Chủ động ứng phó với mưa lũ; nâng mức trợ cấp người có công; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư; được sử dụng tạm thời một phần hè, đường để trông xe;… là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 2-6/9/2013.
Từ ngày 3/9 đến nay khu vực Bắc Bộ đã có mưa lớn. Một số tỉnh miền núi đã xảy ra lũ quét như: Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện tại các khu vực này vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Để chủ động đối phó với mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu UBND các tỉnh miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; chỉ đạo rà soát các khu dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp để chủ động phòng tránh, ứng phó. Vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, vùng hạ du các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố phải khẩn trương sơ tán dân.
Các tỉnh xảy ra lũ quét vừa qua cần tiếp tục chủ động mọi lực lượng cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ mai táng người chết, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn những khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn.
Nâng mức trợ cấp người có công
Chính phủ ban hành Nghị định 101/2013/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng, thay vì mức 1.110.000 đồng như tại Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện nay.
Cùng với việc nâng mức chuẩn, Nghị định 101/2013/NĐ-CP cũng nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư
Theo Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, định kỳ hằng quý phải rà soát, phân loại các dự án ĐTNN để có hướng xử lý thích hợp đối với những dự án có khó khăn.
Bên cạnh đó, các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án ĐTNN trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý dự án ĐTNN của các cơ quan cấp GCNĐT để chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép, tập trung vào các nội dung: Việc tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình tiếp nhận Hồ sơ, thẩm tra, cấp phép; việc quy định các ưu đãi đối với các dự án; việc thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau cấp phép,…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lý chuyên ngành cùng các cơ quan cấp GCNĐT tăng cường phối hợp, rà soát, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án ĐTNN, đặc biệt lưu ý các dự án thuộc các nhóm: Có quy mô lớn; chiếm diện tích đất lớn; dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án tiêu tốn năng lượng; các dự án nhạy cảm khác…
Được sử dụng tạm thời một phần hè, đường để trông xe
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bổ sung quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe.
Cụ thể, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Vị trí hè phố, lòng đường được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: 1- Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; 2- Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cho một chiều đi; 3- Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét.
Nghị định giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường đến năm 2023; quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường.
Tăng chế tài xử lý hành vi xâm hại an toàn của khách du lịch
Tại chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đề xuất, xây dựng thống nhất mô hình cơ quan quản lý các điểm, khu du lịch.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch; đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt.
Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, trước mắt tập trung chỉ đạo các lực lượng có liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; chỉ đạo công an cửa khẩu phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, tổ chức các lớp tập huấn “nụ cười thân thiện”.
Không bổ sung thêm các KKT cửa khẩu vào quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo Quyết định, trong giai đoạn 2013-2020, không bổ sung thêm các KKT cửa khẩu vào quy hoạch và chưa xem xét thành lập mới các KKT cửa khẩu đã có trong quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008.
Bên cạnh đó, sáp nhập 3 KKT cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang thuộc tỉnh Cao Bằng đã được áp dụng cơ chế, chính sách theo Quyết định số 83/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ thành Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng để tạo thuận lợi trong quản lý và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đúng tiêu chí và điều kiện “bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian” theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021-2030, chỉ xem xét thành lập các KKT cửa khẩu đã có trong quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Theo cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu đất được bố trí tái định cư theo Quy định này, nếu nhận đất ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền bằng với khoản chênh lệch đó.
Quyết định cũng quy định cụ thể đối tượng hỗ trợ, đơn giá, diện tích cho suất tái định cư tối thiểu. Trong đó, diện tích hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho hộ gia đình, cá nhân được bố trí 1 nền tái định cư là 200 m2.
Vi phạm về sở hữu công nghiệp, phạt tới 500 triệu đồng
Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ (vì mục đích kinh doanh) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 2-250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3 triệu đến trên 500 triệu đồng.
Khen thưởng thầy, cô giáo, học sinh tham dự Olympic
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh và đánh giá cao thành tích đã đạt được của học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2013. Đây là niềm tự hào của nước ta và là nguồn động viên, khích lệ đối với học sinh trong cả nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hình thức khen thưởng thích hợp, đồng thời sớm tổ chức lễ tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và học sinh đạt thành tích xuất xắc trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và Hội thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế năm 2013.
(Chính phủ)