Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » An Ninh – Quốc Phòng – Biển đảo » Giải quyết tranh chấp Biển Đông quan trọng nhất DOC

Ngày 4/3, Hội nghị cấp cao ASEAN – 20 tại Campuchia đã bế mạc, thông qua tuyên bố chung Phnom Penh vẫn tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông.

Biển đông “nóng” tại Phnom Penh

Do đó, ASEAN tiếp tục duy trì những cam kết chung đã được phản ánh trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế. Trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và hướng tới việc hiện thực hóa Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Đảo đá lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Đảo đá lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Dù cho phía Trung Quốc tìm đủ mọi cách để kìm hãm việc ASEAN và nước tiến tới những quy định ràng buộc hơn, mang tính pháp lý về ứng xử trên Biển Đông như là COC. Vẫn không ngăn cản được tình hình diễn ra ngoài ý muốn của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2012 ở Phnom Penh. Bởi nhiều quốc gia ASEAN có những lý do chiến lược để tham gia lâu dài, liên tục và tìm kiếm sự đồng thuận cao ở cấp thượng đỉnh trong việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.

Trước hết, Biển Đông nằm trong phạm vi địa – chính trị của ASEAN, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của nhiều thành viên Hiệp hội này. Và là một trong những tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp hàng đầu thế giới, trong đó có lợi ích của nhiều cường quốc. Do đó, việc duy trì an ninh, ổn định trên Biển Đông không chỉ quan trọng với các quốc gia trong khu vực mà còn có ý nghĩa quốc tế. Hiến chương ASEAN, văn bản quan trọng bậc nhất cho tương lai phát triển của các quốc gia trong khu vực đã khẳng định một trong những mục tiêu hàng đầu của Hiệp hội là “nhằm đảm bảo rằng người dân và các quốc gia thành viên của ASEAN được sống trong hòa bình”. Để làm được điều đó, ASEAN đã cam kết “luôn duy trì vai trò trung tâm và chủ động… là một động lực cơ bản trong quan hệ, hợp tác của mình với các đối tác bên ngoài”. Tinh thần này, khi triển khai trong thực tế, đòi hỏi ASEAN phải tích cực trong vấn đề Biển Đông, chủ động tham gia vào việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình và hợp tác cho các tranh chấp tại đây.

Trung Quốc tự cô lập mình

Trong tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất hạ thấp vai trò của ASEAN và mong muốn làm suy yếu tổ chức này bằng các hoạt động theo kiểu “chia để trị”. Chính vì vậy, Trung Quốc luôn bảo lưu lập trường giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng cơ chế song phương. Tuy nhiên, trước sự đoàn kết, nhất trí cao của hiệp hội, Trung Quốc vẫn buộc phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông. Sắp tới đây tháng 11/2012, ASEAN và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 10 năm DOC được ký kết cũng tại Phnom Penh. Việc ký kết DOC 2002 được xem là một thành tựu lớn trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng lòng tin trong khu vực và các giá trị chuẩn mực chung.

Song trên thực tế, kể từ DOC tới nay, các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới lại thường xuyên chứng kiến một Trung Quốc hành xử trên Biển Đông theo kiểu “hành động đơn phương, tuyên bố ứng phó”. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc Trung Quốc tự mình tin rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông với yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Cách hành xử theo kiểu “nói một đàng làm một nẻo” của Trung Quốc những năm gần đây trên Biển Đông không chỉ làm phức tạp tình hình mà càng khiến cho hình ảnh của một Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình” bị tổn hại trong nhận thức của thế giới mà đặc biệt là với các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông. Để đối phó, họ đề xuất một chính sách “chia để trị”, bằng cách hỗ trợ một số nước trong khi lại trừng phạt và gây hấn với một số nước khác.

Tuy nhiên, chính sách này hiện nay mang ý nghĩa rất tiêu cực và dễ dàng bị nhận diện bởi các quốc gia có liên quan và dư luận quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc càng kiên trì với chính sách này thì họ càng khó có thể xây dựng được lòng tin với người dân của các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng. Và cách tốt nhất mà Trung Quốc có thể tránh được điều tiếng tai hại này là họ nên thay đổi cách hành xử, thật sự có thiện chí hợp tác gần gũi hơn, chia sẻ hơn các quyền lợi chính đáng của các quốc gia trong khu vực ở cấp độ song phương lẫn đa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp hẹp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 4.4

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp hẹp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 4.4

ASEAN muốn thực hiện hiệu quả COC

Không chỉ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà rất nhiều lãnh đạo quốc gia khác của ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ hết mình chủ đề của Hội nghị năm 2012 là xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của khu vực mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Sự tham gia của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên thực tế đã có quá trình lịch sử lâu dài, đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc. Tăng cường sự tham gia của một ASEAN năng động, đoàn kết, không làm suy yếu lợi ích hợp pháp của bất cứ bên nào mà ASEAN đang cố gắng thực hiện sẽ “đem giá trị đến với tất cả, thậm chí bao gồm cả những nước không có yêu sách đối với các địa hình đất hay quyền tài phán trên Biển Đông, mà có một lợi ích trong hòa bình, ổn định ở khu vực và tự do hàng hải ở đây”.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Philippines, tại phiên họp kín, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines xem giải pháp giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua Công ước LHQ về Luật Biển là quan trọng nhất. Philippines tin tưởng trong Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) có các điều khoản phân chia khu vực tranh chấp và không tranh chấp.

Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố dự thảo COC sẽ được soạn thảo trong nội bộ ASEAN xong mới mời Trung Quốc thảo luận tiếp. Quan điểm này được Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Tun Razak và Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul đồng tình. Ông Surin Pitsuwan cho biết ASEAN muốn hoàn thành dự thảo COC trong năm nay.

Mộc Lan

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa