Khi biên độ giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp, đã xuất hiện khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước nên ngừng đấu thầu vàng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) vừa lên tiếng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Biên độ giá vàng trong và ngoài nước đang thu hẹp dần, các chuyên gia nói rằng, Ngân hàng Nhà nước nên ngưng đấu thầu vàng vì “trận đánh nào cũng đến lúc phải kết thúc”, ông nghĩ sao?
Chuyên gia nêu ý kiến như vậy cũng hợp lý thôi nhưng vấn đề đó đã nằm trong tính toán của kịch bản quản lý thị trường vàng mà Chính phủ đã đề ra. Việc biên độ thu hẹp tới mức 2 – 2,5 lần so với trước cho thấy, kịch bản quản lý thị trường vàng đang đi đúng hướng.
Tất nhiên, thành quả này ngoài sự nỗ lực cũng như kiên định của Chính phủ và cơ quan quản lý, còn do giá vàng thế giới giảm sâu bởi hàng loạt yếu tố hỗ trợ khác.
Trở lại với vấn đề: tới đây có ngưng đấu thầu vàng hay không, chúng tôi thấy rằng, khi diễn biến cung cầu và giá cả đang dần đi vào quỹ đạo như mong muốn của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh thích hợp theo hướng giảm dần số phiên đấu thầu và số lượng vàng đẩy ra thị trường để phù hợp với sức mua.
Nhưng phải thấy là biên độ thu hẹp quá mức cũng không hẳn đã tốt vì ưu điểm là cơ quan quản lý hoàn thành nhiệm vụ, thị trường không bất ổn nhưng đó lại là tiền đề để đầu cơ gom hàng; trong khi, nếu duy trì ở một khoảng cách nhất định, nhất là trong bối cảnh giá vàng trên thế giới đang diễn biến phức tạp, giới đầu cơ sẽ khó lũng đoạn hơn.
Trong những ngày tới, giá vàng còn bị tác động nhiều bởi các yếu tố: Mỹ có đánh Syria hay không, động thái của FED như thế nào, sự hồi phục kinh tế Nhật Bản hay châu Âu ra sao. Thế nên, trong bối cảnh như vậy, việc gồng mình ra để thu hẹp khoảng cách vàng trong và ngoài nước một cách quá mức không hẳn đã tốt vì có thể làm được trong một vài phiên nhưng lại thiếu tính bền vững.
Mong muốn của Ngân hàng Nhà nước là thị trường vàng ổn định, không bị đầu cơ đánh sóng nhưng cũng phải chấp nhận việc giá lên xuống trong một biên độ chênh lệch vừa phải. Trước việc một số chuyên gia khuyến cáo nên ngưng đấu thầu vàng, chúng tôi cám ơn sự lo xa này, nhưng tất cả đã được tính toán.
Nhưng dù thế nào, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ bỏ trận địa vàng, có nghĩa: còn nhu cầu bình ổn, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục đấu thầu vàng và công việc này chỉ chấm dứt khi nhu cầu bình ổn không còn.
Gần hai năm qua, biên độ giá vàng trong và ngoài nước mới co về mức thấp như hiện nay, tại sao Ngân hàng Nhà nước không tận dụng cơ hội này để làm tới, thưa ông?
Thực ra, quản lý vàng là câu chuyện dài hơi thay vì “ngày một, ngày hai”. Chúng ta biết rằng, giá vàng thế giới biến động rất dữ dội và liên tục. Nếu vì thành tích, chúng tôi có thể hạ nhiệt ngay trong một thời gian ngắn, nhưng đó không phải là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.
Bán tống, bán tháo có thể co biên độ được vài phiên nhưng nếu giá thế giới chạy, biết đằng nào mà lần? Đến khi giá thế giới và trong nước vênh cả mấy triệu, thì người ta lại kêu: “Ơ, Ngân hàng Nhà nước làm gì mà được mỗi ngày như thế này” thì tính sao?
Hơn nữa, nếu thu hẹp quá, có thể khuyến khích tâm lý đầu cơ, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang nhắm tới mục tiêu là làm lộ rõ nhu cầu thật và chỉ đáp ứng đúng nhu cầu này.
Một chuyên gia tài chính “bốc quẻ” rằng, thời gian tới giá vàng chỉ có lên thôi, còn với ông thì sao?
Sau khi ngân hàng thương mại tất toán xong lượng vàng huy động, lực cầu đã yếu đi khá nhiều so với trước và đó là yếu tố quan trọng để diễn biến cung cầu bớt phức tạp hơn.
Mặt khác, số “vàng mới” được cung ra thị trường sau khi trừ đi lượng vàng mà tổ chức tín dụng cần tất toán, đâu đó khoảng 30 tấn. Số này tuy không nhiều so với nhu cầu của nhiều năm tồn tích lại do không được nhập khẩu. Nếu nhìn vào đó, nhiều người nghĩ là giá tăng nhưng đánh giá toàn cục, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: sức mua vàng hiện nay đã yếu đi khá nhiều so với những các năm chứng khoán, bất động sản “hồng hào” như trước.
Theo đó, mỗi lần thị trường xuất hiện yếu tố “đánh lên”, lập tức bị thui chột ngay bởi hàng loạt lực cản ép giá xuống. Trong khi đó, cơ hội đầu tư không còn nhiều do các yếu tố hỗ trợ cầu giảm rất mạnh. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá rằng, sau khi tất toán xong trạng thái huy động vàng của tổ chức tín dụng, lực cầu trên thị trường phần lớn chỉ phụ thuộc vào nhu cầu mua của người dân, còn đầu cơ thì không còn khả năng lũng đoạn như trước.
Tôi cho rằng, giá vàng thời gian tới sẽ là hai chiều, có lên, có xuống và thực tế, thị trường đã nắm bắt rất nhanh hiện tượng này. Qua theo dõi, Ngân hàng Nhà nước thấy, khi có điều kiện chốt lời, lập tức bên nắm giữ bán ra ngay thay vì găm giữ như trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu chỉ chạy theo xu hướng giá lên sẽ rất rủi ro.
Thời gian tới, tần suất, lượng vàng đấu thầu trong mỗi phiên cụ thể như thế nào, thưa ông?
Về nguyên tắc, mỗi tuần, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một phương án cho thị trường về số phiên, khối lượng đấu thầu, còn giá tham chiếu thì phải căn cứ theo diễn biến thị trường.
Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tất cả yếu tố trên thị trường và thấy rằng, tuần này phải đấu thầu hai phiên, số lượng tối đa là vài tấn nhưng đó là dự kiến thôi, còn tùy thuộc vào diễn biến thực tế, nếu nhu cầu không đến mức đó thì giảm số lượng vàng đấu thầu.
Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là chỉ can thiệp khi thấy cần và sẽ không phải guồng chạy đấu thầu theo quy mô lớn như thời gian trước.
Ông cho biết số tiền mà Ngân hàng Nhà nước chuyển về ngân sách do Bộ Tài chính quản lý từ chênh lệch thu chi nhập khẩu vàng và bán ra thị trường trong nước cụ thể như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước có các cơ chế tài chính được Chính phủ phê duyệt thông qua một quyết định. Theo đó, Chính phủ quy định tỷ lệ chênh lệch thu chi hàng tháng, quý từ Ngân hàng Nhà nước là bao nhiêu để đóng góp vào ngân sách.
Thu chi từ khoản vàng nhập khẩu như nói trên thì cũng nằm trong cân đối tổng thể như quy định ở trên, không có chuyện “bóc tách” ở đây.
(Vneconomy)