Ở Sơn La xuất hiện một “siêu dị nhân” cao thủ hơn cả “dị nhân đuổi mưa” ở Hà Nội. Không hiểu vì sao, mấy năm nay, nước ta xuất hiện rất nhiều “dị nhân” siêu cao thủ hơn cả người nhện, dị nhân trong phim Mỹ.
Những dị nhân trong phim viễn tưởng của Mỹ cũng không thể có khả năng hô mưa, gọi gió, đẩy đuổi cơn bão ra khỏi Biển Đông.
Năm 2010, dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cả nước được phen chấn động bởi xuất hiện siêu nhân có tài “hô phong, hoán vũ”. “Siêu dị nhân” này là ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nhà nghiên cứu hẳn hoi.
Nhưng ít ai biết rằng, trước đó, ở thị trấn Nông Trường, thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La), đã có một “siêu dị nhân”, còn cao thủ hơn cả “dị nhân đuổi mưa” ở Hà Nội.
Bao năm qua, “dị nhân” này sống ở trên núi, nhưng vẫn âm thầm làm công việc mang tầm cỡ vũ trụ, ấy là hô mưa, đuổi bão, chặn nước biển dâng, cứu nhân dân không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới thoát khỏi nguy cơ tận thế.
Đầu năm nay, bị vợ bỏ, dị nhân này chán nản, đã trở về quê nhà Hà Nội, để tiếp tục công việc cứu loài người của mình.
Nhận được thông tin từ một chuyên gia nghiên cứu các hiện tượng lạ, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, về một “siêu dị nhân” mới xuất hiện, tôi đã liên lạc ngay với “dị nhân” này.
Tôi gọi điện liên lạc trước, bởi biết đâu “dị nhân” này lại đến vùng đất hạn hán nào đó để gọi mưa, hay ra bãi biển đuổi bão, thì chuyến đi công cốc.
Giới thiệu là phóng viên, tìm hiểu về tài hô phong hoán vũ, anh đề nghị tôi gặp Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu và lãnh đạo cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rồi hãy xuống gặp anh.
Tôi đang thắc mắc không hiểu tại sao lại phải làm thế, chẳng lẽ anh là vật báu thuộc sự sở hữu của hai cơ quan này, ai muốn tiếp cận thì phải thông qua, thì anh giải thích: “Tôi biết các anh phóng viên là hay nghi ngờ, vặn vẹo lắm, nên tôi đề nghị tìm hiểu về tôi trước khi gặp trực tiếp.
Các anh gặp lãnh đạo hai cơ quan này, sẽ được xem đề tài nghiên cứu của tôi, và sẽ được họ kể cho nghe khả năng xuất chúng của tôi. Lúc đó, gặp tôi, các anh mới có niềm tin chắc chắn về khả năng của tôi”.
Tuy nhiên, tôi từ chối đến hai cơ quan này, và muốn gặp anh trước. Đôi co vài câu, thì anh cũng hẹn vào sáng hôm sau. Kết thúc cuộc hẹn hò vài phút, tôi nhận được tin nhắn: “Nếu chú về thì báo cáo với sếp là cho anh xin ít tiền cung cấp thông tin, vì anh không còn tiền ăn nhé”.
Đường vào thôn Phúc Khê (Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) chật chội. Nhà cửa san sát. Hỏi nhà anh Lê Minh Hoàng, ai cũng bụm miệng cười.
Căn nhà cổ cũ nát trống hơ trống hoác, chẳng có cửa rả gì, cũng không có vật dụng đáng giá.
Anh hàng xóm thấy có khách lạ, liền tìm sang. Anh bảo: “Ngôi nhà này vốn là nhà cổ, hơn trăm năm rồi. Đời trước cũng thuộc hàng địa chủ, giàu lắm mới có nhà xây thế này đấy”.
Chúng tôi đứng sân gọi, thì có một người phụ nữ đi ra. Chị bảo: “Nhà chú Hoàng dưới kia cơ mà”.
Hóa ra, nhà của “dị nhân” Lê Minh là căn bếp nát bươm của ngôi nhà cổ nát nhất làng Phúc Khê.
Trong nhà, có cậu thanh niên khá bảnh trai, hiền lành đang ngồi ăn cơm. Cháu giới thiệu là Lê Đức Việt Anh, là con trai của bố Hoàng, hiện đang học lớp 10.
Bố của Việt Anh đi ăn nhà mới làng bên, và dặn con trai khi nào có nhà báo đến thì điện thoại cho bố về.
Vừa gặp phóng viên, “dị nhân” Lê Minh Hoàng không vào chuyên môn của mình ngay, mà than thở về cái nghèo.
Anh Hoàng bảo: “Vì đại sự quốc gia mà mình phải nghèo, phải khổ thế này đây nhà báo ạ. Mình khẳng định là giờ bố con mình nghèo nhất làng, nhất nước.
Có thầy giáo ngồi đây (anh hàng xóm tiếp chúng tôi là thầy giáo – PV), mình nói thật lòng là mấy năm nay mình không có nổi xu nào đóng tiền học phí cho con.
Bạn nhìn xem, mình về Hà Nội là để chuyên tâm vào đề tài mời mưa, đuổi bão, nhưng thời gian nghiên cứu chiếm hết thời gian làm việc, nên không có tiền. Gạo mình đi vay hàng xóm, nước đi xin hàng xóm, còn tiền đóng học cho con thì phải nợ”.
Thấy “dị nhân” mải tâm sự chuyện tiền nong, tôi bảo: “Chẳng cơ quan báo chí nào cấp kinh phí cho anh đâu. Tuy nhiên, em sẽ trả công cấp tin đầy đủ”.
“Dị nhân” Lê Minh Hoàng sinh năm 1967, tại làng Phúc Khê. Bố mẹ sinh được tới 8 anh em. Anh Hoàng là con thứ 6.
Theo anh Hoàng, cả 8 anh em đều làm nông nghiệp và đều nghèo nhất nhì huyện Mỹ Đức. Chán cảnh nghèo khổ, vợ chồng Lê Minh Hoàng quyết vay vốn đi buôn.
Thế nhưng, chuyện buôn bán vỡ nợ, nên gia đình tan đàn xẻ nghé. Năm 1999, người vợ bỏ vào Nam trốn nợ, lấy chồng khác, không về nữa. Mình anh Hoàng phải nuôi con đến nay.
Năm 2002, anh Hoàng bỏ nhà lên Mộc Châu rồi lấy tiếp vợ nữa trên vùng thảo nguyên này. Hai vợ chồng chí thú làm ăn, nên kinh tế cũng không quá nỗi. Thế nhưng, người vợ này cũng đã rũ bỏ anh.
Anh Hoàng kể: “Trước đây mình làm mộc cũng có đồng ra đồng vào đưa cho vợ, nên vợ chồng vui vẻ, tình cảm lắm. Nhưng mấy năm nay, mình mải giúp nhân dân cả nước, nên chểnh mảng công việc thợ mộc, chẳng đưa cho vợ được đồng nào.
Hễ kiếm được tiền mình lại lên TP. Sơn La, hoặc về Hà Nội để gặp gỡ lãnh đạo, đề xuất được mời mưa cứu hạn giúp nông dân, giúp các đập thủy điện tránh khô hạn, nhân dân không phải chịu cảnh mất điện. Đó là lý do mình bị vợ bỏ.
Mong nhà báo nói rõ điều này để vợ mình hiểu và Tòa án Mộc Châu, Tòa án Sơn La, Tòa án Tối cao tìm mọi cách giúp vợ chồng mình đoàn tụ, chứ chia lìa thế này mình khổ lắm!”.
(BVTC)
-
Cười nghiêng ngả với bài thơ ‘lạ’ tả bà
- 19/04/2013
-
Một nam thanh niên đột tử vì… nhảy Gangnam Style
- 19/04/2013
-
Chuyện lạ lùng về ‘cây chuối cô đơn’ dùng chữa bệnh
- 19/04/2013
-
Mộ Tần Thủy Hoàng: Bí mật vẫn bao trùm
- 19/04/2013
-
Phát hiện căn bệnh “xương ma” quỷ quái
- 19/04/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.