Nguyễn Tấn Dũng » Thời sự » Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế để lấy lại thế cạnh tranh

Với việc đang mất dần những lợi thế về tài nguyên, lao động giá rẻ, cơ cấu kinh tế bộc lộ những yếu kém, Việt Nam buộc phải tái cơ cấu nền kinh tế nếu không muốn bị tụt hậu so với các nước trong khu vực – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản 2013 ngày 5/9/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua đã gặp phải những khó khăn do tác động bên ngoài và chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ những yếu tố của kết cấu bên trong, những yếu kém nội bộ.

Để lấy lại thế cạnh tranh so với các nước khác, tái cơ cấu là con đường duy nhất của Việt Nam.

Bộ trưởng nhìn nhận, những lợi thế của Việt Nam trước đây về tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và nhiều lợi thế mang tính chất “tĩnh” khác cũng đã mất dần và không còn là động lực để phát triển kinh tế nữa. Cơ cấu nền kinh tế đang bộc lộ những yếu kém. Trước tình hình này, bắt buộc Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế.

Nếu Việt Nam không mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên chất lượng, tăng thêm sức cạnh tranh, sử dụng năng suất tổng hợp (dựa trên trình độ quản lý, năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ).. để làm sản phẩm để khiến nền kinh tế mang tính cạnh tranh hơn thì Việt Nam sẽ tụt hậu – “tụt hậu không chỉ với những cường nước như Nhật Bản hay Mỹ mà sẽ tụt hậu với ngay các nước bên cạnh”, Bộ trưởng nói.

Vừa rồi Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nhưng đây mới chỉ là những nét phác thảo cơ bản ban đầu. Người đứng đầu ngành đầu tư của Việt Nam cũng nhấn mạnh, có 3 vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm giải quyết để tái cấu trúc, trước hết là cải cách thể chế, kiên định đi theo cơ chế thị trường (có yếu tố XHCN nhưng trên nền tảng của cơ chế thị trường). Chẳng hạn, Việt Nam đã phải nâng dần giá các mặt hàng như điện theo đúng giá thành, không bao cấp nhưng phải hỗ trợ cho người nghèo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những điều chỉnh để định hướng dòng vốn, thu hút được vốn tư nhân vào những lĩnh vực cần phát triển, không phải bằng cách thức hành chính mà bằng hệ thống thể chế, pháp luật. Cuối cùng là phát triển, nâng cao cơ sở hạ tầng, đủ đảm bảo cho môi trường đầu tư và đảm bảo để phát triển nền kinh tế.

Kết quả bước đầu, Bộ trưởng đánh giá, kinh tế Việt Nam đã từng bước đi vào ổn định, mặc dù chưa vững chắc nhưng đã ổn định. Nhiều chỉ số về mặt tiền tệ, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ, lãi suất cho vay đều ở mức hợp lý. Chỉ số CPI từ mức 10-20% đã chỉ còn 6,8%, năm nay kiểm soát xung quanh con số 7%. Tăng trưởng Việt Nam đã dần phục hồi, 9 tháng tăng trưởng 5,1%, hết năm 2013 dự kiến đạt 5,3-5,4%.

Về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Huy Rứa, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cho biết: “Hai nền kinh tế đã, đang và sẽ mang tính hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn là người bạn, người đồng hành tin cậy của nhân dân xứ sở mặt trời mọc.”

Sau 40 năm kể từ ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với số lượng các dự án FDI ngày càng tăng.

Trong năm 2011, các dự án FDI của Nhật Bản chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Năm 2012, con số đó tăng lên gấp đôi, với các dự án FDI của Nhật Bản chiếm 50% lượng FDI đầu tư vào Việt Nam. Nếu năm 2011 có 234 dự án đầu tư mới của các công ty Nhật Bản đã được được cấp phép tại Việt Nam thì con số đó lên tới 317 dự án trong năm 2012

Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với hơn 70% nguồn vốn ODA Nhật Bản được sử dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông hay nhà máy điện.

(Dân Trí)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: Bùi Quang Vinh, Diễn đàn, Diễn đàn Kinh tế, , liên minh, , , Phát triển kinh tế, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu tư, Đề án
Share on Link Hay!  
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa