“Chúng tôi muốn nói rất rõ ràng rằng bất cứ khi nào bạn trao thông tin cho chúng tôi, chúng tôi sẽ sử dụng chúng” – đó không phải là một câu nói của một cơ quan tình báo nào đó, mà là của giám đốc “bảo vệ quyền riêng tư” của Facebook.
Bạn cũng có thể hiểu câu nói của Erin Egan, vị giám đốc nói trên như sau: “Chúng tôi sẽ dùng tất cả mọi thông tin mà bạn đưa cho chúng tôi để kiếm lời. Làm thế nào mà bạn lại nghĩ khác như vậy được, đồ ngốc?”.
Khi Facebook và Google nói thật
Dù Erin Egan bào chữa rằng, “các thông tin của bạn thuộc về chúng tôi. Nhưng hãy tin chúng tôi”.
Nhưng Facebook không phải là ông lớn công nghệ duy nhất đưa ra những lời hứa mâu thuẫn như vậy.
Chỉ cách đây vài tuần lễ, các đại diện của Google đã thẳng thừng tuyên bố trong một tòa án tại San Jose ở Mỹ rằng, Google có quyền xem và phân tích tất cả các email bạn gửi và nhận bằng Gmail.
Sean Rommel, vị công tố viên ở phe còn lại, khẳng định: “Thiệt hại dành cho người dùng là 2 mặt: họ mất quyền riêng tư và họ mất tài sản của họ. Google đang lấy đi tài sản của người dùng vì thông tin người dùng ‘được’ họ sử dụng miễn phí thay vì phải trả tiền”.
Đáp lại, luật sư của Google khẳng định, người khổng lồ tìm kiếm “không thể tưởng tượng ra” việc mọi người không biết email của họ bị Google đọc nhằm đưa ra quảng cáo phù hợp.
Con người không nên có quyền riêng tư khi dùng Internet?
John Simpson, giám đốc Dự án Bảo vệ Quyền riêng tư Người tiêu dùng, trả lời phỏng vấn với Associated Press: “Trong vụ việc của Gmail, Google đang cố khẳng định rằng công nghệ của họ không phải tuân theo các điều luật về quyền riêng tư. Nếu họ thắng, đây sẽ là một tiền lệ khủng khiếp, và họ sẽ cố gắng áp dụng cùng một chính sách với các công nghệ khác, đe dọa nghiêm trọng quyền lợi người dùng”.
Vấn đề là ở chỗ, “quyền lợi” nào? Với thành công của Facebook, Mark Zuckerberg đã để người dùng tự chứng minh rằng cái họ cần không phải là quyền riêng tư, và rằng “tiêu chuẩn” mới của xã hội là chúng ta không nên che giấu bất cứ thứ gì trên mạng.
Vị tỉ phú trẻ tuổi này đã nói rất đúng. Trong thời đại 2013, nhiều người sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để được “nghe thấy”, được “nhìn thấy” trên các mạng xã hội. Họ tự trưng bày mình. Ở Mỹ, người ta thậm chí còn lên Facebook để thú tội giết người , ở Việt Nam là vụ “bà Tưng” sử dụng Youtube như là một công cụ để nổi tiếng.
Vậy thì tại sao người tiêu dùng lại nên cảm thấy bị đe dọa vì ai đó đang đọc email của họ?
Người dùng iPhone cũng không được tha
Tưởng chừng như những người dùng iPhone có thể thở phào khi được bỏ qua trong nhóm mục tiêu này, nhưng sự thật lại trái ngược hoàn toàn, họ là miếng mồi ngon cho những kẻ muốn theo dõi và là mục tiêu ưa thích nhất của NSA.
Tài liệu mật của NSA do tờ báo Der Spiegel (Đức) đưa ra cho biết, NSA đã viết được mã nguồn để tấn công tổng cộng là 38 tính năng của iPhone, bao gồm những tính năng cần được bảo vệ tuyệt đối như hòm thư thoại, ảnh, và cả các ứng dụng riêng tư như Facebook, Yahoo Messenger và Google Earth.
Các file sao lưu cũng được dùng để thu thập thông tin của người dùng. Các file này chứa danh sách liên lạc, danh sách cuộc gọi, các tin nhắn đã gửi/nhận và cả tin nhắn nháp. Do các file sao lưu được lưu trên PC, NSA thậm chí còn không cần phải tấn công trực tiếp vào iPhone.
Tính năng Dịch vụ địa điểm (Location Services) cũng là miếng mồi ngon cho NSA: Tổ chức này có thể biết được bạn đang ở đâu tại bất kì thời điểm nào. Cả các bức ảnh chụp trên iPhone cũng bị thu thập. Tờ Der Spiegel cho biết, họ thậm chí đã có được bằng chứng trong tay về một bức ảnh chụp một quan chức chính phủ cao cấp đang ngồi xem các tài liệu theo dõi của NSA chiếu trên màn hình TV của ông ta.
Michael Hayden, tướng quân của Mỹ, người từng đứng đầu NSA, đã kể lại một câu chuyện giờ đã trở nên nổi tiếng: Vị tướng này cùng vợ đến thăm một cửa hàng của Apple tại Virginia, Mỹ. Khi được nhân viên bán hàng quảng cáo về 400.000 ứng dụng có thể chạy trên iPhone, ông quay sang vợ và cười: “Cậu không biết tôi là ai à? 400.000 ứng dụng đồng nghĩa với 400.000 khả năng tấn công”.
Lớp bảo vệ nào cho người dùng Internet?
Kể cả mã hóa cũng không “nhằm nhò” gì với NSA . Smartphone, như bạn có thể đã đoán ra từ trước, cũng không quá an toàn .
Google và Microsoft đang khởi kiện chính phủ Mỹ nhằm công bố với thế giới rằng, “chúng tôi đã làm việc với NSA nhưng chúng tôi vô tội”. Các nghiên cứu độc lập tuyên bố điều ngược lại: Hơn 80% các yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng đến từ chính phủ Mỹ đều đã được Apple, Microsoft, Google, Facebook và Yahoo chấp thuận.
Vài tuần trước, công ty High Tech Bridge đã thực hiện thử nghiệm có bao nhiêu công ty sẵn sàng mở file đính kèm trong email của người dùng. Trong số 50 công ty tham gia, có 6 trường hợp “có”. 3 trong số này không phải là các tên tuổi xa lạ: Google, Facebook và Twitter.
Vậy nên, nếu chúng ta căm ghét NSA, chúng ta cũng không có lý do gì để tin vào Apple, Microsoft, Facebook hay Google cả. Họ đều sẵn sàng sử dụng và tiết lộ thông tin riêng tư của chúng ta. Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn phải học cách tự bảo vệ thông tin riêng tư của mình trước và trong khi sử dụng chúng!
(Vnreview)