Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị » Vì sao Chứng khoán Sao Việt phải giải thể?

Công ty Chứng khoán Sao Việt (SVS) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua phương án giải thể, bán tài sản chia cho cổ đông và chấm dứt sự tồn tại “vật vờ” trên thị trường.

Sao Việt thừa nhận thất bại là không đủ sức kiếm tiền trên TTCK

Sao Việt thừa nhận thất bại là không đủ sức kiếm tiền trên TTCK

Sau khi thông qua phương án giải thể, cổ đông sẽ được chia tiền mặt là 6.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần gấp đôi so với giá đóng cửa khi bị huỷ niêm yết, là 3.600 đồng/cổ phiếu.

Hiện Chứng khoán Sao Việt đã rút hết các nghiệp vụ, môi giới, đóng cửa chia tiền là giải pháp được nhiều nhà đầu tư (NĐT) và cổ đông hưởng ứng.

Quá trình kinh doanh thua lỗ liên tục đã dẫn đến kết quả huỷ niêm yết bắt buộc và giờ giải thể là do các cổ đông lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chật vật trong quá trình kinh doanh. Trước đây, khi thành lập, SVS được kỳ vọng đi theo lối riêng là trở thành CTCK chuyên tư vấn dịch vụ đầu tư, tài chính cho doanh nghiệp ngành xây lắp, bất động sản…

Bán không được, đành giải thể

Các cổ đông lớn đều là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS như: Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS), Công CP Căn nhà mơ ước (DRH)…

Tuy nhiên, đúng vào lúc thành lập thì TTCK sụt giảm, BĐS đóng băng, vậy là các đại gia đều dính chùm vào khó khăn.

Bởi chính các đại gia BĐS đang bị tồn kho lớn, hàng hóa tiêu thụ chậm, kinh doanh thua lỗ thì làm sao gồng gánh nổi thêm lĩnh vực đầu tư tài chính, vốn không phải là thế mạnh của mình mà đơn giản là chạy theo phong trào mà thôi.

Cuối cùng thua lỗ của Chứng khoán Sao Việt diễn ra triền miên và hậu quả là giải thể.

Các cổ đông lớn không thể góp vốn để nuôi doanh nghiệp ngoài ngành làm ăn thiếu hiệu quả trong khi mình cũng đang gặp khó khăn.

Trước đây, cổ đông lớn là SJS thừa tiền gửi ngân hàng sẵn sàng đứng ra đầu tư tài chính và kêu gọi các đại gia BĐS khác rót tiền cho SVS, nhưng giờ mọi thứ đã khác. Họ đã hụt hơi và không còn sức để tiếp tục cuộc chơi với SVS.

Còn CTCK Sao Việt thừa nhận thất bại là không đủ sức kiếm tiền trên TTCK để hoàn thành sứ mệnh của mình. Quyết định giải thể là điều vô cùng khó khăn, buộc họ phải chấp nhận sự thật là giải thể SVS để bớt tệ hại hơn.

Ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT SVS, cho biết phương án giải thể là chấp nhận chịu thiệt thòi khi không thể chuyển nhượng được cho đối tác nước ngoài. Đối tác này muốn mua 100% SVS, nhưng SVS không thể gom đủ 100% cổ phần.

Đây là vướng mắc khi NĐT nước ngoài chưa thể sở hữu quá tỷ lệ 49% đến dưới 100%. Hơn nữa, năng lực tài chính của đối tác ngoại không đáp ứng được yêu cầu của SVS nên phải chọn phương án giải thể. Như vậy, dù có bẽ bàng, nhưng các đại gia BĐS vẫn còn thu lại được tài sản nên họ đã nhất trí là giải tán.

Thu lại được bao nhiêu?

Hiện Sao Việt có 13,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Sau khi công bố phương án giải thể, các cổ đông của Sao Việt đã đăng ký mua các khối tài sản thanh lý, như toàn bộ cổ phần và diện tích văn phòng theo đúng giá thị trường và bảo đảm công bằng cho các cổ đông.

Theo bảng cân đối kế toán công bố tại Đại hội, tổng tài sản của Sao Việt tính đến ngày 31/8/2013 là 109,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 70,22 tỷ đồng; một số tài sản khác dự kiến thanh lý được 23 tỷ đồng.

Sao Việt sẽ thực hiện thanh lý 3 loại tài sản quan trọng nhất, gồm 7 loại cổ phiếu OTC, 4 loại cổ phiếu đã niêm yết và diện tích văn phòng tại Tòa nhà HH3 ở Khu đô thị Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Đối với các cổ phiếu OTC, Sao Việt đã chào bán trên thị trường nhưng không bán được, nên sẽ ưu tiên chào bán công khai cho các cổ đông hiện hữu. Còn các cổ phiếu niêm yết, trừ khoản đầu tư vào Quỹ VFMVFA, do thanh khoản thấp nên Sao Việt chào bán cho cổ đông theo phương thức thỏa thuận.

Trong số các cổ phiếu Sao Việt còn nắm giữ, nhiều mã được chào bán với giá 1.000 đồng/cổ phiếu như Thủy điện Cần Đơn (SJD), Sông Đà 207 (SDB), Công CP Mai Linh…; có những cổ phiếu Sao Việt từng mua vào với giá 40.000 – 50.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nay chỉ chào bán với giá vài nghìn đồng. Đối với diện tích văn phòng thuê 50 năm của 2 cổ đông là Sudico và Phúc Hà, Sao Việt chào bán lại luôn cho các cổ đông này.

Như vậy, sau khi bán tài sản, Sao Việt sẽ có 93,2 tỷ đồng. Trừ công nợ, chi hỗ trợ người lao động, các cổ đông sẽ được chia 6.812 đồng cho mỗi cổ phiếu. Sao Việt sẽ chia trước 5.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, thời gian cụ thể do HĐQT xác định, nhưng không quá 2 tháng kể từ khi kết thúc ĐHCĐ, với tổng giá trị 67,5 tỷ đồng.

Số tiền còn lại, Công ty dùng để dự trữ đảm bảo thanh toán các khoản phải trả phát sinh khi tiến hành giải thể và sẽ thanh toán nốt cho cổ đông sau khi hoàn tất giải thể. Còn khoản tiền chênh lệch 500 triệu đồng đặt cọc thuê mặt bằng gần như không thu được. Vì bên cho thuê rơi vào tình trạng khó khăn, không còn tiền, không còn tài sản nên khả năng thu hồi là không có.

Hơn nữa, công nợ phải thu có nhiều khoản khó thu, lên tới hàng chục tỷ đồng cũng khó thu hồi do không tìm được khách hàng hoặc do nhân viên làm thất thoát. Sao Việt hiện còn khoảng 200 tài khoản của NĐT chưa chuyển sang Chứng khoán FPT, dự kiến đến 30/9, Sao Việt sẽ hoàn tất chuyển tài khoản NĐT.

Sau khi được chấp thuận của UBCKNN về phương án giải thể, Công ty tiến hành thanh toán hết các nghĩa vụ với ngân sách, người lao động, nợ phải trả trên nguyên tắc không còn nợ phải trả. Câu chuyện NĐT mua cổ phiếu là mong đợi doanh nghiệp ăn nên làm ra, nhưng giải thể như trường hợp của SVS cũng là điều đáng suy ngẫm.

(VnEconomy)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: 24h, CafeF, chứng khoán, cổ phiếu, Công ty, hôm nay, phiên giao dịch, sao Việt, thanh lý, Thị trường
Share on Link Hay!  
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa