“Vì sao các ông lại muốn bán Amur cho Trung Quốc? Sau này, các ông sẽ khóc với những giọt nước mắt to thế này này!”.
Trung Quốc đang cố gắng trở thành nước xuất khẩu tàu ngầm thông thường hiện đại. Muốn vậy, Trung Quốc cần có các công nghệ tàu ngầm mới nhất mà ngay hiện nay họ đang rất cần mua được. Nhưng nếu như Trung Quốc thực sự tiến ra thị trường đóng tàu ngầm thế giới với tư cách nhà sản xuất thì chẳng ai thích thú cả. Dù đó là Pháp, Thụy Điển, chứ chưa nói đến các quốc gia dẫn đầu trên thị trường tàu ngầm thông thường hiện nay là Đức và Nga.
Tại gian trưng bày của tổng công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc CSOC (China Shipbuilding and Offshore International Corporation) tại triển lãm quốc tế LIMA 2013 diễn ra ở đảo Langkawi, Malaysia từ ngày 26-30/3/2013, lại xuất hiện maket tàu ngầm S-20. Lần đầu tiên, maket này “nổi lên” trước mắt chúng ta vào tháng 2/2013 tại triển lãm hải quân NAVDEX 2013 ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Bên giá trưng bày, một đại diện Trung Quốc xem ra không giống với một chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu, cho hay mẫu tàu ngầm này không phải dành cho nhu cầu nội địa mà có những kế hoạch xuất khẩu xa xăm.
Trò chơi trốn tìm
Ý đồ xuất khẩu xem ra là đúng bởi lẽ thiết kế của thân tàu, phần mũi với 6 ống phóng lôi, đài chỉ huy và đuôi tàu S-20 là biến thể thu nhỏ đôi chút của tàu ngầm thông thường lớp 041 Nguyên (Yuan) mà Trung Quốc phát triển cho Hải quân Trung Quốc trên cơ sở các công nghệ của Nga và châu Âu và hội tụ trong mình nhiều đặc điểm của các tàu ngầm Nga lớp Projekt 877/636 Varshavyanka mà Trung Q 8 tàu Projekt 636 hiện đại hơn). Những khách hàng tiềm năng đầu tiên của S-20, theo các chuyên gia hải quân, có thể là Pakistan và Bangladesh.
Người ta lần đầu tiên biết đến sự ra đời của tàu ngầm thông thường lớp Nguyên ở Trung Quốc vào năm 2004. Các phương tiện trinh sát vũ trụ của Mỹ ngày 27/2 đã phát hiện một tàu ngầm thông thường lớp Nguyên tại xưởng đóng tàu của nhà máy Wuhan Shipyard ở Vũ Hán. Từ đó, 7-8 tàu ngầm lớp này đã được khởi đóng cho hải quân Trung Quốc. Năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự báo Trung Quốc sẽ đóng đến 15 tàu ngầm này.
Năm 2005-2006, tình báo vũ trụ Mỹ đã không thấy dấu hiệu nào của tàu ngầm thông thường lớp Nguyên nào. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì theo chiến lược đóng tàu ngầm của Trung Quốc, tàu đầu tiên thường phải trải qua hàng loạt thử nghiệm trong một thời gian dài. Trên các bức ảnh vệ tinh chụp ngày 21/9/2007, một tàu ngầm lớp Nguyên lại xuất hiện chính ở xưởng đóng đó. Các chuyên gia cho rằng, đây là tàu ngầm thứ hai của lớp Nguyên (tàu đóng hàng loạt đầu tiên).
Ngày 27/11/2007, 2 tàu ngầm loại này lại bị phát hiện tại khu vực nhà máy, trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, đây là tàu ngầm thứ hai và thứ ba của lớp 041. Các tàu này sau đó đã ra khơi thử nghiệm thời gian dài bởi lẽ trên các bức ảnh vũ trụ chụp năm 2009, lại không hề phát hiện thấy một tàu ngầm nào ở xưởng đóng tàu Vũ Hán.
Ngày 7/12/2010, các vệ tinh đã phát hiện 3 tàu ngầm thông thường tại xưởng đóng tàu Vũ Hán, còn ngày 26/4/2012, việc phân tích dữ liệu vệ tinh đã cho thấy: việc đóng một tàu ngầm lớp Nguyên đã hoàn thành, tàu ngầm này đã rời khỏi xưởng đóng tàu. Theo các nhà phân tích, tàu ngầm này đã rời đi Thượng Hải.
Trên các bức ảnh chụp ngày 2/11/2012, không hề thấy bóng dáng các tàu ngầm mới nào thuộc lớp Nguyên ở xưởng đóng tàu. Nhưng trước đó, ngày 14/3, một tàu ngầm đã bị phát hiện trong ụ tàu của xưởng đóng tàu Changxingdao ở Thượng Hải. Dự đoán đây là tàu ngầm được chuẩn bị trong năm 2011 để lắp đặt thiết bị. Sự có mặt của tàu ngầm thông thường lớp 041 tại 2 xưởng đóng tàu khiến các chuyên gia có cơ sở để cho rằng, việc đóng các tàu ngầm thông thường lớp Nguyên đang được hai hãng đóng tàu tiến hành.
Theo thông tin báo chí, việc tích hợp thiết bị lên các tàu ngầm lớp Nguyên, ngoài hãng đóng tàu Vũ Hán, một phần còn được tiến hành ở Thượng Hải tại nhà máy đóng tàu Shanghai Jiangnan Shipyard. Điều này xem ra hơi lạ lùng bởi vì nhà máy đóng tàu Vũ Hán thuộc tổng công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc có trụ sở ở miền bắc Trung Quốc, trong khi hãng đóng tàu Jiangnan lại nằm trong tập đoàn công nghiệp đóng tàu Nam Hải cạnh tranh với tổng công ty đóng tàu quốc doanh ở miền bắc. Theo tạp chí Kanwa, trong tương lai, hai tổng công ty đóng tàu này có thể hợp nhất.
Như vậy, trên cơ sở các bức ảnh vệ tinh, có thể dự đoán rằng, kể từ tháng 9/2004, Trung Quốc đã đóng xong 7 hoặc 8 tàu ngầm lớp Nguyên. Tàu ngầm đầu tiên lớp 041 (Số hiệu 330) có lẽ đã được đưa vào biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc vào năm 2006. Tính đến đầu năm 2012, đã có 4 tàu ngầm lớp này (Số hiệu 330 đến 333) trong biên chế, còn một tàu khác đang được đóng và 3 tàu khác dự định đóng.
Gia tăng lực lượng tàu ngầm thông thường
Theo thông tin hiện có, biến thể xuất khẩu của S-20 sẽ khác với mẫu cơ sở lớp 041. Các đặc tính kỹ-chiến thuật chính là: chiều dài 66, chiều rộng 8, chiều cao 8,2 m, lượng giãn nước khi nổi 1.850 tấn, lượng giãn nước khi lặn 2.300 tấn, tốc độ tối đa 18 hải lý/h, cự ly hành trình 8.000 hải lý ở tốc độ 16 hải lý/h hay 60 ngày đêm với thủy thủ đoàn 38 người.
Tàu có cấu trúc 2 vỏ quen thuộc đối với tàu ngầm thông thường của Nga với vỏ nhẹ có các đường viền xuyên dòng tốt vốn đặc trưng cho các tàu ngầm một trục hiện đại. Điều đó cho phép tàu lặn sâu đến 300 m. So với mẫu cơ sở, vỏ tháp tàu có kích thước được thu nhỏ, sử dụng các cánh lái mũi nằm ngang gắn trên tháp và cánh đứng đuôi có thêm phần trên. Mặc dù biến thể xuất khẩu không trù tính có khoang chứa động cơ không cần không khí (AIP), các đại diện của CSOC nói rằng, khoang đó có thể được bố trí, mặc dù không nói rõ họ mời chào công nghệ động cơ AIP nào. Họ có thể xuất khẩu turbine hơi nước chu trình kín, động cơ Stirling chu trình kín hoặc là máy phát điện hóa.
Theo các thông cáo báo chí, các hệ thống điện tử của tàu ngầm thông thường có kích thước như thế bao gồm một bộ tiêu chuẩn dành cho các tàu ngầm loại này, bao gồm một trạm thủy âm với các anten mạng. Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng, họ cũng đã phát triển được một trạm thủy âm kéo nhỏ. Thông tin về thành phần vũ khí còn ít hơn nữa. Rõ ràng là tàu sẽ có các ống phóng lôi, hệ thống điều khiển thủy lôi, các tên lửa chống hạm và các phương tiện khác, trong đó có thể có tên lửa ngư lôi, ngư lôi chống ngư lôi mà CSOC sẵn sàng mời chào cho khách hàng tiềm năng.
Phân tích các thông tin có được về cơ cấu lực lượng tàu ngầm thông thường của hải quân Trung Quốc, chúng ta có các số liệu sau đây. Tính tới đầu năm 2013, lực lượng này có 41 tàu ngầm tương đối hiện đại, trong đó có 12 tàu ngầm Nga lớp Kilo là hiện đại hơn cả và 4-5 tàu ngầm nội địa lớp Nguyên. Lực lượng tàu ngầm thông thường Trung Quốc có sự gia tăng về số lượng mạnh nhất vào năm 2004-2006, khi có 18 tàu ngầm, trong đó có 8 tàu Projekt 636 và 8 tàu nội địa lớp Tống được đưa vào biên chế hải quân, cũng như vào năm 2011-2012, khi có 8 tàu lớp Nguyên và 1 tàu lớp Thanh được nhận vào trang bị hoặc chuẩn bị nhận vào trang bị. Trong giai đoạn 1995-2012, hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế 51 tàu ngầm thông thường với nhịp độ 2,8 tàu/năm. Nếu nhịp độ đó sẽ vẫn được duy trì thì sắp tới, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ có từ 57-85 tàu ngầm thông thường với tuổi thọ trung bình 20-30 năm.
Không tính 12 tàu ngầm do Nga đóng, tổng số tàu ngầm thông thường do Trung Quốc tự đóng được đưa vào biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc trong những năm 1995-2012 là 39. Điều đó tương ứng với nhịp độ đưa tàu ngầm tự đóng vào biên chế chiến đấu ở mức 2,2 chiếc/năm. Với nhịp độ đóng tàu ngầm thông thường tại các xưởng đóng tàu nội địa như thế, số lượng tàu ngầm sẽ là 43-65 tàu với tuổi thọ trung bình 20-30 năm.
Chương trình mua sắm tàu ngầm thông thường mà hải quân Trung Quốc đang tiến hành cho thấy rằng, quân đội nước này dự định mua số lượng tàu ngầm ít hơn, nhưng có tính năng cao hơn, trong đó có các tàu ngầm thông thường với động cơ AIP, và sẽ đưa số lượng tàu ngầm thông thường lên đến 75 chiếc. Do hải quân Trung Quốc cực kỳ thèm khát các tàu ngầm hiện đại với khả năng chiến đấu cao, nên họ cần tiếp cận được các công nghệ tàu ngầm mới mà công nghiệp đóng tàu Trung Quốc hiện rất thiếu.
Nguy cơ sao chép
Gần đây, các quan chức Trung Quốc đã tích cực phủ nhận các thông tin thỉnh thoảng xuất hiện trên báo chí nói rằng, Trung Quốc đang đàm phán với Nga để mua 4 tàu ngầm thông thường mới. Bởi lẽ, trong danh mục xuất khẩu của hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport hiện có tàu ngầm thông thường lớp Amur-950 và Amur-1650 do Viện thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương TsKB MT Rubin thiết kế và là các biến thể xuất khẩu của tàu ngầm lớp Projekt 677 Lada, nên có thể cho rằng, loại tàu ngầm được nói đến đó chính là các tàu ngầm lớp Amur. Nhưng còn khi nào các đồng chí Trung Quốc bắt đầu hăng hái phủ nhận cái gì đó thì điều đó chỉ có nghĩa là: các cuộc đàm phán đó quả thực đang được tiến hành và mối quan tâm của phía Trung Quốc đến các công nghệ tàu ngâm quả thực là có.
Các chuyên gia của Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng có ý kiến tương tự khi họ trình bày các quan điểm của mình về sự phát triển và hiện đại hóa hải quân Trung Quốc trong báo cáo mới “Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc” (China Naval Modernization). Họ cho rằng, sự quan tâm của Bắc Kinh đối với sản phẩm xuất khẩu mới của TsKB MT Rubin có liên quan đến các kế hoạch của các chuyên gia Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu các công nghệ đóng tàu ngầm đẳng cấp thế giới và ứng dụng chúng vào các tàu ngầm nội địa. Liên quan đến vấn đề chế áp tiếng ồn cho các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, thì bất chấp những khẳng định của báo chí internet Trung Quốc rằng, đối với tàu ngầm lớp Nguyên, các công nghệ này liên tục được hoàn thiện, nhưng trên thực ra, một thực tế mà ai cũng biết là: việc kiểm soát mức ồn trên các tàu ngầm Trung Quốc hiện chưa thể đạt được tiêu chuẩn của NATO.
Tàu ngầm thông thường Amur-1650 có các ưu thế sau đây trước các tàu ngầm đã biết trên thế giới: khả năng tấn công hàng loạt bằng tên lửa từ tất cả các ống phóng lôi vào các mục tiêu trên biển và mục tiêu mặt đất, tầm phát hiện mục tiêu lớn hơn so với các phương tiện thủy âm hiện có nhờ có hệ thống thủy âm độc đáo, mức ồn thấp hơn. Nga đã bắt đầu tích cực xúc tiến biến thể xuất khẩu của lớp Projekt 677 ra thị trường vũ khí trang bị hải quân thế giới, nhưng đến nay, chưa nước nào nhập khẩu tàu ngầm này của Nga. Vì thế, nếu dự đoán rằng, hải quân Trung Quốc thực sự quan tâm đến các tàu ngầm thông thường của Nga thì mong muốn của quân đội Trung Quốc hiện đại hóa các tàu ngầm trên cơ sở thiết kế lớp Projekt 636 hiện có trong trang bị của họ xem ra sẽ logic hơn là ý định mua sắm các tàu ngầm dựa trên thiết kế Projekt 677 mà đến nay vẫn chưa đưa vào đóng hàng loạt cho Hải quân Nga.
Có thể cho rằng, hệ thống tên lửa đa năng trang bị cho tàu ngầm Club-S, cũng như hàng loạt công nghệ tàu ngầm giảm độ bộc lộ của Nga, trong đó có các phương pháp giảm các trường vật lý, là sự hấp dẫn lớn đối với Bắc Kinh. Có thể tiếp cận các công nghệ đó, nếu như trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung, họ cố tìm cách không phải là mua một cách đơn giản mấy tàu ngầm Amur-1650 đóng tại các xưởng đóng tàu ở Nga mà là hợp tác thieets kế hoặc đóng theo giấy phép tàu ngầm thông thường trên cơ sở thiết kế Projekt 677 ở Trung Quốc. Nhưng nếu quyết định đó được đưa ra, liệu nó có lợi cho Nga hay không?
“Trong quá khứ, Trung Quốc đã mua một lô lớn tàu ngầm lớp Projekt 877EKM/636, bởi vậy không nên loại trừ khả năng trong tương lai, Trung Quốc sẽ muốn mua các tàu ngầm hiện đại hơn”, Tổng giám đốc TsKB MT Rubin, ông Igor Vilnit cho biết tại Langkawi, Malaysia. Đồng thời, tại Rubin, người ta cũng không loại trừ nguy cơ Trung Quốc sao chép tàu ngầm tối tân Amur một khi nó được bán cho Trung Quốc. Về vấn đề này, ông Igor Vilnit cho biết thêm rằng, vấn đề bán tàu ngầm Amur sẽ được giải quyết ở cấp độ chính trị. Vị Tổng giám đốc Rubin cũng cho biết, hiện nay, đối với các tàu ngầm Amur “đã có những yêu cầu từ các nước, các khu vực, các lục địa khác nhau đang ở giai đoạn bàn bạc thống nhất các tính năng thực tế”.
Liệu công nghiệp đóng tàu quân sự Trung Quốc có thể lặp lại điều mà công nghiệp hàng không của họ đã làm được là sao chép các tiêm kích Su-27 (J-11В) và tiêm kích trên hạm Su-33 (J-15) hay không? Ngoài ra, các chuyên gia của hai công ty chế tạo máy bay cạnh tranh nhau Thành Đô và Thẩm Dương đã chế tạo được các mẫu chế thử tiêm kích thế hệ mới là J-20 và J-31 có ứng dụng công nghệ tàng hình (Stealth). Trung Quốc đã mở rộng chủng loại tên lửa hàng không, phát triển thiết bị hiện đại, trong đó có radar anten mạng pha chủ động và hệ thống sục sạo-ngắm bắn hồng ngoại cho các máy bay mới này.
Con rồng ảo
Phân tích sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ cho rằng, một trong những yếu tố cơ bản làm nên sự phát triển đó là hoạt động gián điệp điều khiển học (gián điệp mạng) hiệu quả và có mục đích của Trung Quốc nhằm vào các ngành công nghiệp của các nước phương Tây hàng đầu. Mỹ đã phản ứng với mối đe dọa này của Trung Quốc và cấm hàng loạt cơ quan liên bang Mỹ mua sắm các hệ thống máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin sản xuất bởi các công ty có liên quan nào đó với chính phủ Trung Quốc.
Theo các quan chức Mỹ, biện pháp nhằm đấu tranh với hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc này đã được đưa vào nghị quyết về cấp kinh phí tạm thời cho chính phủ mà Tổng thống Barack Obama đã ký. Theo văn kiện này, lệnh cấm được áp dụng đói với một số cơ quan liên bang, trong đó có các bộ Thương mại và Tư pháp, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA, Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ và hàng loạt các tổ chức khác, và sẽ có hiệu lực đến cuối tài khóa hiện nay vốn sẽ kết thúc vào ngày 30/9.
Sắc lệnh này cấm mua các bộ ngành nói trên mua các hệ thống công nghệ thông tin được sản xuất bởi bất kỳ xí nghiệp nào thuộc sở hữu, được điều hành hay được tài tợ bởi chính phủ Trung Quốc. Các cơ quan nhà nước vẫn có thể được phép mua các công nghệ nào đó với điều kiện chúng đáp ứng các lợi ích quốc gia của Mỹ. Đồng thời, việc mua sắm đó phải được Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI phê chuẩn để bảo đảm chắc chắn là không có nguy cơ gián điệp mạng hay phá hoại có liên quan đến việc mua sắm cáchệ thống do Trung Quốc sản xuất.
Tháng 2/2013, công ty tư nhân Mandiant đã công bố một báo cáo về hoạt động của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật thương mại và tài sản trí tuệ của Mỹ bằng công nghệ máy tính. Nghiên cứu các vụ tấn công điều khiển học nhằm vào hơn 140 công ty Mỹ, các chuyên gia về an ninh đi đến kết luận rằng, các cuộc tấn công xuất phát từ đơn vị bí mật 61398 của quân đội Trung Quốc đóng tại Thượng Hải. Chính phủ Trung Quốc dĩ nhiên là bác bỏ những cáo buộc này.
Thời gian sẽ cho chúng ta thấy, người ta sẽ đưa ra quyết định thế nào về khả năng xuất khẩu các công nghệ tàu ngầm tối tân nhất của Nga sang Trung Quốc. Nhưng rất mong là kết quả của quyết định này hoàn toàn phù hợp với cái cảnh được chứng kiến tại gian triển lãm của Rosoboronoexport tại LIMA 2013. Khi nói chuyện với ông Viktor Komardin, trưởng đoàn Rosoboronoexport, thì ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí kỹ thuật quân sự chuyên ngành Kanwa, với gương mặt méo xệch vì tuyệt vọng gần như hét lên: “Vì sao các ông lại muốn bán Amur cho Trung Quốc? Sau này, các ông sẽ khóc với những giọt nước mắt to thế này này!”. Những giọt nước mắt mà ông Chang vẽ ra quả thực rất to.
(BRT)
Hiện chưa có phản hồi nào.