Đó là một trong những yêu cầu của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đặt ra tại cuộc họp bàn nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội diễn ra vào hôm qua (18/4) do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố.
Không để xảy ra “điểm nóng”
Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có chiều hướng diễn biến phức tạp, số lượt đoàn khiếu kiện đông người gia tăng.
Riêng trong quý I/2013, đã có 104 lượt đoàn khiếu kiện đông người với thái độ gay gắt, mặc áo đỏ, căng cờ, biểu ngữ tập trung đông đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đảng và Nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM. Nội dung khiếu nại của các đoàn đông người chủ yếu liên quan đến đất đai, chính sách thu hồi, bồi thường về đất và tố cáo tham nhũng. Có đoàn đã được cán bộ tiếp dân tiếp, hướng dẫn, giải thích nhưng công dân vẫn đeo bám dài ngày tại Hà Nội.
Nhằm nâng cao hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời xử lý các tình huống các đoàn đông người, bức xúc, kéo dài, phục vụ tốt các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội, TTCP đề nghị các địa phương lập danh mục những địa phương có số đoàn đông người đến Trụ sở nhiều nhất, phức tạp nhất, các vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài để phân loại và có biện pháp xử lý theo từng nhóm nội dung.
Bên cạnh đó, TTCP đang xây dựng dự thảo Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân. Theo đó, trong thời gian diễn ra các kỳ hợp của Trung ương Đảng và Quốc hội, TTCP sẽ thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc một số địa phương có các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài; nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, phát hiện những điểm, những nơi có yếu tố xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người kiến nghị kịp thời cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”.
Các địa phương tập trung tổ chức rà soát các trường hợp công dân khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nằm ngoài danh sách 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Riêng UBND TP.Hà Nội và TP.HCM phải kịp thời nắm bắt tình hình khiếu kiện đông người để có phương án cưỡng chế, giải tỏa đối với các công dân khiếu nại, tố cáo tập trung sai quy định về Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để tổ chức tiếp, hướng dẫn, vận động công dân trở về địa phương…
Phải tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại tại cơ sở
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với Dự thảo Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội của TTCP nhưng cũng đề xuất thêm một số giải pháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay trong cuộc tiếp dân do ông chủ trì mới đây, trong 4 trường hợp khiếu kiện kéo dài hơn 20 năm thì có 2 trường hợp chính quyền giải quyết chưa hợp lý, người dân khiếu kiện có cơ sở.
“Cần phải tăng cường đối thoại. Chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” – vị Phó Chủ tịch kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhận định, người dân đi khiếu kiện đều muốn được đối thoại với lãnh đạo địa phương, vì vậy phải công khai thông báo rộng rãi thời gian, địa điểm tiếp dân. Theo ông Hiển, dứt khoát phải giải quyết tại cơ sở, nếu vượt thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương cùng phối hợp giải quyết.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng nêu quan điểm: Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tỉnh, thành phố phải dự báo, nắm tình hình khiếu kiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý.
“Quan trọng nhất là phải tăng cường đối thoại, giải quyết tại cơ sở theo thẩm quyền” – ông Tranh nhấn mạnh. Đối với các đoàn đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị tại Hà Nội và TP.HCM, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế, các địa phương có đoàn đông người phải phối hợp để xử lý; sau cưỡng chế, tiếp tục nắm tình hình, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý dứt điểm.
TQ (BPLVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.