Chiến thuật nắm thắt lưng địch mà đánh của quân đội ta đã làm quân Mỹ “khiếp sợ” trong trận Ia-Drăng.
Kỳ 3: Quân Mỹ “nếm mùi” chiến thuật nắm thắt lưng địch
Sau 5 tháng đổ quân trực tiếp vào Việt Nam, các tướng lĩnh quân Mỹ mong chờ một trận đánh lớn với “Việt Cộng”. Họ đã có được điều ước nhưng kết quả thì trái ngược các dự tính.
Trận đầu đánh Mỹ
Sau những trận thua liên tiếp của quân đội VNCH, chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn thế thua và làm chỗ dựa cho quân Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ quyết định đưa quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu. Tháng 6/1965, Tổng thống Mỹ phê duyệt chiến lược “Tìm Diệt” nhằm truy tìm và tiêu diệt quân chủ lực đối phương.
Tại Tây Nguyên, do vị trí chiến lược quan trọng, quân Mỹ và chư hầu đến giữa năm 1965 đã tăng lên đến 130.000 quân. Tháng 10/1965, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên (còn gọi là mặt trận B3) điều Trung đoàn 33 vây đồn Pleime để dụ quân Ngụy ra cứu viện.
Sau 10 ngày vây đồn, 1 chiến đoàn quân Ngụy đi giải tỏa cho đồn Pleime đã sa vào ổ phục kích do Trung đoàn 320 đã giăng sẵn. Chiến đoàn này bị đánh thiệt hại nặng mà đồn Pleime vẫn bị vây hãm. Chiến đoàn là đơn vị ứng chiến cơ động lớn nhất của Ngụy quân đã được tung ra mà vẫn không có tác dụng, buộc quân Mỹ phải ra mặt.
Đầu tháng 11/1965, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ đổ một tiểu đoàn xuống nam sông Ia-Drăng, một tiểu đoàn khác xuống điểm cao 732, cách La Mơ 5km. Một lữ dù hành quân cơ giới đến Đức Cơ triển khai quân trên đường 19B.
Bộ tư lệnh mặt trận B3 nhận định: “Lữ kỵ binh bay số 3 Mỹ thực hiện chiến thuật “nhảy cóc” vào hậu phương ta hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Chúng ta đang nhử địch ra để diệt mà Mỹ tự nhảy ra như vậy là đúng ý định của ta, ta có cơ hội để chuyển sang diệt Mỹ”.
Điều đặc biệt là từ sĩ quan đến chiến sĩ ở B3 đều tin tưởng: “Mình sớm trực tiếp đụng đầu với quân Mỹ so với các chiến trường khác, sau một vài trận mình sẽ rút được kinh nghiệm, tin rằng sẽ thắng Mỹ như đã thắng Ngụy”.
Ngày 14/11/1965, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 3 kỵ binh bay) đổ bộ xuống đông bắc Chư Pông 3km, cách Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) của ta 200m. Mặc dù vắng sĩ quan chỉ huy do đang đi nhận nhiệm vụ, lính tiểu đoàn 9 đã tự giác tổ chức chiến đấu đánh địch ngay từ phút đầu.
Đến trưa ngày 14, tiểu đoàn Mỹ bị phản công mạnh phải cụm lại chống cự, 1 trung đội bị vây chặt ngay tại bãi đáp trực thăng và viên chỉ huy trung đội bị giết tại trận. 17h cùng ngày, quân Mỹ cho máy bay ném bom vào đội hình quân ta, các đại đội của Tiểu đoàn 9 tự động rút khỏi trận địa sau khi đã gây thiệt hại nặng cho đối phương.
Trong 2 ngày tiếp theo, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) liên tiếp tiến công vào khu vực đóng quân của lính dù Mỹ. Tuy nhiên, quân Mỹ đã củng cố phòng ngự lại có hỏa lực mạnh chi viện nên hiệu quả chiến đấu của các đợt tấn công của ta không cao. Mặc dù vậy, Tiểu đoàn 1 của Mỹ, sau 2 ngày bị 2 tiểu đoàn ta liên tiếp tấn công, đã rệu rã, thương vong nhiều.
Rạng sáng 17/11, Tiểu đoàn 7 mở một đợt tấn công nữa gây cho tiểu đoàn Mỹ thiệt hại lớn. Sợ bị tiêu diệt, quân Mỹ cho tàn quân tiểu đoàn này co cụm về gần trận địa pháo ở La Mơ để phòng thủ đồng thời đổ Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn lính dù số 3) xuống thay thế.
Tiểu đoàn dù này đã phát hiện được vị trí của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) ở bờ sông Ia-Drăng. Về phía Tiểu đoàn 8, từ trước đó đã nhận được lệnh hành quân quay về để chặn đánh quân Mỹ đang tiến đến từ phía sau lưng. Trưa 17/11, đơn vị đang nghỉ bên bờ sông để ăn cơm trưa thì trinh sát báo quân Mỹ đang tới gần.
Hồi ký của tướng Nguyễn Hữu An – chỉ huy trưởng chiến dịch đã mô tả về trận tao ngộ chiến này: “Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi bình tĩnh đôn đốc tiểu đoàn nhanh chóng triển khai đội hình chiếm trận địa có lợi trước mặt và hai bên, hình thành thế bao vây ép địch vào giữa hai gọng kìm của tiểu đoàn. Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch. Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu”.
Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) cũng nhận được lệnh hành quân lên Chư Pông. Trên đường đi, tiểu đoàn nghe tiếng súng nổ đã nhanh chóng vận động lên phía trước đánh địch. Vậy là Tiểu đoàn dù số 2 của Mỹ đã nằm gọn vào vòng vây của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33). Với lối đánh giáp lá cà dũng mãnh của ta, quân Mỹ rối loạn đội hình đã nhanh chóng bị tiêu diệt.
Bài toán đã có lời giải
Trận Ia-Drăng là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân tinh nhuệ Mỹ và bộ đội chủ lực của quân ta. Xét tương quan, quân Mỹ ưu thế tuyệt đối về sức cơ động (vì chuyển quân bằng trực thăng) và hỏa lực (có 1 tiểu đoàn pháo cùng lực lượng không quân yểm trợ với 300 lần xuất kích/ngày). Trong khi đó, hỏa lực mạnh nhất của quân ta chỉ có cối 82 mm.
Sau trận đánh, phía Mỹ thừa nhận bị loại khỏi biên chế 476 người, trong đó 230 người chết. Ta công bố địch thương vong khoảng 1.200 người và ta mất 208 chiến sĩ, bị thương 146. Nhưng phía Mỹ lại công bố đã quân ta thương vong 1.000 người.
Con số này rõ ràng là thổi phồng vì toàn quân số tham chiến của ta chỉ có 4 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn không quá 500 người) mà sau trận đánh không có tiểu đoàn nào bị diệt sạch như phía Mỹ.
Không chỉ là một thắng lợi quân sự, trận Ia-Drăng còn tạo nên nhiều rung động đến tận các giới chức Mỹ. Tướng Westmoreland, sau trận đánh 1 tuần đã xin thêm 41.500 quân để nâng tổng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 375.000 người. Các giới chức từ quân sự đến dân sự ở Nam Việt Nam cũng như ở Mỹ bị chấn động mạnh.
Trong cuốn “Sự lừa dối hào nhoáng”, Neil Sheehan đánh giá: “Rõ ràng trận đụng độ đầu tiên với lực lượng chủ lực Bắc Việt đã làm những người đứng đầu Quân đội Mỹ tại Việt Nam thay đổi cách nhìn lạc quan về triển vọng chiến thắng dễ dàng vỗn vẫn được duy trì hồi tháng 7”.
Đối với quân ta, trận thử thách đầu tiên đã giúp ta củng cố thêm niềm tin rằng ta sẽ thắng Mỹ. Để hạn chế hỏa lực mạnh mẽ của địch, chiến sĩ ta đã bám sát, đánh cận chiến với bộ binh địch.
Tác dụng của cách đánh này được phóng viên Gallo Way, người đi theo Tiểu đoàn 2 của Mỹ mô tả lại: “Thiếu tá Hen-ry và trắc thủ pháo binh đã cố gắng dùng điện đài của họ để gọi pháo binh và không quân chi viện. Điều này đã làm giảm bớt sự chết chóc, nhưng với đội hình kéo dài hơn 100 yard giữa bãi cỏ cao rậm thì các quả đạn pháo và bom na-pan sát thương quân Bắc Việt Nam đồng thời cũng sát thương cả người Mỹ”.
Lối đánh cận chiến này được tóm tắt trong phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, được quân ta triệt để áp dụng trong những lần đối đầu quân Mỹ sau đó khiến hiệu quả của hỏa lực của Mỹ giảm đi rất nhiều.
(KHKT)
-
Lời nguyền đáng sợ của vị vua “cuối cùng” đời Lý
- 13/01/2013
-
Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (kỳ 4)
- 12/01/2013
-
Thiên tình sử đáng ngưỡng mộ của vua Hồ Quý Ly
- 12/01/2013
-
Vì sao Cổ Loa là công trình quân sự vĩ đại trong sử Việt?
- 11/01/2013
-
Hoàng tử của Trần Thái Tông “cướp” của anh ruột là ai?
- 11/01/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.