Tháng 2/1968, sau 9 năm thành lập, lần đầu tiên xe tăng quân ta xuất hiện trên chiến trường đã gây ra sự bất ngờ lớn cho Mỹ – Ngụy.
Kỳ 1: Trận Làng Vây – Thay đổi học thuyết xe tăng
Kỳ tích vượt Trường Sơn
Năm 1968, bước vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, lực lượng Tăng – Thiết giáp lần đầu tiên ra trận sau gần 10 năm ra đời (5/10/1959, Binh chủng Tăng – Thiết giáp ra đời với sự kiện Trung đoàn xe tăng 202 được thành lập).
Ngày 5/8/1967, Tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203 được lệnh vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn 198 gồm 2 đại đội (đại đội 3 và 9) trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76.
Ngày 14/10/1967, Tiểu đoàn 198 từ Lương Sơn – Hòa Bình bắt đầu hành quân vào Nam theo đường Trường Sơn. Để đảm bảo yếu tố bất ngờ trong lần đầu tiên ra trận của các xe tăng, công tác ngụy trang trong hành quân rất được chú trọng.
Theo lời kể của Đại tá Lê Xuân Tấu, nguyên là trưởng xe 555 thuộc Đại đội 3: “Đơn vị di chuyển chủ yếu vào ban đêm bằng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương, các trưởng xe phải đi bộ trước mũi xe, khoác dù trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi phủ lên ống xả, vừa ngăn được tiếng ồn, vừa tránh bụi lửa phóng ra từ ống xả để tránh máy bay địch phát hiện”.
Không những lo đối phó với máy bay địch đánh phá, vấn đề bảo đảm kỹ thuật cũng là mối lo thường xuyên. Đường Trường Sơn địa hình phức tạp với dốc cao, suối sâu khiến máy móc bị hao mòn nhanh chóng.
Theo thiết kế, một bộ xích xe tăng chỉ cho phép chạy được từ 400-500 km đường tốt. Trong khi đó, quãng đường hành quân dài gần 1.000km. Để khắc phục, các kíp xe đã đảo xích bên phải sang bên trái và ngược lại, đồng thời, lắp xen kẽ mắt xích lành với mắt xích hỏng để đảm bảo hành quân. Tuy nhiên, sau khi tới đích, Đại đội 3 phải thay 84% bánh chịu nặng, 44% mảng xích. Còn Đại đội 9 đã thay 95% bánh chịu nặng và 80% mảng xích.
Sau 50 ngày đêm hành quân dưới bom đạn đánh phá ác liệt của địch, tiểu đoàn đã đến các điểm tập kết. Đại đội 3 vượt 813 km tập kết ở Nậm Khang, Đại đội 9 vượt 1.438 km tập kết ở ngã ba Mường Noọng, phía nam đường 9.
Vượt Trường Sơn dưới làn bom đạn địch đã khó khăn, song giữ được bí mật về sự xuất hiện của xe tăng ở chiến trường trước một đối thủ có nền khoa học kỹ thuật cao với các phương tiện trinh sát hiện đại như Mỹ thì quả là Tiểu đoàn 198 đã lập được một kỳ tích.
Thay đổi học thuyết xe tăng
Lần đầu xuất hiện tại chiến trường, đơn vị xe tăng 198 được giao nhiệm vụ hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt địch tại căn cứ Làng Vây – một tiền đồn của Khe Sanh.
Theo lý luận chiến đấu của xe tăng ở Liên Xô, khoảng cách cho phép tập kết của xe tăng đến mục tiêu gần nhất 30 km nhằm tránh tầm bắn của pháo binh địch. Tuy nhiên, về Việt Nam, để khai thác yếu tố bất ngờ, chiến sĩ xe tăng ta đã táo bạo đưa xe tăng vào cách Làng Vây 5-6 km.
Trong tập hồi ức “Theo vết xích xe tăng”, Đại tá Lê Xuân Tấu viết: “Sự sáng tạo trong vận dụng chiến thuật còn được biểu hiện ở chỗ đưa xe tăng vào chiếm lĩnh khu vực tập kết chiến đấu rất gần địch (khoảng 6km theo đường chim bay trên hướng Đại đội 3).
So với lý luận chúng tôi được học thì khoảng cách tập kết cho phép cách địch 30km. Có nghĩa là Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 đã ở vào vị trí tập kết chiến đấu trong tầm đạn pháo địch…. Có thể nói đây là sự vận dụng sáng tạo mang tính táo bạo”.
“Nếu ta không làm tốt công tác nguỵ trang giữ bí mật, để địch phát hiện thì ta khó bảo toàn được lực lượng trước khi bước vào chiến đấu. Song tiếp cận gần địch, ta có lợi thế là rút ngắn được thời gian và khoảng cách cơ động lên chiếm tuyến triển khai xung phong, hạn chế được thương vong tổn thất do hoả lực không quân, pháo binh địch đánh phá, ngăn chặn”, Đại tá Lê Xuân Tấu viết.
Khu vực tập kết là những quả đồi không có bóng cây, chỉ bạt ngàn cỏ tranh. Để giấu xe, chiến sĩ ta đã đào công sự cho xe tăng ẩn nấp rồi dùng các sọt trồng cỏ tranh được tưới nước hàng ngày để ngụy trang lên trên. Nhờ thế, hàng chục chiếc xe tăng của ta nằm chình ình trên đồi hơn chục ngày chờ giờ nổ súng mà máy bay địch bay qua bay lại hàng ngày vẫn không hay biết.
Tiêu diệt Làng Vây
Cứ điểm Làng Vây là một tiền đồn của của căn cứ Khe Sanh nằm trên đường 9. Tại đây có 4 đại đội Ngụy quân cùng với một số sĩ quan Mỹ chỉ huy, được trang bị hỏa lực rất mạnh gồm nhiều pháo cối, pháo khôn giạt ĐKZ, súng phóng lựu M-79, súng chống tăng M-72.
Trước khi ta nổ súng đánh vào Làng Vây, quân địch tăng lên 900 người do có hơn 300 lính Hoàng gia Lào bị quân ta đánh ở Huội San chạy về đây.
Về phía ta, lực lượng đánh vào Làng Vây có Trung đoàn bộ binh 24, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo và 2 đại đội đặc công cùng với Tiểu đoàn 198 mới vào chiến trường. Trận đánh bắt đầu lúc 23h30 ngày 6/2/1968.
Sau loạt đạn của pháo binh bắn chế áp mục tiêu, các mũi tiến công xông lên tấn công cửa mở từ 3 hướng. Ở hướng Tây và Nam, xe tăng lần đầu xuất hiện đã tỏ rõ giá trị đột kích của nó. Các hàng rào trước đây bộ binh phải vất vả mở bằng bộc phá thì nay chẳng khác gì mạng nhện với xe tăng. Các lô cốt hoặc bị hỏa lực của pháo từ xe tăng bắn sập hoặc bị xe lao vào húc đổ, dùng xích sắt nghiền nát.
Nhờ sức đột kích lớn của xe tăng, đến 1 giờ ngày 7/2, các cánh quân ta đánh vào đến trung tâm cứ điểm và nhanh chóng đánh chiếm nốt các khu vực còn lại. Đến sáng ngày 7/2, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Làng Vây, diệt và bắt sống toàn bộ quân Mỹ – Ngụy và Lào chốt giữ ở đây.
Trong lần đầu tham chiến, chiến thuật được bộ đội tăng của ta sử dụng là bố trí nhiều thê đội yểm trợ lẫn cho nhau. Hồi ức của Đại tá Lê Xuân Tấu viết: “Đội hình chiến đấu được xếp thành nhiều thê đội, Trung đội do tôi chỉ huy có nhiệm vụ đánh bóc vỏ vị trí tiền tiêu của địch trên điểm cao 230, được hoả lực của trung đội tiến sau yểm hộ.
Khi đại đội thực hành đột phá mở cửa thì trung đội tôi từ vị trí vừa chiếm được lệnh chi viện hoả lực cho đại đội dẫn dắt bộ binh xung phong đột phá, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm và tập trung phối hợp với hướng Đại đội tăng 9, nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy địch.
Như vậy, đội hình tiến công của Đại đội 3 và cả Đại đội 9 được tổ chức sắp xếp theo thứ tự: trung đội (hoặc xe) đánh phía trước, trung đội (hoặc xe) tiến sau chi viện hoả lực. Cách xếp đội hình chiến đấu như trên theo tôi rất cơ bản, rất hiệu quả. Đó là kinh nghiệm thành công để bộ đội thiết giáp nghiên cứu, vận dụng trong nhiều trận tiếp sau”.
Đánh giá về trận Làng Vây, Đại tá Dương Đằng Giang - Tham mưu trưởng binh chủng Tăng – Thiết giáp thời điểm đó viết: “Trận Làng Vây – trận đầu đánh thắng của bộ đội xe tăng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh vào tuyến phòng thủ rắn nhất của Mỹ-Nguỵ đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, có tính lịch sử. Trận đánh đã giải toả tư tưởng và nỗi băn khoăn về vị trí và sử dụng xe tăng trên chiến trường Việt Nam, mở ra một trang sử mới: “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng Tăng – Thiết giáp”.
(BKT)
Hiện chưa có phản hồi nào.