Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Bạn đọc » Để trẻ nghèo thoát cảnh “chết khát giữa dòng sông”

“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia giải quyết tốt vấn đề đói nghèo, nhưng để người đứng đầu Chính phủ phải đặt ra câu hỏi này thì chúng ta cần phải nghiêm túc xem lại các chính sách xã hội hiện nay. Là cường quốc về xuất khẩu gạo, thế nhưng câu hỏi của Thủ tướng lại quá đúng, quá trúng với thực tế nhiều nghịch lý. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục bằng được tình trạng trẻ nghèo “chết khát giữa dòng sông”.

Chứng kiến những điều trên, tôi viết những dòng này, mạnh dạn đề nghị Thủ tướng một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Hơn ai hết, những người làm chính sách, quản lý, điều hành, Chính phủ cần bàn bạc, tìm ra nguyên nhân tại sao một đất nước xuất khẩu gạo tầm cỡ, có quỹ lúa gạo để viện trợ các nước khác mà một bộ phận người dân của mình lại thiếu cơm ăn. Chúng ta có hàng chục chương trình, mục tiêu quốc gia hướng về người nghèo, vùng nghèo, vậy thử hỏi những chương trình đó đã đúng chưa, trúng chưa, đủ chưa, đến tận tay và làm thay đổi cuộc sống của những nhóm người yếu thế chưa? Những người có trách nhiệm hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người nghèo, hãy thử nghĩ xem nếu những em nhỏ đang thiếu cơm ăn là con em của mình thì lương tri sẽ thức tỉnh.

Hãy để nụ cười nở trên môi trẻ nghèo thật tươi.

Hãy để nụ cười nở trên môi trẻ nghèo thật tươi.

Kinh tế phát triển, số người giàu ngày càng nhiều, nhưng một bộ phận người nghèo thì nghèo hơn. Chúng ta không chỉ trông chờ việc giải quyết cái đói, cái nghèo vào công tác thiện nguyện của xã hội dù nó rất quý. Chỉ có thể giúp những người nghèo xóa nghèo, thoát nghèo bằng các chính sách căn cơ, bền vững của Nhà nước. Bởi chỉ có chính sách đủ mạnh mới tạo cơ hội cho người nghèo, giúp họ tự vươn lên, tự lập trong cuộc sống. Nhưng trong khi chờ những chính sách có hiệu quả ra đời, thiết nghĩ, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bộ Tài chính hãy xuất gạo, xuất tiền cứu tế cho người nghèo, hãy chia sẻ cái ăn, cái mặc với trẻ em, người già vùng đói. Nên coi đây là việc làm giống như dành phần cơm cho cha mẹ, con em của chính mình.

Thứ hai: Các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương cần thực hiện một cách hiệu quả, không lãng phí, thất thoát. Thực tiễn cho thấy sự thất thoát, lãng phí hoặc làm ăn không hiệu quả còn tổn thất nhiều hơn so với tham nhũng. Nếu chúng ta ngăn chặn được những tổn thất này thì thừa kinh phí xây dựng trường sở khang trang, trợ cấp cho các em bé miền núi, vùng cao đến trường học không thua kém các em ở thành phố.

Thứ ba: Cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển miền núi, vùng cao. Không chỉ là các chương trình xóa đói giảm nghèo mà cần có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng khó khăn để phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học.

Thứ tư: Việc xóa đói giảm nghèo và phát triển sẽ không thể bền vững nếu chỉ dựa vào “ngoại lực”. Nói cách khác, những chính sách xã hội, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều quan trọng là ở mỗi địa phương hoặc vùng miền cần xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, địa lý của mình. Trong đó cần chú ý xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cao tại địa phương, để người dân địa phương tự mình có thể xây dựng cuộc sống trên mảnh đất mà họ từng gắn bó. Muốn vậy, chính quyền các cấp ở mỗi địa phương không nên chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế (cho dù đây là một lĩnh vực quan trọng), mà cần chú trọng đầu tư giáo dục, y tế, quan tâm đến phát triển con người và tạo điều kiện thuận lợi cho con người phát triển.

Bạn đọc Phú Vinh


Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa