Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị – Xã hội » Những chiến thuật kinh điển của QĐND Việt Nam (kỳ 2)

Đánh điểm diệt viện là một chiến thuật truyền thống của quân đội ta bắt nguồn từ trận đánh Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950.

Kỳ 2: Chiến thuật đánh điểm diệt viện trong chiến dịch Đông Khê 1950

Đòn điểm huyệt

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang năm thứ 5, trên chiến trường quân Pháp vẫn ở thế bị động. Và để lấy lại thế chủ động, Pháp thực hiện tăng cường hệ thống phòng ngự đường số 4, khoá biên giới Việt-Trung.

Những âm mưu này là nhằm: cô lập căn cứ địa Việt Minh với bên ngoài, thiết lập hành lang Đông-Tây, cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc bộ, chuẩn bị lực lượng để tấn công Việt Bắc lần 2 để tiêu diệt đầu não Việt Minh.

Để phá thế bị bao vây cô lập, quân đội ta quyết tâm phá tan hệ thống phòng thủ trên đường số 4 từ Lạng Sơn đến Cao Bằng của giặc Pháp. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ban đầu cơ quan tham mưu của ta dự định mục tiêu tấn công là thị xã Cao Bằng.

Bác Hồ trên đài quan sát trận đánh đồn Đông Khê 16/9/1950.

Bác Hồ trên đài quan sát trận đánh đồn Đông Khê 16/9/1950.

Nhưng khi đi trinh sát thực địa, bộ đội ta thấy rằng lực lượng địch đóng ở Cao Bằng có tới 2 tiểu đoàn với hỏa lực rất mạnh cộng với địa hình hiểm trở thuận lợi cho phía phòng thủ, bất lợi cho người tấn công. Bộ đội ta cho đến lúc đó vẫn chưa đánh công kiên vào một mục tiêu nào lớn như thế.

Tuy nhiên, cách Cao Bằng về phía đông nam 30 km, cụm cứ điểm Đông Khê chỉ có 2 đại đội trấn giữ. Cũng phải nói thêm, quân Pháp phòng thủ dọc đường số 4 với lực lượng binh lực và hỏa lực rất mạnh nhưng có nhược điểm là các cứ điểm phòng thủ cách nhau xa hàng chục km. Cứ điểm ăn sâu nhất vào hậu phương của ta chính là căn cứ ở thị xã Cao Bằng.

Bên dưới Cao Bằng, dọc theo đường số 4 là cứ điểm Đông Khê. Cách Đông Khê 20 km là cứ điểm Thất Khê do 1 đại đội chốt giữ. Với địa thế và cách bố trí như thế, nếu mất Đông Khê, quân Pháp phải lập tức rút khỏi Cao Bằng để tránh bị bao vây tiêu diệt hoặc tăng cường quân viện đến chiếm lại Đông Khê. Trong cả hai trường hợp, ta đều có điều kiện đánh vận động chiến tiêu diệt quân địch đã ra khỏi công sự.

Sau khi phân tích kỹ tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi mục tiêu từ Cao Bằng sang Đông Khê. Lực lượng chính tham chiến của ta gồm 5 trung đoàn với 3 trung đoàn của Đại đoàn 308 và 2 trung đoàn độc lập 174 và 209.

Sáng 16/9, hai trung đoàn 174 và 209 nhận lệnh nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê. Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công đánh hướng Bắc và Đông Bắc. Trung đoàn 209 giáp công từ hướng Đông Nam. Đến 9h, trung đoàn 174 chiếm được một số vị trí tiền tiêu nhưng ở phía Đông – Nam, trung đoàn 209 hành quân lạc đường nên không kịp bố trí trận địa tiến công. Quân Pháp dựa vào công sự vững chắc phòng thủ và cho máy bay ném bom vào đội hình tiến công của quân ta.

Di tích lịch sử Đông Khê ngày nay.

Di tích lịch sử Đông Khê ngày nay.

Suốt đêm 16, hai trung đoàn quân ta mở nhiều đợt tấn công nhưng chỉ chiếm được thêm một vài vị trí. Sang ngày 17, trung đoàn 174 đề nghị cho đổi hướng tiến công sang hướng đông vì hướng Bắc địch đang tập trung hỏa lực đối phó.

Sau khi pháo binh chế áp các mục tiêu một mũi tiến công của 174 chiếm đầu cầu phía đông pháo đài, mũi ở phía bắc chiếm nhà thương, thọc sâu đến lô cốt số 7 thì bắt liên lạc được với 1 tiểu đoàn của 209 cùng phối hợp đánh vào sau lưng pháo đài. Bộ binh các hướng phối hợp nhịp nhàng cùng tiến công vào đồn lớn.

Đến 4h30 ngày 18/9/1950, bộ đội ta đánh vào sở chỉ huy Đông Khê bắt sống viên đại úy đồn trưởng và các sĩ quan tham mưu. 10h, trận đánh kết thúc thắng lợi, địch chết và bị bắt 300 tên, một số tên chạy thoát về Thất Khê.

“Thảm họa Cao Bằng”

Quả đúng như dự liệu của quân ta, sau khi mất Đông Khê, địch ở Cao Bằng chơ vơ. Tướng Carpentier – Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ra lệnh rút hết quân khỏi Cao Bằng. Trên mặt trận Biên giới, quân Pháp điều 1 binh đoàn gồm 3 tiểu đoàn do trung tá Le Page chỉ huy được không vận từ Lạng Sơn đến Thất Khê rồi hành quân lên tái chiếm Đông Khê để mở lại đường số 4 đồng thời thu hút quân ta.

Mặt khác, toàn bộ quân đồn trú ở Cao Bằng dưới sự chỉ huy của Trung tá Charton từ Cao Bằng tiến về Đông Khê để gặp binh đoàn của Le Page, sau đó hai lực lượng này sẽ bảo vệ cho nhau để rút về Lạng Sơn.

Cẩn thận hơn, Carpentier cho mở một cuộc hành quân đánh lên Thái Nguyên hòng thu hút lực lượng chủ lực ta để quân ở Cao Bằng rút an toàn. Nhưng tất cả đã quá muộn, cuộc hành binh đánh lên Thái Nguyên từ sớm đã được quân ta dự liệu nên đã bố trí sẵn lực lượng chặn đánh. Trên đường số 4, hai binh đoàn của Charton và Le Page không bao giờ có thể gặp được nhau vì đại đoàn 308 của ta đã lập các trận địa phục kích chờ đợi từ đầu chiến dịch.

Ngày 1/10, binh đoàn của Le Page tiến gần Đông Khê thì lập tức bị các đơn vị của 308 và trung đoàn 209 chặn đánh quyết liệt. Liên tiếp đến ngày 4/10, binh đoàn này đã bị thiệt hại nghiêm trọng và bị dồn vào thung lũng Cốc Xá cách Đông Khê 6km về phía tây nam.

Trung tá Charton cùng ban chỉ huy binh đoàn bị bắt sống tại Cốc Xá.

Trung tá Charton cùng ban chỉ huy binh đoàn bị bắt sống tại Cốc Xá.

Ngày 2/10, binh đoàn Charton cũng bắt đầu rút về Đông Khê để hội quân với Le Page. Tuy nhiên, nó đã bị trung đoàn 209 chặn đánh liên tục. Đến ngày 6/10, binh đoàn Charton và Le Page gặp nhau ở Cốc Xá. Lập tức, đại đoàn 308 vây chặt thung lũng này và bắt đầu mở cuộc tấn công vào. Quân Pháp nằm chịu trận dưới sức mạnh của hỏa lực từ các điểm cao của quân ta từ xung quanh bắn vào.

Đến ngày 8/10, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 8 tiểu đoàn quân Pháp, trong đó có gần 6.000 quân của cả 2 binh đoàn, chỉ có 1.388 người chạy thoát được về Thất Khê và Lạng Sơn. Hai trung tá chỉ huy đều bị bắt làm tù binh. Kế hoạch rút lui của Pháp thất bại hoàn toàn. 1 tuần sau đó là thời gian quân Pháp rút quân khỏi toàn bộ hệ thống phòng thủ trên đường số 4 trong tình cảnh bị quân ta truy kích sát nút. Sau chiến tranh, các tướng lĩnh Pháp nói về sự kiện này đều dùng cụm từ “thảm họa Cao Bằng”.

Biết cũng khó tránh

Chiến dịch Biên giới với “chìa khóa” – trận đánh Đông Khê là minh họa tiêu biểu cho chiến thuật đánh điểm diệt viện. Chiến thuật này còn được quân ta sử dụng lại nhiều lần nữa, mỗi lần lại có nét sáng tạo riêng mặc dù vẫn dựa trên tư tưởng chủ đạo là đánh điểm diệt viện. Một loạt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ như chiến dịch Ba Gia, chiến dịch Plei – me, chiến dịch Sa Thày… đều áp dụng thành công chiến thuật này và giành thắng lợi.

Chiến thuật này được quân đội ta áp dụng nhuần nhuyễn đến mức thành sở trường, nghệ thuật. Chính tướng Westmoreland – Tư lệnh quân Mỹ tại Nam Việt Nam cũng phải thừa nhận điều này trong “Tường trình của một quân nhân”.

“Phục kích là chỗ mạnh của Việt cộng và là chỗ yếu của quân đội Nam Việt Nam. Bằng phục kích, trong nhiều dịp Việt cộng đã tiêu diệt nhiều đại đội của quân đội Nam Việt Nam… Một chiến thuật thông thường của Việt cộng là đánh vào một tiền đồn của quân đội Nam Việt Nam rồi nằm chờ lực lượng dự bị của quân Nam Việt Nam hành quân đường bộ đến cứu tiền đồn đó”, Westmoreland viết.

(KHKT)


Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa