La Liga, một trong những giải đấu hàng đầu thế giới đang chết dần chết mòn vì khủng hoảng kinh tế, vì quản lý yếu kém và cả vì mỹ từ hào nhoáng đẹp đẽ “siêu kinh điển” hay nói cách khác là cuộc chiến giữa Real Madrid và Barcelona.
Tây Ban Nha sở hữu một trong những giải đấu hàng đầu thế giới, nhiệm vụ của bóng đá “xứ sở bò tót” là thu hút những tài năng trên khắp thế giới để tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn và đương nhiên cũng là hút tiền đầu tư cho giải đấu của họ chứ không phải chuyên “xuất khẩu cầu thủ” như Brazil hay Argentina. Tuy nhiên, kể từ đầu kỳ chuyển nhượng mùa hè, bóng đá Tây Ban Nha chứng kiến một thực cảnh hết sức ảm đảm.
Hết Fernando Llorente đến José Gómez Campaña, hết Joaquin đến Thiago Alcantara, hết Navas đến Negredo, rồi hàng loạt ngôi sao sáng giá của bóng đá “xứ sở bò tót” lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài thi đấu. Đơn giản, dòng cầu thủ nội địa rời khỏi La Liga đã không còn là một sự kiện hy hữu như vụ Mendieta chuyển từ Valencia đến Lazio những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mà đã trở thành một xu hướng.
Theo thống kê của tờ Marca thì mùa giải 2012-13, có tới 212 cầu thủ Tây Ban Nha thi đấu cho các đội bóng nước ngoài. Tồi tệ hơn, cho đến thời điểm này của kỳ chuyển nhượng mùa hè, đã có thêm 18 cái tên nữa gia nhập đoàn “lính lê dương” đi khắp châu Âu. Một bằng chứng khác là tại giải Confederations Cup vừa diễn ra tại Brazil, trong danh sách đăng ký 23 tuyển thủ của La Roja thì có tới 9 cái tên đang thi đấu cho các đội bóng nước ngoài.
Nên nhớ rằng tại Euro 2012, danh sách đội tuyển Tây Ban Nha chỉ có duy nhất hai cầu thủ thi đấu tại nước ngoài là Pepe Reina (Liverpool) và Fernando Torres (Chelsea). Nguyên nhân chính dẫn đến “làn sóng di cư” của các cầu thủ bản địa ở La Liga là do tình hình tài chính bết bát của các đội bóng tại La Liga khi không ít đội bóng đang trên bờ vực phá sản. Tất nhiên là ngoại trừ hai kẻ thống trị mà không cần nêu tên thì ai cũng biết!
Bằng chứng rõ ràng nhất là một cầu thủ “làng nhàng” cỡ như Adrian cũng quyết dứt áo ra đi. Cầu thủ này từ chối gia hạn hợp đồng với Real Betis, đội bóng mùa giải tới sẽ được tham dự Europa League để đầu quân cho West Ham, đội bóng mùa giải 2012-13 chỉ kết thúc ở vị trí thứ 10 trên BXH Premier League. Những cầu thủ sáng giá hơn thì phải “đào thoát” khỏi La Liga để đi tìm cơ hội giành chiến thắng cũng như tăng thu nhập nếu như không có cơ hội gia nhập Barcelona hay Real Madrid.
Không chỉ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè này, những kỳ chuyển nhượng trước đây chứng kiến cái tên nổi bật nhất rời bỏ La Liga mà có thể kể đến là Fernando Torres, David Silva, Juan Mata hay Javi Martinez. Ngoài những tài năng bản địa, những cầu thủ nước ngoài đầy tiềm năng nếu đặt chân đến La Liga thì cũng xem nơi đây như một bến đỗ tạm thời để vươn đến một tầm cao mới. Sergio Aguero hay Radamel Falcao là những ví dụ điển hình.
Có thể nói, những tài năng sáng giá tại La Liga chỉ có hai lựa chọn cho sự nghiệp của mình, hoặc tìm kiếm cơ hội gia nhập rồi khẳng định vị trí tại Real Madrid và Barcelona, hoặc đến những đội bóng lớn ở nước ngoài để tăng thu thập và chinh phục các danh hiệu. Chính hiện tượng “chảy máu tài năng” hay nói cách khác là “làn sóng di cư” này tại La Liga khiến tình trạng mất cân bằng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
“Miếng bánh bản quyền truyền hình”, thu nhập chính của các đội bóng ngày càng bị nhỏ lại trước sự “bành trướng” của Real Madrid và Barcelona. Cuộc đụng độ giữa Real Madrid và Barcelona luôn thu hút một sự quan tâm đặc biệt bởi những siêu sao hàng đầu thế giới cũng như mối hận thù kéo dài cả trăm năm giữa hai đội bóng. Tuy nhiên ngoại trừ hai cuộc đụng độ dưới mỹ danh “siêu kinh điển” thì 378 trận đấu còn lại của La Liga, hoặc được quan tâm chút ít hoặc chẳng mấy ai quan tâm, ngay cả những người hâm mộ Tây Ban Nha.
Vậy thì các nhà đầu tư, các nhà đài đâu cần phải chi nhiều tiền bản quyền cho 18 đội bóng còn lại của La Liga để làm gì? Rồi sẽ một ngày, “phần còn lại của La Liga” chỉ còn những “vụn bánh” chứ không phải là “mẩu bánh” dù rất nhỏ nhoi để rồi ngày càng khánh kiệt. Đáng tiếc hơn nữa, bóng đá Tây Ban Nha không xuất hiện những Mạnh Thường Quân như tại Premier League hay hiện tại là Ligue 1, cũng không có môi trường cạnh tranh lành mạnh và những nhà quản lý kinh tế xuất sắc như bóng đá Đức.
La Liga, một trong những giải đấu hàng đầu thế giới đang chết dần chết mòn vì khủng hoảng kinh tế, vì quản lý yếu kém và cả vì mỹ từ hào nhoáng đẹp đẽ “siêu kinh điển” hay nói cách khác là cuộc chiến giữa Real Madrid và Barcelona.
(BNDT)