Sau hơn 3 tháng hòa lưới điện quốc gia, 10 turbine gió phát điện của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã đưa lên lưới 3 triệu kWh, các trụ turbine vận hành ổn định.
Dự án Điện gió Bạc Liêu sử dụng loại rotor 3 cánh quạt dài 82,5m (do Tập đoàn GE Mỹ chế tạo) phù hợp với chế độ gió cấp III tại vùng biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Mỗi turbine nặng hơn 210 tấn, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn.
Về cấu tạo, ngoài cánh quạt, máy phát, turbine còn có bộ đo lường tốc độ gió và truyền dữ liệu tốc độ gió tới bộ điểu khiển, hộp số, bộ ổn định tốc độ, bộ xử lý hướng gió nhằm định phương cho turbine.
Các turbine gió được làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương. Trụ lắp turbine cao 90m, đường kính 4m; ba cánh quạt, mỗi cánh dài tới 42m được làm bằng nhựa đặc biệt. Các cánh quạt này có hệ thống điều khiển, có thể tự gập lại khi thời tiết xấu hoặc bão lớn nhằm bảo đảm an toàn. Trên các trụ còn có đèn, vạch sơn cảnh báo tĩnh không; dưới hải đồ biển có ký hiệu khu vực dẫn cáp để tránh va chạm để bảo đảm an toàn cho khu vực sản xuất điện.
Toàn bộ Nhà máy đặt trên mặt biển chiểm tổng diện tích gần 500 ha trông như “một cánh đồng turbine trên biển”.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu sử dụng công nghệ tiến tiến nhất và là nhà máy điện xây dựng trên biển duy nhất hiện nay tại Việt Nam.
Hơn 18 tháng, đơn vị thi công hoàn tất được 10 trụ turbine của giai đoạn 1, với công suất tổng cộng 16MW, sản lượng điện sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm, gần bằng sản lượng của 30 turbine của Nhà máy điện gió tỉnh Ninh Thuận (đặt trên cạn). Nguồn điện được đưa vào bờ hòa lưới nhờ loại cáp ngầm dưới biển.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây lắp tiếp 52 turbine còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Khi đó, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 turbine với tổng công suất trên 99MW, sản xuất lượng điện khoảng 320 triệu kWh/năm.
(Chính Phủ)