Không chỉ có phụ huynh mà chính huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt nhí cũng khẳng định không cho con mình tham gia cuộc thi này với rất nhiều lý do!
Chiến thắng của Quang Anh vừa qua được xem là một cái kết đẹp của chương trình, đó là một chiến thắng xứng đáng với những gì em đã thể hiện trong suốt hành trình cuộc thi, nhất là sự bứt phá trong đêm chung kết. Thậm chí, kể cả việc có hai cuộc vận động bình chọn từ quê nhà thì đó cũng là chiến thắng không có gì phải bàn cãi!
Với The Voice Kids, các em chỉ biết cống hiến bằng tài năng, đam mê chứ không có chỗ cho sự toan tính, lợi dụng hay chơi xấu đối thủ. Nhưng mấy ngày qua, chính dư luận, người lớn đã làm các em lo sợ. Rất có thể chính các em sẽ bị tổn thương, áp lực với những gì mà sau cuộc thi, dư luận đã bàn tán, săm soi thay vì chúc mừng hay động viên các em.
Suốt từ khi Quang Anh đăng quang, cậu bé đã phải hứng chịu một cơn bão từ dư luận vì những chuyện không phải do mình. Càng chứng kiến cuộc chiến thông tin này, càng thấy một bộ phận người lớn quả là hẹp hòi và vô cảm.
Nhưng The Voice Kids năm nay sẽ trở nên đẹp một cách mỹ mãn khi không có quyển nhật ký của một ông bố lặn lội đường xa đưa con đi thi bởi những chi tiết thú vị và cảm động về cuộc sống đời thường của các em đã được chương trình khai thác đậm nét nhầm tạo nên cảm xúc người xem. Nhưng bài “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của anh Lương Quốc Thái, phụ huynh của thí sinh lọt vào top 15 Lương Thùy Mai đã vô tình tiết lộ một hậu trường trần trụi, thậm chí có phần nhếch nhác khuất sau vẻ hào nhoáng và đầy “nhân văn” của cuộc thi.
Nhật ký của anh Thái kể về chuyện những lần đưa con từ Hà Nội vào TP.HCM dự thi, anh và những ông bố đồng cảnh ngộ đã phải tiết kiệm bằng cách mua cơm về ăn chung, năn nỉ khách sạn cho giặt quần áo trong phòng, hay nấu ăn ngay trong toilet để tiết kiệm chi phí…
Anh Thái cũng đưa ra những cái ‘được”, “mất” khi tham gia cuộc thi này như một chia sẻ để các phụ huynh cân nhắc khi có ý định đưa con đi thi cuộc thi sau này. Được thì ít nhưng mất có vẻ quá nhiều, đó là mất thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng đến việc học hành của con… Đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng như các bé hẫng hụt vô cùng vì khi rời cuộc chơi (bị loại) thì ban tổ chức không hề có một động thái chia tay hay một lời động viên khích lệ…
Hẳn nhà tổ chức chương trình, công ty Cát Tiên Sa sẽ không thể nào vui được qua những chia sẻ, trăn trở trong bài viết của anh Thái bởi qua đó cho thấy trong khâu tổ chức còn tồn tại quá nhiều bất cập. Khoản chi phí trên 50 triệu đồng mà vợ anh phải “cắn răng” để lo cho con gái đi thi và hình ảnh những bữa ăn đạm bạc, nhưng lần lọ mọ nấu ăn trong toilet… nó hoàn toàn tương phản với con số 280 triệu đồng cho mỗi 30 giây quảng cáo mà nhà sản xuất, công ty Cát Tiên Sa thu được!
Không những các bậc phụ huynh trăn trở về cuộc thi mà ngay chính huấn luyện viên của chương trình cũng khẳng định “sẽ không bao giờ để con mình tham gia The Voice Kids” – đó là lời của HLV Hiền Thục. Người hâm mộ tỏ ra ngưỡng mộ vì HLV này khi với cương vị của mình trong chương trình nhưng vẫn thẳng thắn nói ra sự thật. Một sự thật mà nhà sản xuất sẽ không thể vui lòng.
“Nhưng trên cương vị là một người mẹ, tôi sẽ không cho con mình tham gia”, Hiền Thục cho biết lý do là: “Vì mất thời gian, mà ở tuổi của các con bây giờ thì việc học mới là quan trọng nhất. Hơn nữa, tuy là một cuộc chơi nhưng với sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người, các cháu cũng không khỏi gặp phải những sức ép. Hàng tuần phải tham gia rất nhiều sự kiện, nào là các hoạt động bên lề, quay clip, mỗi tuần là một bài mới… Cường độ làm việc như vậy làm sao mà không căng thẳng được”.
Có một điều ít ai chú ý rằng, khi chuyển qua đối tượng trẻ em, chương trình Giọng hát Việt vẫn giữ nguyên format như phiên bản người lớn mà không có bất cứ thay đổi nào để thích hợp hơn với người chơi là trẻ em.
Điều này cũng giải thích vì sao trong cuộc thi hầu hết các bài hát mà các bé trình bày hầu hết là các bài hát người lớn. Thậm chí, với “hiện tượng” Phương Mỹ Chi cũng vậy, những bài hát dân ca ngọt ngào mà em thể hiện không phải là những bài hát dành cho lứa tuổi của em.
Mặc dù các bé thể hiện rất hay nhưng chắc các em khó mà hiểu hết ý nghĩa của những “Sắc màu” (Trần Tiến), “Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn), “Hồ trên núi” (Phó Đức Phương), liên khúc “Ngựa ô thương nhớ” – “Đêm phương Nam”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Nhớ mẹ Lý mồ côi”… Ngoài ra, còn có những ca khúc tiếng Anh quá khó, giàu tính triết lý. Tất cả đều khá xa lạ với lứa tuổi thơ của các em bởi đòi hỏi một giọng hát kỹ thuật khá điêu luyện, lẫn sự trải nghiệm cuộc sống để chuyển tải nội dung đầy chất tự sự của ca khúc.
Không những thế, các em gần như đã bị vắt kiệt sức mình sau hơn ba tháng vật lộn với các phần thi. Nhiều em đã đổ bệnh hoặc phải nhập viện, nhiều trường hợp phải xin phép nghỉ học nhiều ngày liền. Hẳn khán giả vẫn còn thót tim khi thấy em Vũ Song Vũ bước ra không nổi, run run cất giọng trong đêm thi cách đây vài tuần. Cậu bé bị sốt xuất huyết và mới sang ngày thứ bảy, bác sĩ cấm không cho tiếp tục thi. Nhưng với quyết tâm của mình Vũ vẫn can đảm ra sân khấu!
Không chỉ tập luyện căng thẳng từ tập bài hát, xử lý từng đoạn, học thanh nhạc… các em còn phải tham gia nhiều hoạt động khác như giao lưu với mục đích từ thiện, tham gia đêm diễn chính thức của đội mình ở phòng trà theo như format quy định, rồi còn chạy sô trong chương trình khác… Bởi mới có chuyện nhiều phụ huynh có con đang thi nhưng chỉ tính cách làm sao để được “ra về”!
Thẳng thắn mà nói, về bản chất thì cuộc thi này gần như là để giải trí cho người lớn và kiếm tiền cho nhà sản xuất, mà không nhắm tới đối tượng trẻ em. Có lẽ cũng chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh tham gia cuộc thi vừa qua đã đưa ra lời “cảnh báo” với các bậc phụ huynh khác, còn HLV của chương trình thì cũng đã hết sức thẳng thắn để nói “Không” khi được hỏi có cho con mình tham gia The Voice kids hay không?!
(PetroTimes)