Ngư dân đã bám biển và quyết ra khơi dù bị phía Trung Quốc hành động thô bạo. Điều đó đã thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Tuy nhiên, chúng ta không thể để ngư dân ra biển với hai bàn tay trắng và mãi chịu thiệt thòi mỗi khi Trung Quốc dùng vũ lực? Chúng ta cần có biện pháp mạnh, trang bị an toàn để bảo vệ ngư dân của mình.
Ngư dân đi biển trập trùng nguy hiểm?
Chỉ tính trong vòng 3 tháng trở lại đây thôi, Trung Quốc đã có 2 đợt tấn công dã man ngư dân Việt đang khai thác tại Hoàng Sa – nơi mà cả thế giới đều công nhận, đây là vùng trời-vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam! Nếu như hồi tháng 5, Việt Nam chưa hết bàng hoàng khi Trung Quốc huy động lực lượng chặn đường, đâm Tàu cá QNg 90917 TS làm cho tàu cá của anh Trần Văn Quang gần bị chìm trong hành trình từ Hoàng Sa về Quảng Ngãi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng; thì tháng 7, Trung Quốc còn mạnh tay hơn khi ngang nhiên tịch thu, phá nát tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS của ngư dân Việt trong lúc tàu cá Việt Nam tham gia đánh bắt hải sản tại ngư trường Hoàng Sa. Các ngư dân về đến Lý Sơn trong tình trạng tả tơi, mỗi tàu cá bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Bộ đội biên phòng Lý Sơn cho biết, đã báo cáo vụ việc lên cấp trên.
Theo những ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc cướp tàu đều diễn tả, lực lượng Trung Quốc rất đông và hành động cực kì thô bạo. Ông Mai Văn Lê, máy trưởng tàu QNg 90153 TS vừa bị Trung Quốc cướp kể lại: “Toán lính rất đông, mặc đồng phục áo trắng quần xanh, xanh đen, rằn ri, lên tàu của ông lùng sục, lấy đi 1 máy ICOM, 1 máy dò, 1 máy định vị, 2 phi dầu diezel, khoảng 2 tạ cá cùng hải sâm. Xong, chúng đập phá máy, chặt đứt dây neo, chặt luôn cột cờ. Chúng tôi ra hiệu đừng chặt cột cờ thì bị tên lính đứng gần đánh liên tiếp 3 phát dùi cui vào người. Anh Vương ở tàu bên kia cũng phản ứng, bị đánh đến ngất xỉu. Thấy thế, chúng lấy nước từ tàu tôi tạt cho anh tỉnh”. Thuyền trưởng Võ Minh Vương khẳng định: “Chúng chặt cột cờ, chặt lá cờ đỏ sao vàng của mình, tôi không cho chặt. Chúng nện tôi bất tỉnh luôn. Chúng dữ tợn, hung bạo nhưng tôi không sợ, tôi quyết phải giữ cờ, vì đó là việc hệ trọng”.
Mặc dù ngay khi trở lại bờ, ngư dân được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quan tâm, lập biên bản – ghi chép lại thiệt hại và ngư dân vẫn được hỗ trợ lại tàu thuyền đi biển, tuy nhiên, đây không phải là biện pháp lâu dài. Không thể để ngư dân đi biển, không có người bảo hộ như thế! Càng không thể để mãi cái chuyện Trung Quốc cứ bắt bớ, xâm phạm và hành động vô nhân đạo với bà con. Nếu Trung Quốc sai, hành động ngông cuồng, mất đạo đức như thế thì Trung Quốc phải đền bù thiệt hại cho ngư dân Việt chứ không phải người dân Việt lại bỏ tiền túi ra sửa thuyền sau mỗi lần chúng dùng vũ lực?! Chúng ta phải mạnh tay hơn và trang bị nhiều hơn nữa lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ ngư dân của mình?!
Không phải tình hình ngư dân Việt bị Trung Quốc ăn hiếp mới diễn ra trong năm nay mà đã diễn ra từ lâu lắm rồi. Và những lần như thế, hầu như tàu của ngư dân Việt đều đón nhận nhiều cú “nã đạn” vô nhân đạo từ những kẻ “phù thủy áo đen”. Còn nhớ, vào ngày 16-5-2011, tàu QNG-90360 xuất ngoại hợp pháp của Việt Nam chạy đến địa điểm đánh bắt tại khu vực biển giáp ranh giữa Malaysia và Philippines thì bất ngờ nghe có tiếng súng bắn như nã đạn về phía mình… Và như thế là “trắng tay”, toàn bộ tài sản trừ xác con tàu, tất cả đều bị cướp sạch, thậm chí còn bị bắn phải đi cấp cứu. Ngư dân lại chịu thiệt thòi. Cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi cũng không có biện pháp gì cụ thể, đòi lại tài sản cho ngư dân từ phía Malaysia – nơi mà hợp đồng khai thác được ký kết. Chúng ta không thể cứ mãi để cho chúng lấn lướt như thế được?!
Ngư dân tự bảo vệ mình!
Trước sự việc Trung Quốc ngày càng làm hùm, làm hổ muốn độc chiếm biển Đông và ra sức bắn phá tàu, ngư dân Việt khi khai thác tại ngư trường thuộc lãnh thổ Việt Nam, trong khi chờ đợi quyết định của lãnh đạo cấp trên, ngư dân ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã thành lập hợp tác xã khai thác xa bờ đầu tiên, tiếp tục vươn khơi bám biển đánh vừa nâng cao sản lượng vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Bên cạnh tự bảo vệ mình trước, ngày 11-7, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi văn bản đến văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại TƯ đề nghị có biện pháp thật quyết liệt, hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trên biển. Văn bản nêu rõ: “Việc người trên tàu của Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực tấn công và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam lần này leo thang hơn những lần trước, mang tính hệ thống, thể hiện ý đồ xâm lược biển đảo nước ta, đi ngược lại tinh thần hữu nghị, hòa hảo của 2 dân tộc. Đây là hành động vô nhân đạo của phía Trung Quốc. Họ không chỉ cướp tài sản mà còn đánh đập ngư dân. Hành động này không thể chấp nhận. Họ đã vi phạm chủ quyền vùng biển đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động trên của phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động sai trái, vô nhân đạo trên, không được gây cản trở đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam. Hội yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại về tài sản và sức khỏe ngư dân do phía Trung Quốc gây ra.
Trước những đề xuất, yêu cầu như trên thiết nghĩ, cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao cần có những chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc. Không thể để ngư dân cứ mãi đi biển một mình. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, cần phải trang bị vũ khí cho lực lượng kiểm ngư và nên bố trí lực lượng kiểm ngư đi theo các đoàn cá – mỗi khi các đoàn đi đánh bắt xa bờ! Hãy bảo vệ ngư dân chúng ta bằng những hành động thiết thực hơn nữa, trên nhiều phương diện hơn nữa; không thể để Trung Quốc cứ được nước làm tới và ngư dân chúng ta mãi bị bắt nạt, thiệt thòi…!
Hải Dương
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)