Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc Phòng – Biển đảo » Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam (Kỳ 3)

Viết về Hồ Việt Sử ngày ấy có lẽ phải đến cả trăm bài báo và nếu như cứ theo những thông tin này thì quả thật cuộc đời Hồ Việt Sử cũng như những việc làm của anh ta, mà được dựng thành phim, có lẽ không kém gì phim “Bố già” của Mỹ.

  • >> Xét xử 3 sỹ quan cao cấp “lạm quyền” trong chuyên án Năm Cam

  • >> ‘Người hùng’ trong vụ Năm Cam bị khởi tố lần 2

  • >> Khởi tố 1 cán bộ Công an Tiền Giang

  • >> Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam (Kỳ 2)

  • >> Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam

III – Những ngày lao lý

Trở lại chuyện Hồ Việt Sử vì sao bị bắt và các cấp tòa đã xét xử với mức án khá nặng, tôi lần mò đọc những tài liệu trước đây đã viết về Hồ Việt Sử và quả thực là cũng thấy rợn tóc gáy. Viết về Hồ Việt Sử ngày ấy có lẽ phải đến cả trăm bài báo và nếu như cứ theo những thông tin này thì quả thật cuộc đời Hồ Việt Sử cũng như những việc làm của anh ta, mà được dựng thành phim, có lẽ không kém gì phim “Bố già” của Mỹ.

Báo chí đã dựng nên một Hồ Việt Sử với những tham vọng giang hồ khôn cùng, đó là người quyết tâm chiếm đoạt “ngôi vương” của Năm Cam; rồi là người điều hành một đường dây cá độ bóng đá, mua bán cầu thủ và thò tay vào điều khiển gần như tất cả các trận đấu bóng của Đội tuyển Việt Nam trong các giải đấu quốc tế. Để “điều khiển” được một số đội bóng thi đấu theo “chỉ đạo” của mình, Sử phải biến mình thành một fan hâm mộ cuồng nhiệt. Rồi Sử “biến” mình như một thành viên không chính thức của đội bóng và “ba cùng” với các cầu thủ – nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng trò chuyện với cầu thủ. Rồi bằng tiền, bằng quà cáp, lại còn có cả những chuyện Hồ Việt Sử từng thua cá độ bóng đá hàng tỉ đồng và Năm Cam đã ra tay cứu vớt bằng cách cho Sử vay 1,5 tỉ đồng… Thậm chí lại còn thêu dệt đến mức rằng, Năm Cam dùng Hồ Việt Sử làm mồi câu đám xã hội đen Đài Loan đầu tư. Và Năm Cam thì coi Sử là chú em yêu quý của mình và Sử từng không tiếc lời ca ngợi Năm Cam…

Nhưng thế chưa phải là hết. Người ta còn “phanh phui” ra rằng, Hồ Việt Sử dựa thế ông Bùi Quốc Huy từ khi còn làm Giám đốc Công an thành phố, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và làm Thứ trưởng Bộ Công an để làm ăn kinh tế với Công an TP Hồ Chí Minh trong việc thành lập Công ty Song Pha. Rồi lại dựa bóng ông Bùi Quốc Huy mà Hồ Việt Sử nhập được hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh, thậm chí quát nạt cả phó, trưởng công an quận…

Hồ Việt Sử (hàng đầu từ phải sang) tại buổi động thổ công trình xây dựng Khu du lịch ở Kiên Giang

Hồ Việt Sử (hàng đầu từ phải sang) tại buổi động thổ công trình xây dựng Khu du lịch ở Kiên Giang

Tôi lần lượt hỏi Hồ Việt Sử về những việc đó, Sử cười và bảo: “Nếu nói một cách sòng phẳng thì tôi và Năm Cam là hai kẻ đối đầu nhau. Tôi chưa bao giờ trọng Năm Cam về nhân cách cũng như kiểu làm ăn của ông ta. Năm Cam hoạt động trên lĩnh vực khác và tôi ở lĩnh vực khác, mặc dù trong giới giang hồ thời ấy, không ít người nghĩ rằng tôi là đàn em của Năm Cam. Còn báo chí thì nói thật với anh, mỗi lần nhắc đến là tôi lại thấy đau nhói trong lòng. Bởi vì từ năm 1996 đến 2001, khi tôi ăn nên làm ra bằng buôn bán ôtô rồi mở vũ trường thì không ít phóng viên báo chí đến với tôi, cũng có những người quan hệ thân tình như anh em, như bạn bè chí cốt. Nhưng đến khi tôi bị bắt thì chính những người này quay ra viết bài về tôi và thêu dệt cho tôi đủ mọi thứ như anh đã thấy”.

Còn về việc làm ăn của Hồ Việt Sử thì cũng lắm chuyện lý thú. Sử ăn nên làm ra nhờ buôn bán ôtô. Nhưng không dừng ở đấy, năm 2000, Sử đầu tư làm vũ trường Metropolis với 4 đối tác khác, trong đó Sử có 20% cổ phần. Làm vũ trường, tiền kiếm ra nhiều nhưng cũng vô cùng phức tạp, bởi đấy là chốn tụ bạ của đủ loại giang hồ. Chính tại vũ trường này mà Hồ Việt Sử đã đụng độ với A Lý, một gã người Đài Loan và nghe nói là thành viên của một bang hội người Hoa mang cái tên rất chi là kiếm hiệp: Trúc Liên Bang. A Lý từng lấy vợ là người Việt và cũng tham gia hùn vốn vào vũ trường Metropolis tới 30%. Nhưng liên minh giữa Sử và A Lý tồn tại không lâu, bởi lẽ A Lý muốn thâu tóm vũ trường này. A Lý luôn rêu rao với mọi người rằng, Sử nợ hắn nhiều tiền và thường xuyên dẫn bọn đàn em đến vũ trường với mục đích phô trương thanh thế, dằn mặt Sử. Lúc đầu, Sử cũng chẳng tin A Lý lại có mưu đồ gì với mình, nhưng rồi trước những hành động ngang ngược của hắn, Sử cũng không thể không đề phòng. Rồi việc gì đến cũng phải đến. Đêm 11/8/2001, A Lý cho bọn đàn em đến vũ trường quậy phá. Một cuộc hỗn chiến xảy ra và hậu quả là một nhân viên của vũ trường tên là Hiền bị đồng bọn của A Lý bắn chết. Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án và sau đó bắt được kẻ gây ra cái chết của Hiền.

Vụ việc tưởng dừng ở đấy và Hồ Việt Sử hoàn toàn chẳng nghĩ đến việc mình lại được tướng Nguyễn Việt Thành để mắt tới.

Ngày 18/12/2001, Hồ Việt Sử sững sờ khi bị bắt với các tội danh cờ bạc, gây rối trật tự công cộng và tất nhiên là bị đưa xuống Trại giam Công an Tiền Giang. Với nhiều đối tượng hình sự khác bị bắt trong vụ án Năm Cam thì việc “phi đả bất thành cung” là chuyện hầu như ai cũng phải nếm, nhưng Hồ Việt Sử thì lại khác. Trong những ngày ở trại giam, Sử không hề bị bạc đãi, bị hành hạ. Ngược lại, Sử được nhận tiếp tế một cách vô tư, được ở buồng giam với những điều kiện tốt hơn nhiều phạm nhân khác. Chính vì thế mà giới giang hồ cho rằng, việc bắt Hồ Việt Sử chỉ là màn kịch và Sử thực chất là người của công an được “đánh” vào trại giam, hay nói theo ngôn từ nghiệp vụ công an thì Sử thuộc loại “đặc tình trại giam” phục vụ cho Chuyên án Năm Cam.

Nhớ lại những ngày ấy, Hồ Việt Sử nói: “Khi mới bị bắt, tôi cũng nghĩ rằng Cơ quan Công an bắt tôi về tội cờ bạc và gây rối, gây thương tích. Nhưng khi vào trại giam, qua những buổi xét hỏi thì tôi mới rõ là họ muốn tôi khai ra mối quan hệ của tôi với ông Bùi Quốc Huy. Họ hỏi tôi rằng, từng ăn bao nhiêu bữa cơm với ông Huy, từng biếu ông Huy những loại quà gì… Nói nôm na là họ muốn dùng lời khai của tôi để buộc tội ông Bùi Quốc Huy”. Ông Nguyễn Việt Thành cũng vài lần hỏi cung Sử và luôn “động viên” rằng, nên khai ra sự thực về mối quan hệ với ông Huy. Và nếu khai “thành khẩn” thì sẽ được thả ngay.

Tôi hỏi Sử: “Vậy anh đã khai về ông Bùi Quốc Huy như thế nào?”. Sử cười nhạt: “Nếu như tôi đã khai về ông Bùi Quốc Huy theo như những điều họ muốn thì tôi đã không phải ngồi trại tạm giam 3 năm 8 tháng mới được đưa ra xét xử. Anh đã thấy có một vụ án cờ bạc, gây rối nào mà bị can bị tạm giam ngần ấy thời gian chưa?! Mà ở trại tạm giam, dù là tôi không bị hành hạ, nhưng khốn khổ như thế nào thì anh cũng biết rồi đấy”. Ngừng một lúc lâu, Sử lại nói tiếp: “Tôi cùng quê với ông Năm Huy (Bùi Quốc Huy) nhưng không có “dây mơ rễ má” gì cả và tôi biết ông Huy từ khi ông còn là Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Sau này khi ông lên các vị trí khác, tôi vẫn thường xuyên qua chơi, thăm hỏi vào những dịp lễ, tết. Cũng chính vì mối quan hệ đó của tôi với ông Huy mà tôi được nhiều người nể trọng. Khi ông Năm làm Giám đốc Công an thành phố thì ông đã biết tất cả những chuyện tôi làm ăn và cờ bạc ra sao. Ông từng gọi tôi đến nhà và chửi tôi rất nặng, rồi ông bảo: “Mày làm gì thì làm, đừng có mang cái danh tao ra để hù thiên hạ”. Thậm chí, ông còn bảo bà vợ cấm cửa không cho tôi tới. Ngay việc thành lập Công ty Song Pha liên kết với Công an thành phố để làm kinh tế thời ấy, cũng vì sợ ảnh hưởng đến ông Huy mà tôi phải rút lui để cho đối tác Singapore làm”.

Tôi hỏi Sử: “Có phải ông Đỗ Cao Bằng cũng bị giam cùng với anh không?”. Sử gật đầu: “Đúng vậy”. Rồi Sử nói bùi ngùi: “Những ngày ông Bằng bị giam chung với tôi, được chứng kiến những cảnh công an hành hạ ông Bằng mà tôi sợ quá. Ai lại một người như ông Bằng từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường Nam – Bắc, là một doanh nhân đang trên đà làm ăn thành đạt như thế mà khi vào tù người ta đối xử, hành hạ ông ấy như với một kẻ lưu manh, thậm chí khi ông Bằng được gọi ra để nhận thăm nuôi, họ còn bắt quỳ”. Rồi Hồ Việt Sử kể cho tôi nghe vô vàn những chuyện quái quỷ ở trong Trại giam Tiền Giang mà nói thật là cánh nhà văn chúng tôi vốn được coi là có đầu óc tưởng tượng, hư cấu phong phú cũng không thể nghĩ ra được.

Đó là những chuyện cảnh sát điều tra dùng nhục hình đối với phạm nhân, chuyện bắt ký bản khai khống, chuyện mớm cung, bức cung, chuyện ông Đỗ Cao Bằng bị dùng nhục hình ở Trại giam Tiền Giang như thế nào mà tôi đã đề cập đến trong loạt phóng sự “Vì sao có một số người hùng trong vụ Năm Cam bị khởi tố?” đăng trên Báo Năng Lượng Mới năm ngoái.

Vụ án Năm Cam và đồng bọn nếu như bây giờ được một cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ lưỡng lại từng trang hồ sơ, từng bản cung thì chắc chắc sẽ phát hiện ra vô vàn chuyện bất thường. Thật ra, khi xét xử Năm Cam và đồng bọn thì cũng đã có luật sư vạch vòi ra những sự bất hợp lý trong nhiều bản cung. Nhưng lúc ấy, lời “cãi” của luật sư làm gì có giá trị!

Nghe Hồ Việt Sử nói, tôi cũng thấy ớn lạnh và tôi không hiểu rằng nếu như hồi đấy ông Việt Thành ra lệnh bắt tôi và tống vào Trại giam Tiền Giang thì không hiểu sự thể sẽ là thế nào (việc ông Việt Thành suýt bắt tôi hồi ấy, tôi sẽ dành kể vào một dịp thích hợp).

Cũng phải nói thêm rằng, khi vụ án Năm Cam xảy ra, Hồ Việt Sử là người đã giúp đỡ cho công tác điều tra, bắt giữ một số đối tượng. Nhưng trớ trêu thay, những công lao của Hồ Việt Sử trong việc ấy đã không được Cơ quan điều tra cũng như tòa án xem xét tới. Thậm chí, họ còn cho rằng, việc làm của Hồ Việt Sử là chỉ nhằm che đậy cho “những thế lực còn đang giấu mặt”.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P (NLM)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa