Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị » Doanh nghiệp cố chi bộn cho cổ đông trước giờ giải thể

Quyết định đóng cửa thường nhanh chóng được thông qua sau khi công ty quyết định mua lại cổ phiếu với mức cao hơn thị giá hiện hành, trong bối cảnh giao dịch trên thị trường hết sức ảm đạm.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Sao Việt (Mã CK: SVS) vừa được cổ đông ủng hộ phương án giải thể với kế hoạch trả lại tiền cổ phần, giá trị cao gấp đôi thị giá hiện thời. Theo đó, mỗi cổ phiếu SVS dự kiến được trả 6.900 đồng, trong khi mã này bị hủy niêm yết từ hôm 10/5, thị giá khi đó chỉ đạt 3.600 đồng.

6 tháng đầu năm, Chứng khoán Sao Việt lãi 6,8 tỷ đồng nhờ mạnh tay thu hẹp nhân sự, chỉ còn lại 7 người và cắt giảm tối đa các chi phí cơ bản khác, đồng thời rút bớt nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán. Theo tính toán công ty, tổng số tiền Sao Việt thu về nhờ thanh lý cổ phiếu, bán và cho thuê các loại tài sản khoảng 94,5 tỷ đồng. Sau khi trừ nợ, Sao Việt còn gần 93 tỷ để chia cho cổ đông.

Chứng khoán Sao Việt không phải là trường hợp đầu tiên xin giải thể công ty và được cổ đông sớm thông qua nhờ việc mua lại cổ phần giá cao. Từ cuối năm ngoái, một số đơn vị cũng đã nhanh chóng xin phép cổ đông giải thể sau khi trình kế hoạch mua lại cổ phần với giá hữu nghị.

Nhiều công ty mua lại cổ phiếu với mức cao hơn thị giá trước giờ giải thể.

Trong đó, Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn (Mã CK: CSG) trả lại tiền cho cổ đông lên tới 13.000 đồng một cổ phiếu, chia làm 3 đợt. Còn Chứng khoán Âu Việt (Mã CK: AVS) hoàn lại 4.500 đồng một cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện hành lúc bấy giờ 900 đồng. Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco, Mã CK: TRI) mua lại với giá 2.300 đồng, cũng cao hơn giá khi đó 500 đồng.

Tại thời điểm ra quyết định giải thể, những công ty này vẫn còn lượng tiền mặt dư giả dù kết quả kinh doanh xuống dốc. Chẳng hạn, cả năm 2012, Cáp Sài Gòn lỗ gần 10 tỷ đồng nhưng vẫn còn hơn 123 tỷ đồng tiền mặt cùng các khoản tương đương tiền. Khi ra quyết định giải thể và mua lại cổ phần, CSG lúc đó đang có giá dao động khoảng 8.200 đồng một cổ phiếu. Trước khi chính thức hủy niêm yết, thị giá mã này chạm đỉnh 12.200 đồng.

Theo Chủ tịch Cáp Sài Gòn – Nguyễn Văn Trắc, tình hình kinh doanh công ty quá khó khăn do thị trường cáp viễn thông bị thu hẹp đáng kể.”Không thể tìm được đối tác chiến lược, công ty cũng không dám mạo hiểm đầu tư trái ngành, thị phần trong nước sụt giảm, xuất khẩu bị đóng băng… nên doanh nghiệp không còn chọn lựa nào khác là phải giải thể”, ông Trắc nói.

Trong khi đó, với Chứng khoán Âu Việt, chuyện giải thể gần như là phương án tối ưu nhất khi công ty phải gánh lỗ lũy kế lên tới hơn 150 tỷ đồng. Từng trao đổi với PV, Chủ tịch Chứng khoán Âu Việt cho biết: “Quyết định giải thể cũng gây rất nhiều tranh cãi cho cổ đông, tuy nhiên thời thế kinh doanh ngày một khó khăn, càng đầu tư lại càng thua lỗ nên chia tay cuộc chơi là lựa chọn đúng đắn”. Đồng thời ông còn khẳng định “chắn chắn không để cổ đông phải chịu thiệt” khi công ty vẫn còn khoản tiền mặt gần 160 tỷ đồng.

Với cách giải quyết thỏa đáng và cộng thêm tình hình kinh doanh khó khăn, đa phần cổ đông các doanh nghiệp đều nhanh chóng chấp thuận phương án giải thể. Cũng lên kế hoạch giải thể từ hồi đầu năm, gần đây Chứng khoán Chợ Lớn (Mã: CLS) mới công bố tỷ lệ chia tiền. Trong đó, mỗi cổ phiếu CLS chỉ được nhận 4.500 đồng, thấp hơn thị giá trước ngày hủy niêm yết (19/7) 500 đồng.

Hiện công ty này cũng còn 7 nhân sự, báo cáo tài chính kiểm toán năm cho thấy khoản lỗ hơn 3,1 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 3 tiếp tục kinh doanh bết bát, lỗ lũy kế gần 50 tỷ đồng. Doanh thu cả năm 2012 của công ty chỉ đạt gần 8 tỷ đồng, bằng 34% so với cùng kỳ 2011. Trước bối cảnh như vậy, 100% cổ đông trong công ty cũng đành chấp nhận mức giá trên và chấp thuận phương án giải thể.

Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phân tích tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần lại cho rằng số tiền công ty trả cổ đông là tính theo giá trị sổ sách nên mới có khác biệt với giá trên sàn. Tuy nhiên, theo vị này: “So với giá cổ phiếu thì số tiền trên là nhiều, nhưng thực chất các cổ đông vẫn phải chịu thiệt tương đối lớn do mức giá doanh nghiệp đề ra hầu hết thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu, và còn chưa bằng mệnh giá tối thiểu 10.000 đồng”.

Cũng theo vị này, trong những trường hợp như vậy, cơ quan chức năng cũng không thể có biện pháp kiểm soát chuyện thua lỗ của doanh nghiệp hay bảo vệ nhà đầu tư do “tự cổ đông phải có trách nhiệm với quyết định của chính mình và chấp nhận nếu công ty làm ăn yếu kém”.

Còn theo Luật sư Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn luật sư TP Hà Nội, xét về nguyên tắc, trường hợp doanh nghiệp giải thể, số tiền còn lại sau khi trừ thuế và các khoản nợ khác phải được chia hết cho cổ đông thông qua lượng cổ phiếu sở hữu. Giá mua lại cổ phần theo được tính bằng cách lấy số tiền này chia cho tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Tuy nhiên, Luật sư Bình cũng lưu ý một số trường hợp ban lãnh đạo doanh nghiệp tư lợi cá nhân và trích lại một phần tiền để không phải chi hết cho cổ đông. Để phòng hiện tượng như vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo để tìm hiểu kỹ và kiểm tra, đối chiếu các số liệu được doanh nghiệp công bố.

(Vnexpress)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: chứng khoán, Chứng khoán âu việt, chứng khoán chợ lớn, CLS, Doanh nghiệp, doanh nghiep giai the, giải thể
Share on Link Hay!  
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa