Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị – Xã hội » Sách giáo khoa văn học nặng tính hàn lâm

Các chuyên gia nhận định, sách giáo khoa văn phổ thông vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.

Bộ GD&ĐT vừa thông báo kết quả hội thảo khoa học quốc gia về dạy Ngữ văn ở trường phổ thông. Các chuyên gia, giảng viên Văn cho rằng, chương trình, sách giáo khoa hiện hành đã có một bước tiến so với trước đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu về kiến thức cơ bản và một phần về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Mặc dù vậy, giảng dạy Văn học ở trường phổ thông vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém. Trước tiên là chương trình chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp mờ nhạt. Các chuyên gia cho rằng, chương trình và sách giáo khoa môn văn nặng tính hàn lâm, hạn chế năng lực học sinh, nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.

Việc học văn trong trường phổ thông vẫn còn nặng tính đọc chép, kiểm tra trí nhớ mà chưa khơi dậy sự sáng tạo cho học sinh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Việc học văn trong trường phổ thông vẫn còn nặng tính đọc chép, kiểm tra trí nhớ mà chưa khơi dậy sự sáng tạo cho học sinh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Những người nghiên cứu văn chương cũng nhận định, nội dung văn học phổ thông còn nặng về lý thuyết. Rất nhiều tác phẩm đưa vào giảng dạy dù có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời quá lâu, không phù hợp với tâm lý của học sinh nên không khơi gợi được hứng thú học tập.

Được đánh giá là trung tâm của môn học, nhưng giáo viên dạy Văn chưa làm tốt vai trò của mình. Theo các chuyên gia, phương pháp dạy và kiểm tra của những giáo viên này chưa thực sự chuyển biến, nếu thay đổi thì chỉ mang tính hình thức và chưa có chiều sâu. Việc đánh giá học sinh thường xuyên trên lớp học, sử dụng kết quả đó để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy chưa được giáo viên áp dụng.

Một thực tế đáng buồn của ngành sư phạm văn là chất lượng đầu ra của sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn mặc dù điều kiện học tập ngày càng tốt. Nhiều em sau khi ra trường lúng túng trong việc dạy học bởi khoảng cách giữa việc học, thực tập ở nhà trường và thực tế quá xa. Kiến thức văn, kỹ năng nghề của sinh viên cũng ngày càng sa sút, chưa coi trọng học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

Không chỉ vậy, đội ngũ giáo viên văn phổ thông còn thụ động trong việc đáp ứng đòi hỏi của việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa do ý thức tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế.

Từ thực tế đó, các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị, cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Môn học này không những hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù như cảm thụ, thưởng thức văn học, mà còn bồi dưỡng và nâng cao vốn văn hóa cho người học thông qua những hiểu biết về ngôn ngữ và văn học. Môn này cũng góp phần giáo dục, hình thành và phát triển cho học sinh những tư tưởng, tình cảm nhân văn trong sáng, cao đẹp.

Ngoài ra, để việc dạy và học văn tốt hơn, cần thay đổi cấu trúc môn học và cách biên soạn sách giáo khoa, tuyển chọn các tác phẩm phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, phục vụ cho việc rèn luyện các kỹ năng. Cần tích hợp các mạch kiến thức lớn (văn học, tiếng Việt và Làm văn, văn hóa) trong nội bộ môn học qua trục kỹ năng.

Giáo viên, người chèo lái con thuyền học tập cần sử dụng phối hợp các phương pháp để giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành năng lực giao tiếp, trong đó bao gồm cả giao tiếp đời sống và giao tiếp nghệ thuật. “Khâu then chốt của quá trình đổi mới là phải thiết kế được một chương trình đào tạo giáo viên bảo đảm tính khoa học cao, tích hợp giữa khoa học sư phạm và khoa học cơ bản, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp”, các chuyên gia đề xuất.

(TNVN)


Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa