Những công ty công bố hủy niêm yết tự nguyện đều đưa ra lý do là thanh khoản thấp, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị công ty, mục tiêu huy động vốn không thực hiện được.
Tính đến ngày 9/9/2013, đã hết hạn từ lâu, nhưng nhiều công ty đại chúng vừa bị hủy niêm yết bắt buộc và công bố hủy niêm yết tự nguyện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2013 và không đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Những công ty công bố hủy niêm yết tự nguyện đều đưa ra lý do là thanh khoản thấp, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị công ty, mục tiêu huy động vốn không thực hiện được.
Danh sách mới nhất gồm: Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam (mã NVN-HOSE), Công ty Cổ phần Thủy sản Gentraco (mã GFC-HNX), Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (mã SGT-HOSE), Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (mã ALP-HOSE).
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, nguyên nhân cốt lõi chính là nhằm bớt đi “gánh nặng” phải công bố minh bạch thông tin, nhất là những thông tin quan trọng và nhạy cảm như thua lỗ tăng đột biến, thay đổi lãnh đạo, nợ quá hạn lớn, giao dịch của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn. Đồng hành cùng nguyên nhân này là sau khi hủy niêm yết, công ty có thể chây ỳ không công bố thông tin, mặc dù vẫn còn là công ty đại chúng.
Theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn (vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên và có số cổ đông không thấp hơn 300) bắt buộc công bố thông tin giống doanh nghiệp niêm yết, gồm: công bố định kỳ thông tin về báo cáo tài chính năm, bán niên, quý và công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ đối với các sự kiện như: công ty bị tổn thất tài sản từ 10% vốn chủ sở hữu, mua bán tài sản có giá trị lớn hơn 15% tổng tài sản của công ty, cổ phiếu của công ty niêm yết tăng trần hoặc giảm sàn 10 phiên liên tiếp…
Trong số những công ty đại chúng lớn vừa hủy niêm yết hiện không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin như quy định, phải kế đến như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (mã NTB-HOSE) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (mã THV-HNX).
NTB đã bị HOSE hủy niêm yết hơn 39,7 triệu cổ phiếu từ ngày 23/72013 (giá đóng cửa phiên ngày 22/7 chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu) do tổ chức kiểm toán đã có ý kiến từ chối đối với báo cáo tài chính năm 2012 của công ty.
Lý do kiểm toán đưa ra khá nhiều như không được cung cấp hợp đồng thi công và hồ sơ liên quan với hai nhà thầu phụ trị giá 124,5 tỷ đồng, báo cáo tài chính của công ty liên kết…
Do vậy, kiểm toán không thể đánh giá ảnh hưởng của vấn đề này với tình hình tài chính của công ty(tại ngày 31/12/2012, nợ ngắn han lên tới 1.700 tỷ đồng, gần bằng 2.000 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, lỗ ròng năm 2012 67 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2012 bị âm 42,5 tỷ đồng). Ngay sau khi bị hủy niêm yết, NTB tiếp tục “im hơi lặng tiếng”.
Đến ngày 9/9, NTB chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 và trên website của mình, công ty cũng chưa công bố các báo cáo tài chính quý, bán niên của năm 2013, mặc dù thường xuyên bị HOSE nhắc nhở về công bố thông tin.
Sau khi bị hủy niêm yết, NTB lờ luôn báo cáo tài chính bán niên 2013, nhà đầu tư hoang mang không biết 6 tháng đầu năm NTB bị lỗ thêm bao nhiêu tỷ đồng, do vây, giao dịch cổ phiếu NTB trên thị trường OTC bị đóng băng.
Việc công bố thông tin sau khi bị hủy niêm yết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã THV-HNX) cũng “mù mịt” không kém NTB.
THV bị HNX hủy niêm yết từ ngày 4/7/2013 (phiên ngày 3/7, giá chỉ còn 400 đồng) do lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2012 là 622,5 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp (577,5 tỷ đồng), quý I/2013 tiếp tục lỗ ròng 38 tỷ đồng.
Trong năm 2012, doanh thu của Thái Hòa chỉ có 19,7 tỉ đồng, bằng 2% so với con số hơn 1.062 tỉ đồng của năm 2011, nợ ngắn hạn cuối năm lên tới 676,7 tỷ đồng. Thông tin nhà đầu tư mong đợi nhất là việc “cơ cấu lại nguồn vốn nhằm khắc phục hoạt động của công ty” như lời khẳng định của ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Thái Hòa trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào đầu tháng 4/2013.
Theo một số công ty chứng khoán, thực chất việc cơ cấu lại nguồn vốn của THV là bán bớt các nhà máy chế biến cà phê, dự án, công ty con hoạt động không hiệu quả để trả các khoản nợ quá hạn nợ cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, việc bán các nhà máy chế biến cà phê hiện nay rất khó khăn vì 3 nhà máy của THV ở Quảng Trị và Sơn La (tổng công suất 140.000 tấn/năm) đều đang rất thiếu nguyên liệu để hoạt động.
Mối nghi ngờ THV sẽ phá sản, giá cổ phiếu sẽ từ 400 đồng lùi về con số 0 đang đè nặng lên tâm trí nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu THV suốt hơn hai tháng qua. Thế nhưng, không có bất cứ một thông tin nào về THV được công bố kể từ sau khi bị hủy niêm yết đến nay, báo cáo tài chính quý 2/2013 vẫn không thấy “tăm hơi”.
Trong khi đó, cho đến nay, những công ty đại chúng chây ỳ, chậm trễ công bố báo cáo tài chính quý, bán niên và báo cáo tài chính năm bị xử phạt rất ít, hầu hết chỉ bị nhắc nhở và… nhắc nhở hoài.
(VnEconomy)