Trung Quốc hôm qua cử tàu tuần tra đại dương được trang bị bãi đáp trực thăng đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Xinhua đưa tin, tàu Hải Tuần 21 của Trung Quốc hôm 15/1 rời cảng căn cứ ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, để đến cái gọi là “thành phố Tam Sa” và hôm qua đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chuyến đi nhằm mục đích “tuần tra và thử nghiệm các thiết bị thông tin” dự kiến kết thúc vào ngày 19/1 với tổng hành trình khoảng 600 hải lý.Tàu Hải Tuần 21 được coi là “tàu hàng hải số 1″ của Trung Quốc, dài 93,2 m, trọng lượng rẽ nước 1.583 tấn. Tàu có tầm hoạt động 7.400 km không cần tiếp liệu, tốc độ tối đa 22 hải lý, có bãi đáp trực thăng có kích thước 21×11 mét. Tàu này vừa được phân vào biên chế của Cục An toàn Hàng hải tỉnh Hải Nam hôm 27/12 năm ngoái.
Trung Quốc mới đây công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”; tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa; phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 – 2022″ trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”, ông Nghị nhấn mạnh.
Ngoài Việt Nam, Philippines cũng “phản đối mạnh mẽ” việc Trung Quốc triển khai tàu tuần tra đến Biển Đông, trong khu vực mà Manila và Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Philippines nói việc tuần tra của Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được căng thẳng giữa hai nước bùng lên từ hồi tháng 4, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng vùng lãnh hải của Philippines cũng như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong phạm vi 200 hải lý từ thềm lục địa của nước này.
VH (VNTVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.