Báo Thanh Niên Online vừa rồi có loạt bài điều tra về mốt mới trong giới trẻ gần đây về uống trà chanh và cảnh báo chất lượng đáng phải quan tâm của thức uống xem ra cũng khá hấp dẫn này. Xuất phát của thức uống trên được bắt đầu từ Hà Nội khoảng hai năm trước và giờ thì tới TP.HCM, nơi mà thứ trà móc câu, tên gọi quen thuộc của ngươi miền Bắc khi gọi thứ trà khô của mình rất khó chen được vào gu ẩm thực người miền Nam.
Sự lan tỏa quá nhanh, bên cạnh điều mừng, nó có cả sự lo lắng của người tiêu dùng trước hiện trạng kinh doanh thiếu đạo đức của một số người muốn mua một mà thích “lãi quan viên” thông qua cách làm thiếu đạo đức: Mua các chế phẩm công nghiệp để pha chế, bởi như vậy sẽ lãi nhiều hơn. Đó quả là điều đáng sợ cần ngăn chăn kip thời. Trách nhiệm này sẽ là của mọi người chúng ta, không của riêng ai!
Nhân “sự kiện” trà chanh bỗng chốc trở thành đồ uống bình dân của giới trẻ, tôi muốn kể lại một câu chuyện để mọi người cùng suy ngẫm.
Cách đây khoảng dăm năm gì đó, trong một bữa nhậu với bạn hữu, ông Trương Hữu Thắng, giới doanh nhân Hà Nội quen gọi ông là Thắng “doa” – bởi vào những năm tám mươi của thế kỷ trước nhờ vào sáng kiến trong kỹ nghệ doa xilanh mà ông giàu lên nhanh chóng. Hôm đó tôi được nghe ông khoe với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ của Công ty cà phê Trung Nguyên, rằng mình đang mở một chuỗi quán trà sữa Đài Loan và xem ra đang có hy vọng. Nghe xong, ông chủ cà phê Trung nguyên xem chừng buồn ra mặt.
Ông Vũ buồn không phải vì ông sợ phải cạnh tranh với đồ uống kia mà do chuyện khác. Ông tâm tình rằng từ lâu, chính ông đã trăn trở làm sao để có thể giúp cho ngành trà Việt Nam mình phát triển, tạo sức bật cho nó vươn xa, tại sao người Trung Hoa họ ghi được dấu ấn về trà khô hơn chúng ta?
Ông Vũ nói rằng do mình đang quá bận để đầu tư cho cà phê nên quỹ thời gian không có. Ông gợi ý với ông Thắng “doa” hãy thử đầu tư trí tuệ vào việc làm sao để người Việt có nhiều thức uống có hương vị trà khô, ví dụ như trà Thái Nguyên nổi tiếng, sẽ có nhiều thức uống phong phú khác, không đơn điệu chỉ như trà mạn quen thuộc từ nhiều đời nay.
Trước hiện tượng lớp trẻ thích uống trà chanh, phải chăng đó cũng là thời cơ để trà khô (là một trong những nguyên liệu để tạo ra trà chanh) của ta tăng sản lượng? Theo tôi nghĩ, đó là điều rất cần để tạo nên thời cơ mới cho ngành trà Viêt Nam phát triển. Song, có một điều cần phải ngăn chăn kịp thời, đó là kiểm soát chất lượng trà tranh hiện nay, tránh để tạo nên một ấn tượng không tốt, vô tình tẩy chay một thứ đồ uống vừa mới ra đời.
Quốc Phong
Hiện chưa có phản hồi nào.