Dùng từ “cướp” có vẻ hơi quá đối với Trần Thái Tông, vì bản thân nhà vua không hề muốn thế. vì hoàng hậu Chiêu Thánh không sinh con, vua Trần Thái Tông “cướp” người vợ đang mang thai 3 tháng của anh ruột mình. Cậu bé trong bụng ấy là vị hoàng tử nào?
Hầu hết các gia đình vua chúa đều ít nhiều ẩn giấu một vài bi kịch nào đó, nhưng ngang trái đến như chuyện anh em ông vua đầu triều Trần thì cổ kim không có nhiều.
Cướp vợ, cướp cả con trong bụng
Dùng từ “cướp” có vẻ hơi quá đối với Trần Thái Tông, vì bản thân nhà vua không hề muốn thế, nhưng sự thật vẫn là: Thái Tông đã lấy người chị dâu làm vợ mình trong nỗi hận của anh trai, và người chị dâu ấy đang mang trong mình giọt máu của người anh. Có điều, cái việc đoạt vợ ấy, nhà vua làm dưới sức ép của ông chú họ chuyên quyền Trần Thủ Độ.
Thái Tông Trần Cảnh là một cậu bé bị người lớn đặt lên ngai vàng sau khi “chơi trò vợ chồng” với một cô bé cùng lứa tuổi – Lý Chiêu Hoàng, bậc đế vương cuối cùng của dòng họ Lý, người đã bị ép nhường ngôi cho chồng. Họ sống với nhau 12 năm mà vẫn chưa có con. Để giữ vững cơ đồ cho dòng họ, thái sư Trần Thủ Độ ép Thái Tông phế truất hoàng hậu Chiêu Thánh, giáng làm công chúa, và đón phu nhân của Phụng Kiền vương Trần Liễu, anh ruột nhà vua, vốn đang mang thai, về làm hoàng hậu. Vợ Trần Liễu chính là công chúa Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu Thánh, con gái Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung.
Công chúa Thuận Thiên vốn được gả cho Trần Liễu từ hồi Lý Huệ Tông còn tại vị, do hoàng hậu Trần Thị Dung, mẹ vợ và cũng là cô ruột ông, muốn củng cố thêm vây cánh họ Trần. Nhờ thế, Trần Liễu được vua Lý phong là Phò mã đô úy, tước Phụng Kiền vương, ban cho đất A Sào (nay thuộc Quỳnh Phụ, Thái Bình) làm đất ăn lộc. Trước khi bị ép lấy em chồng làm… chồng, công chúa Thuận Thiên đã kịp sinh cho Trần Liễu một con trai là Trần Doãn, sau được phong tước Vũ Thành vương.
Vậy đứa con trong bụng mà Thuận Thiên mang theo sang nhà chồng mới, bị (hay là được) Trần Thái Tông chiếm làm con ấy là ai? Người con đó với danh phận hoàng tử cả liệu có được nối ngôi, có được vua Trần yêu quý?
Vị hoàng tử trưởng an phận
Cậu bé con của Trần Liễu do bà Thuận Thiên sinh ra khi đã là hoàng hậu của Thái Tông được đặt tên là Trần Quốc Khang, tước phong là Tĩnh Quốc vương. Sau ông, hoàng hậu Thuận Thiên sinh cho vua Trần hai vị hoàng tử nữa là Trần Hoảng và Trần Quang Khải.
Sau này, Thái Tông truyền ngôi cho Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông). Trần Quốc Khang mang danh hoàng tử cả mà không được ngôi báu vì ông không phải con ruột Thái Tông. Nhưng có một sự thật mà sử sách cũng ghi nhận: so về tài trí, Quốc Khang kém xa hai hoàng tử em, cũng không bằng nhiều vị vương gia, vương tử khác trong gia tộc. Tuy nhiên, Trần Quốc Khang dường như không bao giờ bất mãn về chuyện đó.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư kể lại: Năm 1268, Trần Quốc Khang 30 tuổi và Trần Thái Tông đã là thái thượng hoàng. Một ngày mùa đông, vua Thánh Tông cùng anh trai là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang vui đùa trước mặt thượng hoàng. Quốc Khang múa một điệu của người Hồ, thượng hoàng khen và cởi chiếc áo bông trắng đang mặc ban cho. Vua Thánh Tông cũng muốn cái áo bông, bèn múa lại điệu ấy rồi xin áo. Quốc Khang cười nói: “Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay đức chí tôn ban cho tôi vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp là sao?’. Thượng hoàng cười, bảo con trai cả: “Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo này cũng chẳng hơn kém gì nhau ư?”. Rồi ngài khen ngợi Quốc Khang và ban cho cái áo.
Câu chuyện cho thấy, Thái Tông quả thực đã coi Quốc Khang như con đẻ, vua Thánh Tông cũng coi Quốc Khang như anh ruột. Nếu như cha con không tin cậy, anh em không thật lòng hòa thuận, yêu thương nhau, Quốc Khang sẽ không bao giờ dám nói với đương kim hoàng đế một câu như vậy. Vua Thánh Tông lúc đầu “đành hanh” cũng tranh áo với anh, nhưng khi bị “nhắc nhở” thì vui vẻ ngay, đó là kiểu vui đùa không bợn chút nghi kỵ, tưởng như chỉ có giữa anh em con nhà thường dân chứ không phải trong gia đình hoàng đế, giữa bề tôi và vua.
Thái Tông yêu Quốc Khang một phần cũng vì đó là cháu ruột ông. Nghịch cảnh, sự bất hòa giữa hai anh em nhà vua là do sự trái ngang của số phận và trò chơi quyền lực, còn bản thân họ vẫn yêu thương nhau thắm thiết. Mặt khác, Thái Tông chắc cũng cảm thấy có lỗi với người anh thiệt thòi, nên sau đó đã ban thêm đất Yên Sinh, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang (nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), Yên Phụ (nay thuộc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương) cho Phụng Kiền vương làm thái ấp. Cũng từ đó, Trần Liễu được gọi là An Sinh Vương.
Trần Quốc Khang lúc trưởng thành được phong làm Vọng Giang Phiêu kỵ đô thượng tướng quân, trông coi Diễn Châu. Ông lấy một người phụ nữ xinh đẹp người địa phương làm thiếp, sinh ra hai người con sau này cũng làm quan cai trị đất này.
Đứa con phản bội của Trần Quốc Khang
Trong số con cái của Tĩnh Quốc vương, người nổi tiếng nhất là Chương Hiến hầu Trần Kiện, nhưng sự nổi tiếng ấy, tiếc thay, lại theo một nghĩa cay đắng: Trần Kiện đã bôi đen tên tuổi cha ông, trở thành một vết nhơ trong tôn thất nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lừng lẫy.
Trần Kiện là một tài mạo song toàn, đã tuấn tú khôi ngô lại còn thông thạo binh thư, giỏi nghề cung kiếm. Với sự vượt trội đó, Trần Kiện được ban chức Tịnh hải quân Tiết độ sứ, từng được giao trấn thủ Ái Châu, được Thái sư Trần Quang Khải (cũng là chú ruột) gả con gái cho.
Năm 1284, Thoát Hoan, con trai của vua Nguyên là Hốt Tất Liệt, dẫn đại quân xâm lược Đại Việt, trong khi tướng giặc Toa Đô đem quân từ Chiêm Thành đánh dồn lại. Hai đầu đều có cường địch, quân Việt ở thế yếu, Trần Kiện được sai đem quân chống cự với Toa Đô. Trần Kiện cảm thấy Đại Việt không có cơ đánh lại “thiên triều” nên đã đầu hàng, cộng tác với giặc. Vào tháng tư năm 1285, Trần Kiện được quân Nguyên đưa sang phương Bắc triều kiến hoàng đế nhà Nguyên, nhưng đến ải Chi Lăng thì bị quân Việt phục kích bắn chết. Cuộc đời người cháu nội vua Trần Thái Tông chấm dứt một cách nhục nhã bên biên giới.
PT (BKT)
-
Lời nguyền đáng sợ của vị vua “cuối cùng” đời Lý
- 13/01/2013
-
Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (kỳ 4)
- 12/01/2013
-
Thiên tình sử đáng ngưỡng mộ của vua Hồ Quý Ly
- 12/01/2013
-
Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (kỳ 3)
- 11/01/2013
-
Vì sao Cổ Loa là công trình quân sự vĩ đại trong sử Việt?
- 11/01/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.