Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc Phòng – Biển đảo » Thông tin thêm về vụ nguyên ba sĩ quan Công an Tiền Giang bị khởi tố

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đưa thêm một số thông tin, bằng chứng xác thực liên quan đến chuyện đúng sai trong vụ án gây rối trật tự công cộng tại Bidgasco, cũng như đường lối chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành.

Liên tiếp trong các số báo từ số 26 đến 31 Báo Năng lượng Mới đã đăng phóng sự điều tra “Vì sao có một số người hùng trong vụ Năm Cam bị khởi tố?”. Phóng sự này đã nói những sai phạm về tố tụng trong quá trình điều tra về một vụ án được gọi là “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương và trong cả công tác bắt, giam giữ. Phóng sự này cũng đã nêu vai trò chính là ông Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban Chuyên án Z5.01. Và bản thân ông Thành cũng đã ra lệnh cho cấp dưới thực hiện lệnh bắt các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng và cam kết rằng: “Tôi Việt Thành hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”. Vì những việc làm sai trong quá trình bắt – giam – giữ các ông Lân, Bằng cùng với sai phạm trong một vụ án khác cho nên Viện Kiểm sát Tối cao đã ra lệnh khởi tố Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út và Ngô Thanh Phong. Trước đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công an cũng đã tiến hành điều tra lại và có nhiều văn bản báo cáo lên cấp trên về những việc làm sai này.

Tuy nhiên, gần đây, ông Nguyễn Việt Thành đã trả lời trên một số báo và khẳng định việc ông làm là đúng.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đưa thêm một số thông tin, bằng chứng xác thực liên quan đến chuyện đúng – sai trong vụ án gây rối trật tự công cộng tại Bidgasco, cũng như đường lối chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út.

Khám xét nơi ở của Phạm Văn Út.

Bắt khẩn cấp vì một vụ gây rối đã hòa giải thành công?

Vụ gây rối tại Bidgasco vốn xuất phát từ tranh chấp dân sự, nhưng lúc đó vụ việc đã được chỉ đạo điều tra theo hướng “hình sự hóa”. Đó là điều dễ nhận thấy. Nói về việc này, Trung tướng Nguyễn Việt Thành giải thích trên một báo điện tử: “Do tranh chấp về tư cách Hội đồng thành viên và vốn góp tại Công ty Gas Bình Dương, đúng ra vụ việc phải để cơ quan tòa án phán quyết. Thế nhưng, cái gì cũng có lý của nó cả. Vào ngày 18/9/2000, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình và Phạm Văn Hướng thuê 15 tên xã hội đen (trong đó có đàn em Năm Cam) đến Công ty Gas Bình Dương gây rối và chiếm giữ tài sản. Vụ này khá phức tạp nên tôi đã chỉ đạo kỹ lưỡng, thận trọng và đúng pháp luật. Khá nhiều văn bản trao đổi qua lại giữa Tổng cục Cảnh sát, Công an tỉnh Bình Dương và TAND tỉnh Bình Dương. Đến khi ông Đỗ Cao Bằng có đơn tố cáo về việc ông Nguyễn Viết Tạo – Giám đốc Công ty Gas Bình Dương lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi đích danh tôi, tôi đã chỉ đạo anh em làm văn bản gửi Giám đốc Công an và Chánh án TAND tỉnh Bình Dương để chuyển đơn của ông Đỗ Cao Bằng đến các đồng chí đó xem xét, giải quyết để trả lời cho ông Bằng. Sau đó TAND tỉnh Bình Dương có văn bản đề nghị tôi nên cử cán bộ điều tra phối hợp để đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Như vậy, việc chỉ đạo hình sự là do bản thân vụ việc nó như vậy chứ không có chuyện tôi áp đặt chủ quan ở đây”.

Lý lẽ này đã thuyết phục và xác đáng hay chưa? Để độc giả hiểu rõ ngọn nguồn, xin lật lại vụ việc. Chiều ngày 27/3/2003, Khu Công nghiệp (KCN) Đồng An đang hoạt động bình thường thì hàng chục Cảnh sát điều tra, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự và một số phóng viên ập vào văn phòng KCN, khám xét, đọc lệnh bắt khẩn cấp và còng tay Phó tổng giám đốc Đỗ Cao Bằng dẫn đi. Hơn một tháng sau, cũng rầm rập đội hình như thế, Tổng giám đốc Bùi Mạnh Lân và Phó tổng giám đốc Phạm Văn Hướng cũng bị các lực lượng chức năng đưa về giam tại Trại giam Công an tỉnh Tiền Giang. Cả KCN và các nhà đầu tư nước ngoài đều nhốn nháo, hoạt động của Công ty CP Hưng Thịnh cũng dừng lại. Ai cũng ngơ ngác không rõ nguyên nhân vụ việc.

Sau nhiều tháng bị giam tại Tiền Giang, 3 vị lãnh đạo Công ty CP Hưng Thịnh bị khép vào tội “gây rối trật tự công cộng” trong một vụ việc đã xảy ra từ năm 2000, ở Công ty Gas Bình Dương. Cả 3 người đều hết sức bất ngờ khi kết luận điều tra thừa nhận rằng, việc bắt khẩn cấp họ đều xuất phát từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Viết Tạo – người đang chiếm đoạt 70% số tiền góp vốn trong Công ty Gas Bình Dương của cả ông Lân, ông Bằng và ông Hướng.

Tính về mặt thời điểm thì việc bắt khẩn cấp 3 người trên được tiến hành sau vụ “gây rối” quãng thời gian 3 năm. Xem lại biên bản do Công an địa phương lập vào 13 giờ ngày 18/9/2000 (tức ngày xảy ra vụ gây rối) có thể thấy rõ nội dung đề cập việc ông Tạo không đồng ý khi ông Bằng và ông Bình đưa theo một số người đến Công ty Gas Bình Dương, nhưng ông Tạo cũng thừa nhận: “Tôi nghe tin báo có tình hình gây mất trật tự, tôi về đến nhưng không thấy tình hình gây rối ở công ty”. Biên bản có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan và Công an địa phương cũng xác nhận rằng không có sự xô xát nào.

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam.

Phạm Văn Út (áo trắng) nghe đọc lệnh bắt tạm giam.

Chưa nói đến khả năng ông Nguyễn Viết Tạo có hành vi gian dối về hoạt động tài chính, chiếm đoạt tài sản của các cổ đông góp vốn. Hãy đặt câu hỏi vì sao ông Tạo vốn đã im lặng sau vụ “gây rối” trên, bỗng ngày 21/6/2002 lại làm đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo các ông Lân, Bằng, Hướng “gây rối trật tự công cộng”? Và trong khi ông Tạo viết trong đơn rằng, bảo vệ Nguyễn Văn Tuấn của Công ty Gas đã bị Phạm Văn Luông, một người do ông Nguyễn Đức Bình đưa đến đánh vào mặt. Thì chính người bảo vệ này lại khẳng định với Cơ quan Công an: “Tôi mở cổng và dẫn mọi người vào văn phòng ngồi chờ. Từ khi ông Bằng và một số người đến không hề xảy ra xô xát gì cả và tôi cũng không hề bị đánh”. Ngoài ra, người bảo vệ này còn cung cấp thêm khi bị triệu tập lấy lời khai: “Sau khi ông Bằng bị bắt, khoảng 15 ngày sau ông Tạo mới cho em vợ là Nguyễn Ngọc Lang đi kiếm tôi nhiều lần yêu cầu tôi tới gặp ông Tạo để nói chuyện. Và tới nhà yêu cầu tôi phải xác nhận là có bị đánh và dọa nếu tôi không xác nhận sẽ cho công an bắt xuống Tiền Giang giam cùng ông Bằng và ra tòa”. Thế nhưng, bản kết luận điều tra lại vẫn ghi bảo vệ Nguyễn Văn Tuấn bị đánh vào mặt (?!).

Sau khi được Viện Kiểm sát Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra và được thoát tù, các ông Lân, Bằng, đã gửi bản tường trình vụ việc lên Văn phòng Trung ương Đảng. Ngày 10/12/2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm kiểm tra lại vụ việc này và báo cáo đầy đủ, nghiêm túc cho Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 15/7/2010, ông Bùi Mạnh Lân tiếp tục gửi đơn tố cáo lên các cấp thẩm quyền đề nghị điều tra, làm rõ một số cán bộ công an có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

Từ đây mới dẫn tới việc khởi tố những “người hùng” trong vụ án Năm Cam, trong đó có Nguyễn Văn Nên – nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang.

Tại sao Z5.01 khẳng định ông Lân liên quan đến “xã hội đen”

Z5.01 là bí số của Ban Chuyên án điều tra vụ án Năm Cam. Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Việt Thành – khi đó là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban Chuyên án Z5.01, một Công văn mang số 298/C11, ngày 7/5/2003 đã được gửi tới đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, báo cáo về quá trình phát hiện, điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản tại Công ty Gas Bình Dương ngày 19/8/2000.

Bút tích của ông Nguyễn Việt Thành

Bút tích của ông Nguyễn Việt Thành

Trong báo cáo này viết: “Trong quá trình điều tra vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn, Ban Chuyên án Z5.01 đã nhận nhiều đơn của ông Nguyễn Viết Tạo – Giám đốc Công ty TNHH Gas Bình Dương, Ban Liên lạc truyền thống Tư lệnh binh chủng Phòng không – Không quân, Hội Cựu chiến binh TP HCM, tố cáo một số thành viên HĐQT Công ty CP Hưng Thịnh thuê bọn tội phạm đàn em của Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty Gas Bình Dương hơn 2 năm nay nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết, đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho Công ty Gas Bình Dương hàng chục tỉ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Qua khai thác các bị can trong Chuyên án Z5.01 như Trương Văn Cam, Dương Ngọc Hiệp, Hoàng Linh, Ngô Đức Minh, Ngô Xuân Phương và tiến hành ghi lời khai của người bị hại, người biết việc đã xác định: Băng tội phạm nguy hiểm này có 16 tên, có nhiều tiền án, tiền sự quan hệ mật thiết với Trương Văn Cam và đàn em của Trương Văn Cam, trong đó nguy hiểm như các tên Nguyễn Đức Bình (Bình Kô bê), Luông (điếc), Quốc (lủi)… băng tội phạm này đã cưỡng đoạt tài sản và gây rối nhiều vụ…

Ngày 27/3/2003, Ban Chuyên án quyết định phá án, bắt 5/16 đối tượng: Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Văn Luông, Trang Quốc Thọ, Nguyễn Văn Có về tội gây rối trật tự công cộng… Quá trình điều tra, khai thác 5 bị can trên đồng thời củng cố những lời khai của người biết việc, người làm chứng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội gây rối trật tự công cộng tại Công ty Gas Bình Dương với vai trò chủ mưu là Bùi Mạnh Lân – Giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh, KCN Đồng An – Bình Dương và Phạm Văn Hướng – Phó giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh…”.

Bây giờ thì có thể khẳng định rằng, đây là một báo cáo không đúng và hoàn toàn dựa vào lời khai của những đối tượng giang hồ cộm cán. Mà ai cũng biết các đối tượng này, để lấy lòng cán bộ điều tra, chúng sẵn sàng khai “theo ý muốn của cán bộ”. Chúng không biết ông Lân, ông Bằng đã đành (hoặc chỉ nghe tên), mà hai ông càng không biết chúng, bởi các ông đều là những người làm ăn đứng đắn, có uy tín và có bề dày công tác.

(Xem tiếp kỳ sau)

Huyền Trang (NLM)

Tin liên quan
Người hùng trong vụ án Năm Cam

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa