Thực tế cho thấy, phần đông sinh viên sau khi vào học bày tỏ thái độ chán nản, không thỏa mãn với ngành nghề đã chọn. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là bởi học sinh không tìm hiểu ngành nghề kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ; thêm vào đó, công tác hướng nghiệp tuyển sinh tại các nhà trường hiện chưa được chú ý một cách đầy đủ.
Chán nản do chọn sai ngành
Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học (ĐH) chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn với nghề đã chọn, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau… Kết quả này cho thấy có nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.
Những sai lầm chủ quan trong việc lựa chọn ngành học thường bắt đầu từ quan niệm mang nặng tính thực dụng. Ngành này có dễ xin việc làm, có thu nhập cao, có được làm việc ở thành phố hay không.
Sai lầm có thể đến với người chọn nghề theo truyền thống gia đình, theo sự thành đạt của người thân, theo sự rủ rê của bạn bè… mà không quan tâm đến sự phù hợp của nghề đối với năng lực, nguyện vọng bản thân. Thậm chí, nhiều thí sinh không tự chọn ngành, chọn nghề để đăng ký thi ĐH mà người lựa chọn, người làm hồ sơ chính là bố mẹ của thí sinh.
Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa là chọn nghề hời hợt theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Nhiều học sinh đến năm lớp 12 vẫn chưa tìm hiểu và chưa quyết định chọn nghề. Bởi vậy, trong ngày 11/4 – ngày cuối cùng nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ 2013 tại các Sở GD-ĐT vừa qua, có khá nhiều thí sinh nộp 4, 5 bộ hồ sơ, thậm chí có người đã nộp 9-13 bộ để “chống trượt”.
Việc chọn sai nghề khiến bản thân khó phát huy năng lực, giảm năng suất và hiệu quả lao động, từ đó dẫn tới tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin, mất dần động lực làm việc.
Lúc ấy, nếu muốn bắt đầu với nghề khác thì phải chịu tốn kém, mất thời gian học nghề mới… Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại, năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức (có nhiều người bỏ nghề, chuyển nghề)…
Dự báo, hướng nghiệp chưa thiết thực
Một thực tế là khá nhiều học sinh đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lĩnh vực nghề nghiệp nào mà mình sẽ theo đuổi. Những học sinh này khá thụ động và chỉ biết lao vào ôn luyện với mục đích vượt qua các kỳ thi chứ không tập trung tìm hiểu những ngành nghề nào phù hợp với mình. Thậm chí, có nhiều sinh viên sau khi đã theo học ĐH, CĐ được 4,5 năm vẫn không hiểu được mục đích và ý nghĩa đào tạo, dẫn tới tâm lý chán nản, mệt mỏi.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề thí sinh cần tìm lời giải nhất đối với các chuyên gia tư vấn là liệu những ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng cá nhân có đồng nghĩa với việc kiếm được việc làm đảm bảo thu nhập sau này. Vì thế, để lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp, thí sinh cần xem bản thân thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khỏe mình ra sao… sau đó mới đi tìm kiếm loại công việc và lựa chọn một cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình muốn.
Thêm một nguyên nhân cơ bản dẫn đến chọn sai nghề là công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường học hiện còn thiếu hiệu quả. Nhìn chung, công tác hướng nghiệp hiện nay chủ yếu được thực hiện dưới hai hình thức cơ bản: Thông tin tuyên truyền nghề nghiệp dưới dạng các ngày hội tư vấn hướng nghiệp, mà thực chất là hoạt động quảng bá của các trường nhằm thu hút học sinh theo học; thứ hai là hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông. Thực tế hiện nay, các trường THPT, THCS ít quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác hướng nghiệp.
Hoạt động chủ yếu là tổ chức giảng dạy môn giáo dục hướng nghiệp và một số chương trình hướng nghiệp theo yêu cầu năm học hơn là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, do đó chất lượng hướng nghiệp không cao, thậm chí gây rối thêm cho học sinh khi chọn nghề. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ gần như dừng lại ở giới thiệu khung chương trình, mục tiêu đào tạo khô cứng, thiếu thông tin trong khi cần phải xây dựng một hệ thống họa đồ sinh động về nghề nghiệp thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường.
Thực tế cho thấy, các thí sinh đã thu được rất nhiều thông tin cần thiết thông qua các ngày lễ hướng nghiệp do các trường ĐH, CĐ hoặc các tổ chức dành cho thanh niên tổ chức. Bởi thông qua những ngày này, thí sinh có thể tham quan, giao lưu và tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực cũng như ngành nghề đào tạo của các trường ĐH, CĐ. Đặc biêt, một số ngày hội có sự tham gia của các cựu sinh viên, các thủ khoa… nên tính thiết thực và giao lưu thực tế rất cao. Nhờ những chia sẻ, giải đáp cụ thể mà nhiều thí sinh có thể tìm được những chuyên ngành phù hợp với bản thân và hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của nghề mình lựa chọn.
(BNLMO)
-
Lịch thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH – CĐ 2013
- 11/04/2013
-
Trượt đại học không phải là dấu chấm hết
- 11/04/2013
-
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Chỉ có 1 điểm sàn?
- 10/04/2013
-
Đề thi đại học 2013 có quá khó?
- 10/04/2013
-
Bộ GD-ĐT “tiết lộ” cách thức điều chỉnh điểm sàn năm 2013
- 08/04/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.