Ở vùng núi Thất Sơn bấy lâu nay, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tin rằng, Công chúa Ngọc Hân đã lẩn trốn về phương Nam sinh sống cho đến cuối đời.
Ở vùng núi Thất Sơn bấy lâu nay, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tin rằng, Công chúa Ngọc Hân – Vợ Vua Quang Trung đã đào thoát khỏi cuộc trả thù khủng khiếp của Vua Gia Long, lẩn trốn về phương Nam sinh sống cho đến cuối đời. Hiện ở ấp An Bình, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vẫn còn di tích ngôi mộ Công chúa Ngọc Hân. Nếu thông tin này đúng, chắc chắn các nhà sử học sẽ phải tốn nhiều công sức để minh chứng sự thật trên.
Ấn chỉ kỳ bì trên bàn tay những người nữ thủ từ
Lần theo thông tin có được, từ TP HCM, chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến cù lao huyện Chợ Mới để tìm ngôi mộ được cho là di tích của Công chúa Ngọc Hân. Dù đã được hướng dẫn tỉ mỉ nhưng chúng tôi vẫn phải hỏi thăm rất nhiều người dân địa phương. Người dân ở đây hoàn toàn không biết gì về “ngôi mộ Công chúa Ngọc Hân”. Nơi đây, nhiều người không thích đọc và tìm hiểu về lịch sử. Họ chỉ biết lịch sử thông qua các tuồng tích cải lương, phim truyền hình hoặc chuyện kể truyền miệng. Và họ biết về Công chúa Ngọc Hân qua một số tuồng cải lương nhắc đến tích của Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Khi chúng tôi hỏi về một ngôi mộ táng không đắp nấm, họ ngớ người rồi cho biết, đó là mộ Bà, dân quanh vùng quen gọi là “mộ Bà Cái Nai”. Không ai biết “Bà” là ai. Vì ngôi mộ nằm ven con sông Cái Nai nên người ta gọi như thế. Không ai tin đó là mộ của Công chúa Ngọc Hân – vợ Vua Quang Trung.
Chúng tôi men theo đường nhỏ quanh co uốn lượn theo con sông Cái Nai đi sâu vào một cụm dân cư quạnh quẽ.
Đó là một ngôi mộ táng không đắp nấm nằm trong khuôn viên một công trình kiến trúc kiểu mái đình. Trên chiếc cổng nhỏ xây bằng xi măng ghi rõ “mộ Bà”. Ngôi mộ nằm sát tường rào, không đắp nấm. Chúng tôi từng thăm viếng những ngôi mộ không đắp nấm như: Mộ Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên – Giáo chủ sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương; mộ Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi – Giáo chủ sáng lập giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa; mộ Đức Phật Trùm Tà Puol…
Những vị này đều có liên quan đến thuyết duy linh “tứ ân, vô tượng” mà người khởi xướng là Đức Phật thầy Tây An. Di tích ngôi mộ của Đức Phật thầy Tây An vẫn hiện diện tại Tây An Cổ tự dưới chân núi Sam, Châu Đốc. Ngôi mộ Bà không đắp nấm, chứng tỏ người quá cố có liên quan đến tín ngưỡng Bửu Sơn Kỳ Hương.
Một bà lão ngoài 80 tuổi, sinh sống gần khu mộ, không muốn nêu tên vì ngại đụng chạm đến tín đồ cho biết: “Ngày xưa, ngôi mộ chỉ có tấm bia sơn màu đỏ, nằm chơi vơi giữa một thửa đất không địa bạ. Tấm bia không có ghi gì cả. Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương là vậy. Sau ngôi mộ là cái am nhỏ thờ Bà. Thời đó, nơi đây hoang vu vắng vẻ lắm. Lúc tui mới 9, 10 tuổi thì thấy có người đóng hàng rào bằng cây bao bọc khu mộ. Năm 1972, ngôi phủ thờ được xây lớn, tồn tại đến ngày nay”.
Chánh điện bày trí như một ngôi chùa chia thành 5 gian thờ. Đặc biệt, tại bàn thờ chính có một tấm bài vị màu điều ghi những dòng chữ Hán: Hoàng Lê đường – Cung thỉnh – Hoàng phủ chi – Lê phủ vị. Có nghĩa là: Nhà thờ họ Hoàng – Lê. Cung kính thỉnh linh vị Hoàng phủ, Lê phủ. Ở hai bên có thêm hai hàng chữ nhỏ: Hoàng đường phước huệ do tiên trạch – Lê phủ chi phái khải hậu nhân. Có nghĩa là: Phước huệ họ Hoàng do nơi ân đức cũ. Chi phái phủ Lê mở lối cho người sau. Nếu chỉ căn cứ vào tấm bài vị này thì người nằm dưới mộ kia họ Lê, trùng khớp với họ của Công chúa Ngọc Hân. Họ Hoàng ở đây có thể hiểu là “họ hoàng tộc”?
Phía cánh trái ngôi chánh điện có một nhóm mộ tháp của nhiều đời thủ từ phần mộ Bà. Điều lạ là tất cả những người thủ từ đều là phụ nữ. Theo truyền thuyết chúng tôi được nghe thì người thủ từ đầu tiên là Công chúa Nguyễn Thị Quang Ngọc, con gái của Vua Quang Trung và Công chúa Ngọc Hân?
Những bô lão quanh vùng không biết mộ Bà có liên quan gì đến Công chúa Ngọc Hân hay không nhưng họ khẳng định những người thủ từ đời trước có một quyền năng rất lạ. Khi người thủ từ cũ già yếu, qua đời, tự dưng sẽ có một người phụ nữ lạ ở nơi khác, không chồng con, tự đến xin làm thủ từ. Khi mới đến, họ chẳng có gì khác biệt nhưng làm thủ từ một thời gian, họ sẽ có một ấn chỉ hình con gà trên lòng bàn tay. Dùng bàn tay này vuốt bàn tay kia, ấn chỉ sẽ xuất hiện. Họ không giải thích được vì sao những người thủ từ bây giờ không có được ấn chỉ đó. Theo họ, đó là linh ấn(?).
Hồi bà Tám thủ từ còn sống, ai bị mắc xương cổ chỉ cần đến nhờ bà dùng bàn tay có linh ấn vuốt nhẹ là khỏi. Bàn tay có linh ấn của bà Tám có thể trị được các bệnh thông thường như cảm, sổ mũi, bong gân, gãy xương tay chân. Chỉ cần bà dùng tay vuốt là hết. Bà Tám qua đời năm 1984, thọ 88 tuổi.
Có phải mộ Công chúa Ngọc Hân?
Chúng tôi vào phủ thờ gặp người thủ từ. Người thủ từ là một phụ nữ ngoài 50 tuổi, mặc bà ba đen, tự giới thiệu là “cô Ba”. Cô Ba tỏ ra khá e dè trong cuộc trò chuyện liên quan đến sự tích ngôi mộ Bà.
Cô Ba cho biết, hiện tại, ngôi phủ thờ và ngôi mộ được “đồng đạo” của Phật giáo Hòa Hảo bảo quản, cúng tế. Cô Ba cũng là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Tuy không có chứng cứ nào nhưng cô Ba khẳng định, phần mộ này là của mẹ ruột đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, không liên quan gì đến Công chúa Ngọc Hân. Cô Ba cho biết: “Cách đây vài năm, tự dưng có một nhóm người xưng là con cháu hoàng tộc đến bảo ngôi mộ này là của Công chúa Ngọc Hân. Họ xin được nhận bảo quản mộ. Họ bảo, căn cứ vào chứng cứ trong quyển sách “Theo dấu người xưa” của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tui chưa từng thấy quyển sách đó. Sau đó không thấy họ đến nữa. Tui chỉ biết vậy, nói vậy”. Cuộc trò chuyện không thoải mái khiến chúng tôi không có thêm được thông tin gì từ cô Ba.
Chúng tôi xin phép cô Ba chụp ảnh nhiều chi tiết ngôi mộ và phủ thờ rồi đi Tri Tôn tìm đến Tổ đình Tứ Ân Hiếu Nghĩa: Chùa Phi Lai. Tổ đình là cách gọi nơi Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có tên gọi khác là “đạo lành” bởi chủ thuyết của họ là “Tu đâu cho bằng chu tu/ Làm lành, lánh dữ ấy là chân tu”. Chùa Phi Lai nằm dưới chân núi Dài, cạnh ngôi đình Phi Lai và cạnh di tích Ponpot xâm phạm biên giới nước ta giết hại hàng ngàn người dân vào năm 1977.
Cũng giống như cô Ba ở mộ Bà, những người thủ từ ở đây cũng tỏ ra e ngại khi được hỏi về tiểu sử ngôi mộ Bà. Họ cũng xác nhận có một tập sách in mang tựa “Theo dấu người xưa” nhưng không lưu giữ.
Tưởng chừng việc tìm hiểu về ngôi mộ Bà đi vào ngõ cụt, chúng tôi thất vọng quay về. Bất ngờ, khi ghé vào một quán giải khát không tên gần chùa Phi Lai, chủ quán là một phụ nữ đứng tuổi vui tính, tiết lộ: “Tôi không có tập sách ấy nhưng tôi biết địa chỉ tác giả. Ông ta là thầy thuốc Đông y cổ truyền cư ngụ ở Gò Vấp”.
Chúng tôi tức tốc trở về TP HCM tìm đến địa chỉ của tác giả tập sách “Theo dấu người xưa”.
Đào đất địa Trần Hữu Thành và tập sách khảo cứu
Không ngờ, đó là một cơ sở chẩn trị Đông y ở đường Cây Trâm thuộc quận Gò Vấp, TP HCM rất nổi tiếng về phương pháp châm cứu bằng nhang.
Tại gian tiền sảnh, chúng tôi bắt gặp ngay biểu tượng Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa: Bức chân dung của Đức Phật thầy Tây An và Cử Đa Phật.
Tại phòng khám, một người phụ nữ đang thăm mạch cho bệnh nhân tự giới thiệu là vợ của lương y Trần Hữu Thành. Bà cũng là lương y. Trước khi đưa chúng tôi vào phòng khách của gia đình, bà vui vẻ báo 2 tin… buồn: Ông Thành bị tai biến não, trí nhớ suy giảm trầm trọng và bà không biết gì về công việc sưu tầm của ông cũng như hoàn toàn mù tịt về giáo phái ông theo.
Ông Trần Hữu Thành đi đứng và phát âm rất khó nhọc. Ông phải cố 1 phút mới nói trọn vẹn một câu gần như vô nghĩa. Trò chuyện với ông suốt 4 giờ, chúng tôi chỉ nhận được nội dung: Đào Đất Địa là tên đạo của ông. Ông đã bỏ công sưu tầm suốt gần 10 năm mới hoàn thành quyển sách khảo cứu “Theo dấu người xưa” để giới thiệu phát tích giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông đã lặn lội sang tận núi Tà Lơn để tìm dấu tích tiền nhân. Ông là cháu nhiều đời của họ Trần. Ông không còn lưu bản nào của quyển “Theo dấu người xưa”. Sau khi quyển sách hoàn thành, ông bị tai biến não và bây giờ không còn nhớ gì cả.
Kết thúc buổi trò chuyện không đầu đuôi, ông an ủi sự thất vọng của chúng tôi bằng một mảnh giấy ghi địa chỉ ông Bảy Thảo ở ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hy vọng nơi đó còn lưu bản photo.
Chúng tôi trở ngược lại An Giang tìm ông Bảy Thảo và có được quyển photo “Theo dấu người xưa”. Quyển sách không đăng ký xuất bản, dưới bìa 1 có ghi dòng chữ “lưu hành nội bộ”. Tổng lược nội dung thì quyển sách là một công tình nghiên cứu công phu của tác giả. Rất nhiều chi tiết liên quan đến lịch sử hình thành giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Tuy nhiên, tác giả nghiêng về cứ liệu tâm linh nhiều hơn cứ liệu khoa học nên quyển sách mất giá trị về mặt khảo cứu. Nhiều chi tiết viết về di tích, tác giả dựa vào lời… lên đồng nhập cốt để khẳng định tính xác thực. Tại một chương trong sách, tác giả nêu giả thuyết: Mộ Bà Cái Nai chính là mộ Công chúa Ngọc Hân. Còn ngôi mộ ở làng Phù Ninh bị Thiệu Trị khai quật phá bỏ chỉ là mộ giả.
Trong sách, ông Trần Hữu Thành nêu giả thuyết: Năm Bính Ngọ, 1786, Vua Hiển Tông gả con gái thứ 21 là Công chúa Lê Ngọc Hân cho Chúa Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi đã ra lệnh tru di dòng dõi Nguyễn Huệ nhưng có ý định bắt bà Ngọc Hân làm thứ phi. Vì thủ tiết với chồng, bà đã nhờ một người cung nữ là em nuôi, rất giống bà tên là Trần Thị Minh (hoặc Ngọc Minh) thay bà trá hôn, để chiều lòng Gia Long, tìm cách cứu hai con hiện đang bị giam giữ. Sau đó bà đã trốn về quê mẹ là làng Phù Ninh, giả chết, lập mộ ở đó, rồi bí mật cùng hai con gồm 1 trai, 1 gái trốn vào miền Nam đến Cái Nai ẩn cư. Người con trai tên là Nguyễn Quang Mục đổi tên thành Đoàn Minh Huyên, tức Phật thầy Tây An(?) và người con gái tên Nguyễn Thị Bảo Dục (hoặc Dục Bảo), sau đổi tên thành Trần Thị Ngọc (hoặc Trần Thị Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Ngọc).
Chúng tôi tiếp tục rời An Giang đi tìm chứng cứ liên quan đến những huyền bí về ngôi mộ thờ Công chúa Ngọc Hân.
(BKTO)
-
Thực hư chuyện ngoại tình của Huyền Trân công chúa
- 17/04/2013
-
Phát hiện thư tịch cổ ngoại giao Việt Nam ở Nhật Bản
- 15/04/2013
-
Nguyễn Ánh lợi dụng “mỹ nhân”… chiếm thành Sài Gòn như thế nào?
- 15/04/2013
-
Hé lộ “thần hộ mệnh” ba đời nhà Mạc
- 14/04/2013
-
“Xót” tình kỹ nữ – tiến sĩ chấn động Việt Nam một thời
- 14/04/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.