Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị – Xã hội » Kỳ 1: Trở lại La Pán Tẩn – Tết ở ‘bản góa phụ’

Từ ngày bốn đứa trẻ được đưa đi xa, hai người mẹ chưa được gặp lại, con cũng không được về nhà. Hỏi Tết này liệu mẹ con có được gặp nhau không, hai người phụ nữ chỉ lặng lẽ lắc đầu: “xa lắm, không có tiền đi đâu”, rồi lại may tiếp.

  • >> Giới trẻ đổ xô xăm hình rắn cho… hợp phong thủy

  • >> Phong thủy năm Rắn: Sẽ có nhiều cuộc chiến tranh?

  • >> Phục vụ 9,7 triệu lượt khách du lịch dịp Tết

Tết lặng lẽ trên đỉnh mây mù

Lẽ ra đúng ngày chúng tôi đến Mù Cang Chải (8/1), tức ngày 28 tháng 11 âm lịch, là ngày bắt đầu Tết của người Mông. Tết Mông bắt đầu từ ngày cuối tháng 11, kéo dài suốt tháng 12 đến đầu năm sau. Nhưng theo chủ trương từ Trung ương, năm nay tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải tổ chức vận động người Mông đón Tết Nguyên đán như các dân tộc khác.

Chị Giàng Thị Dê, vợ nạn nhân Lý A Sinh

Cán bộ xã La Pán Tẩn giải thích: “vì tập tục ăn Tết quá lâu của người Mông không tiết kiệm, lại ảnh hưởng đến việc làm vụ mùa xuân nên Tỉnh chủ trương vận động dân đón Tết Nguyên đán. Nếu không, giờ này khắp bản đã mổ lợn uống rượu tưng bừng rồi”.

Được mệnh danh là nơi “trời đất giao thoa, thiên nhiên hùng vĩ”, trước đây Mù Cang Chải là cái tên quen thuộc với những người yêu thích du lịch và khám phá vẻ đẹp sơn cước, đặc biệt vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang “bắc lên trời” ở hai xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha thuộc địa bàn huyện.

Thảm hoạ sạt lở đất mỏ quặng ở địa phận xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái ngày 8/9/2012 cướp đi 20 sinh mạng. Câu chuyện buồn làm sững sờ vùng núi rừng yên tĩnh.

Ngôi nhà còn toàn phụ nữ và trẻ em của Hảng Thị Là, Hảng Thị Sông và con dâu Ly Thị Cổ

Trở lại nơi này vài tháng sau thảm hoạ, thôn bản đã trở lại sự yên ắng, bình dị vốn có. Tính cách người Mông vốn ít nói, hiền hoà, vào bản người Mông hầu như không nghe thấy một tiếng động. Chúng tôi tìm đến bản Trống Páo Sang, nơi có 8 nạn nhân trong vụ lở đất thảm kịch. Đại gia đình họ Hảng gồm 3 anh em Hảng A Sú, Hảng A Náng và Hảng A Chua ở liền sát nhau.

Đào bới tìm kiếm người bị vùi lấp

Trong buổi sáng định mệnh đó, cả 3 anh em trai họ cùng gia đình đi mót quặng, chỉ có một người may mắn trở về. Hảng A Náng, người may mắn duy nhất trong gia đình kể lại: trước đêm 8/9, trời mưa khá to, anh em trong gia đình rủ nhau đi mót quặng. Mỏ quặng thuộc địa phận xã Khau Phạ do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Đạt đang khai thác. Thường khi trời mưa, bùn đất chảy từ khu mỏ ra có thành phần quặng.

Hảng Thị Sông, 13 tuổi, con gái của hai nạn nhân Hảng A Chua và Thào Thị Của

Trước đó, gia đình họ Hảng và người dân trong vùng cũng thường xuyên đi mót. Theo anh Náng, nếu may mắn, mỗi người có thể mót được vài cân quặng, kiếm được khoảng 100 – 200 ngàn đồng, nhưng nhiều ngày cũng về tay trắng. Những ngày mưa thì cơ hội mót được quặng cao hơn, nhưng cũng đặc biệt nguy hiểm vì nguy cơ lở đất rình rập bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, trước thảm hoạ ngày 8/9, năm 2010 cũng đã xảy ra một vụ lở đất tương tự, chôn vùi 7 người dân đang hái ngô ở xã Chế Cu Nha, tiếp giáp La Pán Tẩn. Chính quyền tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã phải vừa vận động, vừa cưỡng chế di dời 37 hộ dân ở ba xã Nậm Có, Cao Phạ và La Pán Tẩn ra khỏi vùng nguy hiểm, luôn đối mặt với nguy cơ bị sạt lở.

Anh Hảng A Náng chia sẻ: biết rõ là nguy hiểm, nhưng người dân vẫn chấp nhận đi, vì 100 – 200 ngàn kiếm được từ mót quặng cũng là nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình. Đi khỏi nhà từ khoảng 8h sáng, Hảng A Náng và hai anh trai là Hảng A Sú, Hảng A Chua và vợ con Hảng A Chua là Thào Thị Của và Hảng A Giàng đào đãi được khoảng hơn một tiếng thì bỗng nghe tiếng ầm ầm. Chưa kịp định thần, thì cả ngọn núi lở xuống, vùi lấp mấy chục con người trong phút chốc.

Chị Thào Thị Sầu (đầu tiên), vợ nạn nhân Lý A Lềnh và chị Giàng Thị Dê, vợ nạn nhân Lý A Sinh (cuối cùng)

Đại gia đình họ Hảng đứng gần nhau, tất cả đều bị vùi lấp. Hảng A Náng may mắn được những người dân làm rẫy quanh đó nhanh chóng tiếp cứu. Náng cùng hai người nữa vẫn còn sống khi được bới lên, nhưng một người chết trên đường đi cấp cứu. Náng thoát chết, nhưng vĩnh viễn mất 2 anh trai, chị dâu và cháu.

Hảng A Khua, 17 tuổi, con nạn nhân Hảng A Sú kể lẽ ra mọi lần Khua cũng theo bố đi mót quặng, nhưng hôm đó anh đi dự đám cưới nên thoát chết. Từ ngày xảy ra sự việc, người dân trong thôn không đi mót quặng nữa, Khua ở nhà cùng mẹ và em gái 13 tuổi.

Ngay phía trước nhà Khua, ngôi nhà chỉ có toàn phụ nữ và trẻ em đang lặng lẽ thêu thổ cẩm. Ba nạn nhân Hảng A Chua, Thào Thị Của và con trai Hảng A Giàng để lại hai con gái là Hảng Thị Là, Hảng Thị Sông và con dâu Ly Thị Cổ. Vợ chồng Giàng – Cổ có 2 con nhỏ. Giờ ngôi nhà chỉ còn những người phụ nữ và trẻ em sống nương tựa vào nhau, ngày ngày cặm cụi dệt thổ cẩm.

Một ngôi nhà khác, gần đó, của nạn nhân Lý A Lềnh. Lềnh và em trai Lý A Sinh chết trong thảm hoạ và không tìm được xác. Sau nhiều ngày kiếm tìm, gia đình và chính quyền địa phương đành bỏ cuộc. Hai người đàn ông bất hạnh có thể đã bị nát vụn dưới đống đất đá khổng lồ. Trên thực tế, những người khác cũng chỉ tìm được phần thân thể không còn nguyên vẹn.

Nạn nhân Lý A Sinh ra đi mà không được biết mặt đứa con thứ hai của mình. Chị Giàng Thị Dê, vợ Sinh, đẻ con sau khi chồng mất một tháng. Sau ngày bi kịch, Giàng Thị Dê bỏ căn nhà cũ, chuyển đến ở với chị dâu là Thào Thị Sầu, vợ nạn nhân Lý A Lềnh. Hai người đàn bà goá lầm lụi dựa vào nhau mà sống.

La Pán Tẩn 2012

Vợ chồng Sầu – Lềnh có 5 con. Hiện con gái lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất 4 tháng ở nhà với mẹ. Ba đứa con khác tuổi từ 4 đến 8, cùng con trai đầu của vợ chồng Dê – Sinh, 4 tuổi, được xã La Pán Tẩn làm hồ sơ đưa xuống Làng trẻ S.O.S Phú Thọ. Từ ngày 4 đứa trẻ được đưa đi xa, 2 người mẹ chưa được gặp lại, con cũng không được về nhà. Hỏi Tết này liệu mẹ con có được gặp nhau không, hai người phụ nữ chỉ lặng lẽ lắc đầu: “xa lắm, không có tiền đi đâu”, rồi lại may tiếp.

Vẻ cặm cụi, nhẫn nại của người phụ nữ Mông dường như chưa bao giờ thay đổi so với những dòng văn mô tả nàng A Mỵ của Tô Hoài. Ngoài mái đầu dường như cúi thấp hơn xuống máy may, ánh mắt lảng tránh giấu giếm, vẻ mặt những người góa phụ La Pán Tẩn không biểu lộ điều gì, không ngẩng lên khi khách đến rồi về, chỉ lặng lẽ làm việc, trầm mặc như những mảng sương mù vấn vít quanh nhà, quanh bản.

Kỳ 2: La Pán Tẩn – Khi ruộng nương không còn cây anh túc

HH (BTVN)

Tin liên quan
Xuân Quý Tỵ 2013
  • Vật vã những chuyến xe sau tết

    - 20/02/2013

  • Lời khuyên cho những người tuổi rắn trong năm Tỵ

    - 20/02/2013

  • Tết của những đứa trẻ theo mẹ là phạm nhân Trại giam Phú Sơn 4

    - 18/02/2013

  • Nhọc nhằn dòng người trở lại Thủ đô sau Tết

    - 18/02/2013

  • Đông đảo nhân dân vào Lăng viếng Bác trong dịp Tết

    - 17/02/2013

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: La Pán Tẩn, Mù Cang Chải
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa