay khu vực đó. Quân Mỹ thường đổ quân xuống sau lưng đội hình quân ta để đánh bọc hậu. Chiến thuật này được Mỹ gọi là trực thăng vận còn phía ta quen gọi là kiểu “nhảy cóc”.

Nhờ sức cơ động rất cao của trực thăng, các cuộc hành binh của lính Mỹ trở nên an toàn tuyệt đối. Mối lo sợ bị phục kích dọc đường bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, chiến thuật trực thăng vận cũng có nhiều điểm yếu, với tiếng động rất lớn của hàng chục chiếc trực thăng bay cùng lúc sẽ giúp đối phương dễ dàng phát hiện từ sớm.

Thêm vào đó, trên các địa hình rừng núi đối phương hoàn toàn có thể tính trước được các khu vực có thể đáp trực thăng ở xung quanh nơi họ đóng quân. Từ đó, người ta có thể dễ dàng lập kế hoạch để giáng trả cho lực lượng đổ bộ từ phút đầu tiếp đất.

Lính Mỹ rất ưa thích chiến thuật "trực thăng vận".

Lính Mỹ rất ưa thích chiến thuật "trực thăng vận".

Bước vào mùa khô 1966, trên chiến trường Tây Nguyên, Bộ tư lệnh mặt trận B3 quyết định xây dựng kế hoạch nhử Mỹ ra khỏi căn cứ để tiêu diệt. Lợi dụng chính “sở thích” nhảy cóc bằng trực thăng của quân Mỹ để dẫn dụ chúng vào cái bẫy ta giăng sẵn.

Khu vực tác chiến chủ yếu xác định khoảng 500km2 nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy và một phần Tây Bắc huyện Chu Păh. Địa hình có phần tương đối rõ rệt gồm: từ sông Sa Thầy đến sông Pô Koo núi cao liên tiếp thành dãy, ở khu vực phía Tây cứ điểm Plây-Giê-Răng có một số núi thấp, gần sát sông Sa Thầy có bãi trống; từ sông Sa Thầy đến sát biên giới Việt Nam – Campuchia là rừng thưa, cây thưa có nhiều bãi trống, rất có thể địch sẽ lợi dụng đổ quân bằng trực thăng.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An – Phó tư lệnh mặt trận B3 đã viết trong hồi ký của mình về quá trình chuẩn bị: “Bước vào mùa chiến đấu đông xuân 1966-1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên ở tư thế đàng hoàng chững chạc. Thời gian chuẩn bị hàng tháng trời, tôi, Hữu Đức cùng một số cán bộ trung đoàn đi trinh sát thực địa từ Plây-giê-răng kéo dài tới biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng gần 60km.

Chúng tôi tìm địa điểm “chốt” bố trí sẵn lực lượng, và bàn cách đánh ở thực địa, làm sao khi dẫn địch ra chốt A, chốt A phải dụ địch vào chốt B, chốt B phải dụ địch vào chốt C… cứ như thế tạo ra một chuỗi những trận đánh nối tiếp dẫn địch theo ý của ta vào quyết chiến điểm.

Quyết chiến điểm ở sát biên giới chúng tôi chọn là một cái nương khá rộng tương đối bằng phẳng, nếu địch muốn chặn không cho ta vượt qua biên giới, buộc chúng ta phải đổ quân xuống đây với lực lượng không thể ít hơn một tiểu đoàn. Ở đây ta tập trung lực lượng lớn nhất, với toàn bộ Trung đoàn 88 quyết tâm diệt gọn tiểu đoàn địch và cũng là trận đánh kết thúc chiến dịch”.

Dắt mũi quân thù

Ngày 19/10, mở màn chiến dịch, một phân đội thuộc Trung đoàn 320 đã bao vây “chọc tức” bọn đồn trú ở Plây-giê-răng. Lập tức một đại đội thuộc Sư đoàn bộ binh số 4 quân Mỹ đổ quân xuống sau lưng quân ta cách khoảng 3km.

Đại đội địch vừa đổ xuống, ngay trong đêm đã bị một đại đội của ta nằm sau chúng khoảng 2km vận động tập kích. Ngày hôm sau chúng lại đổ thêm quân để bọc hậu đơn vị “Việt cộng” chúng mới phát hiện… Cứ như thế Trung đoàn 320 và một bộ phận của Trung đoàn 66 đã đánh hàng chục trận và kéo địch vào địa bàn quyết chiến mà ta đã chọn.

Lợi dụng "sở thích nhảy cóc", quân ta đã dụ địch vào vị trí chuẩn bị trước đó và giáng cho chúng đòn bão lửa.

Lợi dụng "sở thích nhảy cóc", quân ta đã dụ địch vào vị trí chuẩn bị trước đó và giáng cho chúng đòn bão lửa.

Với ý định không cho “Việt Cộng” chạy thoát sang Campuchia, quân Mỹ dùng trực thăng đổ 1 tiểu đoàn xuống sát biên giới. Trước khi đổ bộ, quân Mỹ cho máy bay B-52 rải bom phát quang một khu vực rộng khoảng 5km. Địa điểm đổ quân của Mỹ nằm gọn trong khu vực ta đã chọn cho chúng, được ta gọi mật danh là C1.

10h ngày 25/10 địch bắt đầu đổ quân xuống C1, pháo của ta lấy phần tử bắn từ trước chờ địch đổ quân khoảng mười phút thì khai hỏa. Cùng lúc 4 khẩu súng cối 120mm lên tiếng và một trận mưa đạn cối trùm lên toàn bộ đội hình địch.

Trên đài quan sát, tướng An mô tả: “Trận bão đạn pháo nổ như sấm sét trùm kín bãi đất bằng phẳng nơi bọn Mỹ vừa đặt chân xuống. Sự bất ngờ khủng khiếp hơn tất cả mọi khủng khiếp mà chúng có thể tưởng tượng được. Trên đài quan sát ta nhìn rõ, sau từng đám khói tan, bọn lính Mỹ chết đè lên nhau, những tên còn sống chạy hoảng loạn không có nơi trú ẩn”.

Sau cơn mưa đạn cối, Trung đoàn 88 đã phục sẵn xung quanh, tổ chức thành 3 mũi tiến công vào lực lượng còn sót lại của địch. Sau phút choáng váng, lính Mỹ gọi phi pháo yểm trợ tích cực. Hai bên kịch chiến suốt đêm 25/10. Lính Trung đoàn 88 xông lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê và lựu đạn làm quân địch càng thêm rối loạn. Trong khi đó, vì quân hai bên đã lẫn vào nhau nên phi pháo của địch tỏ ra vô tác dụng. Trong cơn tuyệt vọng, chỉ huy Mỹ cam tâm gọi máy bay ném bom trùm lên cả đội hình của chính quân mình.

Ở vòng ngoài, Trung đoàn 66 cũng tích cực đánh quân cứu viện, không cho bọn thám báo và các đại đội lẻ của địch đến gần khu vực C1. Bị thiệt hại nặng nề, sợ sẽ bị xóa sổ cả tiểu đoàn quân Mỹ rút chạy khỏi C1.

7h sáng 26/10, 20 chiếc trực thăng liều chết đáp xuống bãi C1 để bốc đám tàn quân về căn cứ. Cùng với đó, những đại đội, tiểu đoàn bị xé lẻ thuộc Sư đoàn bộ binh số 4 bị rải ra suốt chiều dài từ đồn Plây-giê-răng tới Cl gần 60 km cũng lần lượt phải rút chạy bằng trực thăng.

Tổng kết chiến dịch, từ 19/10 đến 6/12/1966, ta đánh 34 trận lớn nhỏ, tiêu diệt tổng số 2.050 Mỹ, 360 ngụy, diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, 8 đại đội Mỹ và một số trung đội, bắn rơi 21 máy bay, phá hủy 21 pháo, 5 cối 106 ly, 16 xe.

Rõ ràng quân Mỹ có vũ khí, phương tiện rất hiện đại nhưng cuối cùng vẫn bị thua là vì ngay từ nước xuất quân đã nằm gọn trong sự tính toán của đối phương. Kết quả này làm nổi bật lên tài thao lược của tướng lĩnh quân ta, đặc biệt là tài dụ địch, điều địch.

Con người hay vũ khí?

Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đời được gần 50 năm. Trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành đã đánh với 3 trong số 5 cường quốc. Đặc biệt trong số đó là 30 năm đấu tranh liên tiếp chống lại Pháp và Mỹ. Trong cả 30 năm ấy, chưa bao giờ quân ta ngang bằng đối thủ về so sánh vũ khí.

Tuy nhiên, ta càng đánh càng mạnh, lần lượt đánh bại các cố gắng quân sự đến mức cao nhất của kẻ địch. Các thủ đoạn, chiến thuật của đối phương dù tinh vi, phức tạp đến thế nào, có sự hỗ trợ của vũ khí, máy móc hiện đại đến đâu, cuối cùng đều bị phá sản trước sự thông minh, mưu trí của tướng lĩnh và chiến sĩ ta.

Ngày nay, điểm lại một số trận đánh để làm minh họa cho một vài chiến thuật được quân đội ta sử dụng phổ biến trong chiến tranh trước đây, chúng ta một lần nữa tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời cũng thấy rằng, vũ khí hiện đại là quan trọng nhưng con người điều khiển cuộc chiến tranh và sử dụng những vũ khí ấy còn quan trọng hơn rất nhiều.

(KHKT)


Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa