“Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần 2 đưa ra phương án trở lại cách đặt tên nước Bác Hồ đã đặt trước đây là tôn trọng lịch sử và tôn trọng thực tiễn nguyện vọng quần chúng” – GS Sử học Lê Mậu Hãn thẳng thắn bày tỏ.
GS. Lê Mậu Hãn cho biết, thời gian qua, cá nhân ông dành nhiều quan tâm và tham gia góp ý nhiều nội dung trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại các hội nghị do TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Trong thời gian 3 tháng lấy ý kiến, ông đã được thông tin về những đề xuất lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mới đây, sau đề xuất lấy lại tên nước “từ thời cụ Hồ”, ông cũng nghe được những ý kiến từ những cuộc trao đổi trên đường, trong cuộc sống thường nhật.
GS. Lê Mậu Hãn nêu quan điểm, tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp với thực tiễn Việt Nam, ngay cả ở thời điểm hiện tại và giàu ý nghĩa đối với một dân tộc có lịch sử ngàn năm văn hiến, có quá trình đấu tranh anh dũng suốt mấy chục năm chống thực dân Pháp, lật đổ ách đô hộ đó để lập nên nhà nước độc lập. Chữ “dân chủ” trong tên nước vì vậy được đặt đúng nghĩa là nhà nước của nhân dân.
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự công bố chính thức lần đầu tiên với toàn thế giới và Tuyên ngôn độc lập Bác đọc khi đó khẳng định công lý, lẽ phải của thực tiễn Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Điều đó buộc các nước khác không thể không công nhận” – ông Hãn nêu bật ý nghĩa.
Chế độ Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Dân chủ Cộng hòa, GS. Hãn khẳng định, là kết quả do sự kiện lịch sử cách mạng tạo nên, phù hợp xu thế, phù hợp nguyện vọng, mục tiêu của toàn dân tộc. Cụ thể, tư tưởng độc lập tự do là nội dung cốt lõi của tinh thần dân tộc, qua sự thể hiện này. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng độc lập tự do không chỉ là đấu tranh giải phóng dân tộc mà phải xác định con đường phát triển theo hướng giải phóng con người khỏi bóc lột. Đó là lý do Bác đã chọn con đường duy nhất phù hợp là tiến lên CNXH. Theo đó, cả nước đã xác định 3 chặng đường chiến lược phải thực hiện là giải phóng dân tộc, hoàn thành thể chế dân chủ, xây dựng thành công CNXH.
Vị GS Sử học nhìn nhận, con đường xây dựng CNXH, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là con đường lâu dài. Thời kỳ quá độ lên CNXH cũng rất lâu dài. Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu quá trình đó và sẽ còn gặp nhiều trắc trở hơn nữa. Tại Việt Nam chưa có CNXH thật sự. Khi nào chế độ kinh tế không còn sơ sở cho việc người bóc lột người thì mới là xã hội như tuyên ngôn mà Đảng Cộng sản đề cập. Và sự thực, các nước đi theo con đường này cũng chưa nước nào đạt được “đích” đến đó, tất cả đều ở thời kỳ quá độ.
“Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần 2 đưa ra phương án trở lại cách đặt tên nước Bác Hồ đã đặt trước đây là tôn trọng lịch sử và tôn trọng thực tiễn nguyện vọng quần chúng. Tôi cảm thấy dường như đông đảo người dân cũng mong muốn tên nước đó” – ông Hãn nhấn mạnh.
Trở lại lần đổi tên nước thành Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 1976), GS Lê Mậu Hãn cho rằng, đó là vì bối cảnh cả nước trong tư tưởng tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH.
Ông Hãn nhấn mạnh, tư tưởng xây dựng CNXH trong suốt lịch sử cách mạng của đất nước vẫn giữ nguyên như Bác Hồ từng nói. Nhưng con đường đó còn rất lâu dài. Và việc giữ tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không có gì gọi là rời xa khuynh hướng XHCN.
“Chế độ Cộng hòa Dân chủ đã được người dân đón nhận, tôn trọng, người dân sẽ bảo vệ đến cùng – như đã bảo vệ nhà nước do Cụ Hồ sáng lập, đi theo từ những ngày đầu, đã đấu tranh và chấp nhận hi sinh cả tài sản, tính mạng… để bảo vệ. Vậy nên phải dựa vào nguyện vọng toàn dân, đáp ứng cho đúng, bởi điểm nào thuyết phục thì người dân sẽ theo” – ông Hãn lập luận.
Vị GS Sử học cũng bày tỏ tiếp: “Tôi thấy các đại biểu Quốc hội và bản thân cũng cảm nhận được nguyện vọng tha thiết của quần chúng làm thế nào có một xã hội ổn định. Và trong điều kiện này, trở lại cái tên vẫn đang có giá trị thực tiễn là đúng đắn. Khi căn cứ hiện thực là mức độ phát triển đã đạt đến XHCN chưa có, đặt lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ phù hợp thực tiễn. Đó sẽ là bàn đạp để cả dân tộc tiến lên”.
Với những lập luận đó, ông Hãn thẳng thắn cho rằng, nói việc lấy lại tên nước làm thụt lùi lại lịch sử là không hiểu thấu đáo lịch sử và hơi chủ quan. Tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đúng với nội dung thể chế mà Bác Hồ đưa ra và đặt vấn đề trên đúng cơ sở thực tiễn mới là hướng suy nghĩ biện chứng, không vội vàng, hợp logic lịch sử.
(BDT)
-
Biểu hiện đặc sắc bản chất cách mạng của quân đội Việt Nam
- 13/04/2013
-
Sửa đổi Hiến pháp 1992: Đề xuất phương án mới về tên nước
- 13/04/2013
-
Trình bản mới dự thảo Hiến pháp
- 08/04/2013
-
Họp Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
- 03/04/2013
-
Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992: “Gửi các tiến sĩ giấy”
- 03/04/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.