Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị » Phát hiện thư tịch cổ ngoại giao Việt Nam ở Nhật Bản

Theo phóng viên  tại Nhật Bản, Bảo tàng quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka, ngày 15/4 tuyên bố đã tìm thấy bức thư cổ nhất của vương quốc An Nam (Việt Nam) gửi đến Nhật Bản.


Nội dung bức thư nhằm mục đích kết mối bang giao giữa hai nước và được viết vào năm 1591.

Việt Nam và Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 17 đã bắt đầu mối quan hệ thương mại thời kỳ “Châu ấn thuyền” vào khoảng giai đoạn đầu của thời kỳ Edo (1603-1868).

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới sử học Nhật Bản phát hiện một văn kiện ngoại giao dưới thời tướng quân Toyotomi Hideyoshi và đây có thể được coi là văn kiện bang giao đầu tiên giữa hai nước trong lịch sử mặc dù nó chưa hề được nhắc tới trong sử liệu của Nhật Bản.

Di cảo bức thư có tựa đề “An nam phó đô đường phúc nghĩa hầu nguyễn”.

Di cảo bức thư có tựa đề “An nam phó đô đường phúc nghĩa hầu nguyễn”.

Bức thư tịch này sẽ lần đầu tiên ra mắt công chúng Nhật Bản tại chương trình Triển lãm Việt Nam khai mạc ngày 16/4.

Mở đầu bức thư của nước An Nam là tựa đề “An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Thư giản”. Trên bức thư có ghi thời gian thảo ra bức thư là “Quang Hưng thập tứ niên nhuận tam nguyệt nhị thập nhất nhật” tức là ngày 21/3/1591. Quang Hưng có thể là niên hiệu của vua Lê Thế Tông thời Hậu Lê.

Bảo tàng Kyushu cho biết đã mua lại được bức thư tịch này từ một hiệu sách cũ ở thành phố Kyoto. Bức thư có chiều rộng 33,3cm và chiều dài 34,9cm.

Người gửi bức thư này được cho là một nhân vật có địa vị cao có liên quan đến Triều đình nhà Nguyễn đang nắm quyền cai quản miền Trung Việt Nam thời kỳ đó.

Phần địa chỉ người gửi ghi “Nhật Bản quốc quốc vương” nghĩa là “gửi quốc vương Nhật Bản” với nội dung chính là đặt mối quan hệ trao đổi thông tin với Nhật Bản.

Bảo tàng Kyushu cho rằng từ “nhuận nguyệt” viết trên thư trùng với lịch của Việt Nam thời kỳ đó và bức thư này cũng giống với các bức thư của nước An Nam khác về mặt hình thức với con dấu “hoa áp.”

Theo sử liệu, các bức thư từ nước An Nam gửi đến Nhật Bản hiện được xác định là khoảng 20 bức. Trong số đó, bức thư gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu có tựa đề “An Nam quốc nguyên soái thuỵ quốc công thượng thư” (năm 1601) được mô tả trong thư tịch ngoại giao thời Edo là bức thư cổ nhất từ trước đến nay song bức thư này đã bị thất lạc từ lâu.

Như vậy, bức thư vừa được Bảo tàng Kyushu phát hiện được cho là bức cổ nhất được tìm thấy ở Nhật Bản và có trước bức thư gửi tướng quân Tokugawa tới 10 năm.

Tại Triển lãm Việt Nam lần này, Bảo tàng Kyushu cũng sẽ trưng bày chín bức thư trong đó có bức thư mới nhất vừa được tìm thấy.

Trưởng Phòng bảo tồn và phục chế của Bảo tàng Kyushu, ông Reio Fujita, cho biết: “Bức thư thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nước An Nam muốn thông thương với Nhật Bản. Đây là cứ liệu lịch sử vô cùng quý giá, cho thấy cả hai nước bắt đầu có mối giao lưu từ hơn 400 năm trước.”

Nội dung của bức thư đại ý là: “Năm ngoái, tôi (người viết thư) đã nhờ cậy sứ tiết là ngài Chin Ryo Zan (Trần Lương Sơn) mang các vật phẩm như ngà voi (về quý quốc). Năm nay, tiết sứ Ryugen cho biết là không biết ai tên là Chin Ryo Zan nên chúng tôi xin một lần nữa gửi tặng (quý quốc) các tặng phẩm quý giá này.”

Người viết bức thư cũng muốn kết tình bang giao (“vãng lai giao tín chi nghĩa”) với Nhật Bản. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho biết không hề có ghi chép nào cho thấy tướng quân Toyotomi Hideyoshi từng có trao đổi thư tín với nước An Nam và các nhân vật được coi là “tiết sứ” như Chin Ryo Zan và Ryugen chưa hề được biết đến.

Vào thời kỳ đó, các thương nhân Nhật Bản tăng cường quan hệ buôn bán với khu vực Đông Nam Á nên cũng không loại trừ khả năng các thương nhân Nhật Bản tự xưng mình là sứ thần của tướng quân Mạc Phủ để tiện cho việc giao thương được thuận lợi.

Ông Reio Fujita cho rằng: “Bức thư cổ này có thể là văn kiện ủy nhiệm của quốc vương An Nam ủy thác cho vị thương nhân ‘giả danh’ sứ thần của quốc vương Nhật Bản này.”

Dẫu sao thì sau nhiều bức thư không về đến đích ấy, bức thư gửi tướng quân Ieyasu đã đến tận tay người cần nhận vào năm 1601. Sử liệu ngoại giao thời Mạc phủ Edo đã ghi lại bức thư phúc đáp kết tình bang giao của tướng quân Tokugawa gửi nước An Nam

(TTXVN)

Tin liên quan
Lịch sử Việt Nam
  • Hé lộ “thần hộ mệnh” ba đời nhà Mạc

    - 14/04/2013

  • “Xót” tình kỹ nữ – tiến sĩ chấn động Việt Nam một thời

    - 14/04/2013

  • Thám hiểm “mồ chôn người” khổng lồ giữa Hà Nội

    - 14/04/2013

  • Chuyện tình của “tiến sĩ” chấn động Việt Nam một thời

    - 14/04/2013

  • Chuyện hy hữu trong sử Việt: Đô vật giành ngôi báu

    - 13/04/2013

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa