Giới truyền thông bày tỏ thái độ giận dữ trong những bài báo phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong những ngày gần đây.
Khói mù dày đặc bao phủ Bắc Kinh và khoảng 30 thành phố khác ở miền bắc và miền đông Trung Quốc từ ngày 11/1. Sự hiện diện của khói khiến tầm nhìn tại một số thành phố giảm xuống 100 m. Khói xe cơ giới và bụi than chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khói mù.
Tân Hoa Xã đưa tin số lượng người điều trị các bệnh về đường hô hấp tại thủ đô Bắc Kinh tăng vọt so trong những ngày qua.
Chất ô nhiễm tích tụ với mật độ lớn trong không khí do tình trạng không gió và một đợt không khí lạnh – hai nguyên nhân khách quan. Nhưng một bài xã luận trên China Daily cho rằng hoạt động của con người mới là nhân tố lớn nhất khiến ô nhiễm trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Theo bài xã luận, sự yếu kém trong quy hoạch đô thị và số lượng người sở hữu xe hơi tăng vọt là hai nguyên nhân chính khiến mật độ chất ô nhiễm tăng.
“Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, Trung Quốc phải tìm ra giải pháp để sự phát triển không làm giảm chất lượng cuộc sống thành thị và môi trường”, bài xã luận nhấn mạnh.
Bài xã luận cũng đề ra một số giải pháp – như giảm mật độ nhà cao tầng trong đô thị, trồng thêm nhiều cây trong khu vực dân cư, giảm số lượng xe cơ giới.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài xã luận trên trang nhất với tiêu đề” “Hãy coi quản lý ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách”. Bài xã luận cho rằng tình trạng ô nhiễm đang bóp nghẹt cuộc sống của người dân.
Global Times nhận định các biện pháp đối phó ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, công trường xây dựng lớn nhất thế giới, đã không phát huy tác dụng. Tờ báo cáo buộc chính phủ không coi trọng những hoạt động chống ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu giới chức công bố rộng rãi mọi thông tin về ô nhiễm để người dân có thể tham gia vào cuộc chiến bảo vệ bầu khí quyển.
Mọi chỉ số ô nhiễm không khí tại thành phố Bắc Kinh trong những ngày cuối tuần trước đã vượt xa ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo tiêu chuẩn của WHO, mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) không được phép lớn hơn 25 (microgram/m3). Không khí sẽ trở nên nguy hiểm nếu chỉ số hạt PM2,5 lớn hơn 100. Nếu con số đó tăng lên mức 300, mọi trẻ em và người già nên ở nhà. Các chỉ số chính thức tại Bắc Kinh cho thấy chỉ số bụi PM2,5 là 993 trong đêm 12/1, trong khi chỉ số ngày 13/1 của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh là 800.
Bụi PM2,5 là loại bụi nhỏ nhất trong khí quyển. Chúng có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Chỉ số PM2,5 tại Bắc Kinh đã giảm xuống 350 trong ngày 14/1, song các trường vẫn đóng cửa và giới truyền thông vẫn khuyên người dân hạn chế ra ngoài.
(TNVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.