Thế nào là “Cộng đồng ASEAN” và việc thành lập Cộng đồng này sẽ tác động như thế nào đến người dân và doanh nghiệp?
Thời gian gần đây, cụm từ “Cộng đồng ASEAN” được nhắc đến liên tục trong các cuộc hội nghị quốc tế từ cấp cao nhất đến cấp Bộ trưởng các nước ASEAN. Tuy nhiên, thế nào là “Cộng đồng ASEAN” và việc thành lập Cộng đồng này sẽ tác động như thế nào đến mỗi người dân và doanh nghiệp trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng? Đây cũng là những câu hỏi mà chuyên mục Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời đặt ra với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết “Cộng đồng ASEAN” hiểu theo cách đơn giản nhất là gì? Liệu “Cộng đồng ASEAN”có những quy định chung như chính sách đối ngoại chung, visa chung, đồng tiền chung… như mô hình Cộng đồng châu Âu hay không?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: “Cộng đồng ASEAN” được dựa trên 3 trụ cột, gồm Chính trị, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội. Về Chính trị, được xây dựng trên cơ sở thiết lập mối quan hệ tin cậy về chính trị giữa các nước thành viên ASEAN, trên các tiêu chuẩn về giá trị chung của ASEAN, đó là Hiệp ước về thân thiện và hợp tác của ASEAN.
Hay có thể nói là xây dựng một mối quan hệ giữa các nước ASEAN hợp tác với nhau, thân thiện, hợp tác và tin cậy chính trị, đồng thời quan hệ với các nước bên ngoài của cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng ASEAN về mặt Chính trị không có nghĩa đây là một tổ chức liên minh, hay phòng thủ tập thể chung của các nước ASEAN. Nó khác hoàn toàn với một số các tổ chức liên minh về quân sự, chính trị. “Cộng đồng ASEAN” không phải mục tiêu như vậy.
Về Kinh tế, Cộng đồng ASEAN tạo ra thị trường chung, lớn với 600 triệu dân và qua sự liên kết về kinh tế trên cơ sở sản xuất thống nhất, tự do thương mại về đầu tư, trung chuyển vốn, lao động… Trên những tiêu chuẩn, tiêu chí chung để tăng cường thúc đẩy sự phát triển đồng đều của các nước thành viên ASEAN. Trên trụ cột Kinh tế đó, mục tiêu của ASEAN hướng tới không giống như Cộng đồng Kinh tế châu Âu là có những chính sách, có đồng tiền chung, kinh tế chung…
“Cộng đồng ASEAN” không hướng vào mục tiêu này, mà phát triển theo hướng làm sao để các nước ASEAN phát triển một cách đồng đều trên cơ sở thị trường rộng lớn, trên tiêu chí của ASEAN.
Về trụ cột Văn hóa – Xã hội, thì cũng tương tự, làm sao phát triển bền vững để tạo cho “Cộng đồng ASEAN” có được những tiêu chuẩn, tiêu chí chung của ASEAN như đảm bảo được quyền của phụ nữ, người lao động bị tổn thương hoặc những chính sách về xã hội, những dịch vụ trong hợp tác về y tế, giáo dục… “Cộng đồng ASEAN” cũng không đặt mục tiêu trở thành tổ chức siêu quốc gia như ở châu Âu.
PV: Một câu hỏi mà chúng tôi nhận được của nhiều người dân là, những công dân của khu vực sẽ được lợi gì khi “Cộng đồng ASEAN” chính thức ra đời sau 2 năm nữa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Có thể nói, đến năm 2015 “Cộng đồng ASEAN” được thành lập thì người dân thấy mình được lợi gì từ “Cộng đồng ASEAN” so với trước đây? Đây là câu hỏi không chỉ người dân Việt Nam, mà cũng là câu hỏi của người dân trong các nước thành viên ASEAN.
Có thể hiểu như sau, về mặt trụ cột Chính trị thì đảm bảo được xây dựng mối quan hệ trong các nước thành viên ASEAN. Trong “Cộng đồng ASEAN” tăng cường về tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị sẽ đảm bảo được môi trường hòa bình, ổn định và người dân ở mỗi nước đều cảm thấy mình sống trong cộng đồng có mối quan hệ hữu nghị giữa các nước với nhau, không chỉ các nước trong “Cộng đồng ASEAN” và giữa “Cộng đồng ASEAN” với các nước bên ngoài.
Như vậy có thể nói là người dân sẽ được sống trong môi trường, trong không gian rộng lớn hơn, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, sống an toàn hơn bởi vì đã có sự hợp tác giữa các nước với nhau trong các lĩnh vực về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy hoặc đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Về Kinh tế, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn, nếu như đạt được các mục tiêu kinh tế trong ASEAN. Theo ước đoán thì kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 4,5% vào năm 2018 so với năm 2007 nếu như đạt được những mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động của ASEAN.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp, sẽ cảm thấy có được lợi ích lớn hơn vì có thị trường rộng với 600 triệu dân với những biện pháp như tự do thương mại, đầu tư thuận lợi, kể cả biện pháp công nhận trong những lĩnh vực về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa…
Với những điều kiện chung của các nước ASEAN như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Hay trong lĩnh vực lao động, thì với việc công nhận lẫn nhau về tay nghề cũng tạo điều kiện cho việc trung chuyển, di chuyển lao động giữa các nơi trong “Cộng đồng ASEAN”. Đó là những lợi ích mà người dân có được khi Cộng đồng ra đời.
PV: Có một người dân gửi thư đến Chương trình hỏi: “Nếu con tôi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam thì tấm bằng đó có được công nhận và sử dụng tại một nước khác trong ASEAN không”? Xin mời Bộ trưởng trả lời câu hỏi rất cụ thể này.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Giáo dục cũng là một trong những lĩnh vực mà các nước ASEAN hợp tác với nhau để công nhận bằng, tín chỉ trong giáo dục. Hiện nay đã thành lập một mạng các trường đại học trong ASEAN với 26 trường tham gia, đây là một mạng thí điểm.
Với mạng các trường đại học này, với mục đích là công nhận lẫn nhau về tín chỉ, bằng của các trường đại học, tạo điều kiện cho sinh viên, nhất là những sinh viên có thể tham gia theo học một số học kỳ của trường đại học trong nước và sau đó học một số học kỳ tại một trường đại học khác và khi tốt nghiệp bằng đó sẽ được công nhận chung trong các nước ASEAN.
Hiện chúng ta có trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Cần Thơ là tham gia mạng giáo dục này. Với việc mở rộng mạng giáo dục, và thực tế đây là lĩnh vực đang có nhiều trao đổi về hợp tác, bởi trình độ về đại học trong các nước ASEAN còn khác biệt nhau, thì việc công nhận các tín chỉ của các trường Đại học còn nhiều vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, cũng mở ra hướng là có thể công nhận bằng đại học ở các quốc gia khác trong ASEAN.
Trong “Cộng đồng ASEAN”, việc thực hiện công nhận tay nghề cũng là một lĩnh vực được đặt ra trong ASEAN, để làm sao công nhận những chứng chỉ về hành nghề hay tay nghề trong những lĩnh vực cụ thể như trong y tế, hay là trong du lịch, một số hành nghề tạo điều kiện cho công dân của các nước ASEAN tìm được việc làm, không chỉ ở nước mình mà ở các nước khác trong khu vực ASEAN với mức lương hợp lý hơn, hấp dẫn hơn.
PV: Một câu hỏi khác của một doanh nghiệp cũng rất cụ thể xin được chuyển đến Bộ trưởng: “Tôi là doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam, vậy sau ngày 31/12/2015, ngày Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, thì doanh nghiệp của tôi sẽ bị tác động như thế nào?”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Khi “Cộng đồng ASEAN” chính thức ra đời thì các doanh nghiệp nói chung trong ASEAN và Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi trong “Cộng đồng ASEAN”, nhưng cũng phải chịu nhiều thách thức.
Những ưu đãi ở đây là thị trường với 600 triệu dân, người sản xuất ở Việt Nam sẽ không chỉ hướng vào sản xuất nội địa nữa mà sẽ hướng ra thị trường rộng lớn hơn. Rộng lớn hơn 600 triệu dân là những đối tác của ASEAN với bên ngoài, vì ASEAN cũng có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác.
Điểm thuận lợi thứ 2 đó là thuế suất trong ASEAN sẽ về 0, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất. Đồng thời, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất sẽ tạo điều kiện cho hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng của sản phẩm lên, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Điểm thứ 3, trong ASEAN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa với 60% sản phẩm được làm từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN và nhất là trong ASEAN với bên ngoài. Như vậy hướng sản phẩm sẽ không chỉ ở ASEAN mà còn ra bên ngoài các nước khác mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Về thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là tăng tính cạnh tranh và phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn và khốc liệt hơn. Bởi vì tất cả các doanh nghiệp đều được thừa hưởng những lợi ích như vậy, nếu doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội, giảm được giá thành, tăng chất lượng, quảng bá được hàng hóa của mình thì sẽ tăng được sản xuất và có lợi nhuận.
Điểm thứ 2 là về quản lý các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào có sự quản lý tốt đồng nghĩa với việc kinh doanh tốt. Trong thị trường các nước ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp của những nước phát triển hơn chúng ta và có sự quản lý tốt. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho họ và là thách thức với chúng ta.
Thứ 3 là nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nguồn lao động kỹ thuật cao của các doanh nghiệp càng đòi hỏi phải cao hơn nữa. Ngoài ra, một thách thức nữa với doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam đó là hàng rào về ngôn ngữ. Đây là những thách thức của doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi lớn.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
(DTNVN)