Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Pháp luật - Xã hội » Arập Xêút: Bạo lực đe dọa cuộc sống người lao động nhập cư

Ngày 8/1 vừa qua, chính quyền Arập Xêút đã ra lệnh hành hình một nữ giúp việc tên Rizuha Nafeek người Sri Lanka vì tội làm chết một đứa bé con chủ nhà, do bị sặc sữa – bản án mà các nhóm nhân quyền cho là hết sức bất công. Bất chấp đề nghị xin giảm án từ chính quyền Sri Lanka, Rizana Nafeek – 17 tuổi lúc đứa con chủ nhà chết vào năm 2005 – vẫn bị hành hình bằng cách chặt đầu . Theo Bộ Nội vụ Arập Xêút, án tử hình ở nước này thường được thực thi bằng biện pháp chặt đầu.

Một người biểu tình ở Sri Lanka giơ cao tấm ảnh nạn nhân Rizana Nafeek, ngày 8/7/2011.

Một người biểu tình ở Sri Lanka giơ cao tấm ảnh nạn nhân Rizana Nafeek, ngày 8/7/2011.

Nafeek bị buộc tội giết người sau phiên tòa xét xử năm 2007, lúc đó cô gái không có luật sư bào chữa hay người phiên dịch trước tòa. Bản án dành cho Nafeed căn cứ theo bản khai thú tội do Cảnh sát Arập Xêút lập với sự trợ giúp của một người không phải là người Sri Lanka trong khi trình độ tiếng Tamil (ngôn ngữ ở miền Bắc Sri Lanka) của người này không hề được công nhận trên cơ sở pháp lý và sau đó anh ta đã biến mất khỏi Arập Xêút – theo tiết lộ của luật sư Kateb Fahad Al Shammani được Ủy ban Nhân quyền châu Á (AHRC) ở Hồng Công thuê để chống án cho Nafeek. Còn Nafeek cho biết cô bị ép buộc phải ký tên vào bản thú tội viết bằng thứ tiếng Arập mà bản thân hoàn toàn mù tịt!

Arập Xêút đã ký kết Công ước về Quyền trẻ em, với quy định cấm hành hình bị cáo dưới 18 tuổi. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền HRW, trên thế giới chỉ có 3 quốc gia – Arập Xêút, Iran và Yemen – vẫn còn án tử hình bị cáo vị thành niên. Riêng hai quốc gia khác là Pakistan và Sudan thì chưa chính thức chấm dứt án tử hình song đã ngưng áp dụng bản án này đối với người vị thành niên trong 6 năm qua.

Vụ án Nafeek cho thấy rõ thân phận hết sức bấp bênh của hàng triệu người lao động nhập cư ở Arập Xêút, trong đó nhiều người đến từ những nước nghèo như Nepal, Pakistan và Bangladesh. Họ phải làm việc nhiều giờ mà chỉ nhận được đồng lương ít ỏi, sống trong nền văn hóa xa lạ, không nói được ngôn ngữ xứ người và thậm chí không được pháp luật bảo vệ đầy đủ.

Trong những năm gần đây, báo chí Arập Xêút thường đưa tin về những vụ người giúp việc nước ngoài bị chủ nhà đánh đập hay giết chết. Nisha Varia – nữ chuyên gia nghiên cứu của HRW đặt trụ sở ở New York (Mỹ) – nhận định vụ tử hình Nafeek “xảy ra giữa bối cảnh ngược đãi người lao động nhập cư tràn lan ở Arập Xêút”.

Với khoảng 9 triệu người lao động nhập cư đang làm việc ở Arập Xêút, với các công việc thường là xây dựng, giúp việc nhà và tài xế, nước này được coi là có số nhân công nước ngoài đông đảo nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Theo báo cáo năm 2011 của HRW, chỉ riêng các đại sứ quán châu Á đã tiếp nhận hàng ngàn đơn kiện từ những người lao động bị buộc phải làm việc suốt 140 giờ trong tuần và không có ngày nghỉ, thậm chí nhiều trường hợp không được trả lương.

Mặc dù Vua Faisal đã bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ ở Vương quốc Arập Xêút từ năm 1962, song sự ngược đãi người lao động nhập cư đã đẩy nhiều người vào cuộc sống không khác gì nô lệ. Các tổ chức nhân quyền chỉ trích hệ thống bảo lãnh của Arập Xêút – trong đó quy định người bảo trợ (thường là người thuê lao động) phải chịu trách nhiệm về visa và quan hệ pháp lý của người lao động nhập cư được thuê mướn – đã tạo điều kiện cho hành vi khai thác bóc lột nhân công không phải người bản xứ. Một hiện tượng phổ biến là người thuê mướn chiếm giữ hộ chiếu của người lao động và không cho phép họ về thăm quê nhà hay thay đổi việc làm.

Không chỉ phải làm việc quá sức với đồng lương ít ỏi, người lao động nhập cư ở Arập Xêút còn bị chủ bạo hành, cưỡng bức. Theo một điều tra của Ủy ban Về người Philippines ở hải ngoại (CFO), có đến 70% người nước này làm công việc giúp việc nhà ở Arập Xêút bị chủ ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tháng 10/2012, tờ Al-Watan đưa tin một nữ giúp việc nhà người Indonesia đã chết sau khi nhập viện do bị con trai của chủ nhà bạo hành thân thể. Mặc dù phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái, song cậu chủ nhỏ này vẫn không bị tòa án xét xử.

Phản ứng trước những thông tin dồn dập về hiện tượng phụ nữ Nepal giúp việc nhà bị chủ cưỡng bức, năm 2011, chính quyền nước này bắt đầu có quy định cấm những phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi đăng ký xuất khẩu lao động sang các quốc gia Vùng Vịnh!

Do thường xuyên bị ngược đãi và không được hỗ trợ chăm sóc y tế cho nên nhiều người lao động nhập cư tuyệt vọng thường chọn cách tự sát để giải thoát. Như trong một vụ việc mới nhất, một nữ giúp việc người Ethiopia đã treo cổ tự vẫn ngay trong nhà chủ vào cuối tháng 12/2012. Trong khi đó gia đình nhà chủ tuyên bố cô gái bị rối loạn tâm thần cho dù cô chưa bao giờ được xét nghiệm y khoa hay chữa trị loại bệnh như thế!

Những trường hợp đáng tiếc cũng thường xảy ra là người lao động nhập cư ra tay sát hại chính người thuê mướn họ. Ví dụ, một nữ giúp việc nhà người Indonesia đã giết chết chủ nhà do người này nhiều lần không cho phép cô về thăm quê nhà. Sau đó, cô gái đã bị tuyên án tử hình bằng cách chặt đầu! Sau vụ việc này, vào năm 2011 chính quyền Indonesia cấm công dân sang làm việc ở Arập Xêút. Do sợ những hậu quả nghiêm trọng nên những người nhập cư giúp việc nhà ở Arập Xêút không dám lên tiếng tố cáo hành vi ngược đãi vi phạm nhân quyền của chủ nhà.

Christoph Wilke, nhà nghiên cứu về Trung Đông ở HRW, nhấn mạnh nếu chính quyền Arập Xêút không hủy bỏ hệ thống người bảo trợ đồng thời có những cải tổ luật pháp để bảo vệ người lao động nhập cư thì những vụ việc kinh khủng vẫn tiếp tục xảy ra ở vương quốc này. Nhưng, bất chấp mọi kêu gọi của các tổ chức nhân quyền trên thế giới, Arập Xêút vẫn không có những thay đổi gì về luật pháp và từ đó đẩy hàng triệu người lao động nhập cư vào cảnh sống dở chết dở nơi xứ người!

(BANTG)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa