Ý tưởng về dự án tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công dài hơn 30km nhằm chống lũ lụt và ngập úng cũng như các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười đang gây ra nhiều ý kiến quan ngại…
Dự án trên do Tổng cục Thủy lợi đề xuất và dựa trên ý tưởng của GS.TS. Đào Xuân Học, hiện là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Mục đích của tuyến đê biển tầm cỡ này sẽ lồng ghép các nhiệm vụ giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, tạo sự liên kết giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Vũng Tàu và các tỉnh Nam Trung bộ, ứng phó với mực nước biển dâng với phát triển đô thị biển – một mô hình phỏng theo tuyến đê biển Saemangeum của Hàn Quốc.
Đây là ý tưởng về dự án đê biển từ Vũng tàu đến Gò Công, có liên quan trực tiếp đến cùng đất trũng thấp thuộc lưu vực sông Vàm cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực Đồng tháp Mười và khu vực Thành phố HCM.
Ý TƯỞNG DỰ ÁN TUYẾN ĐÊ BIỂN VŨNG TÀU – GÒ CÔNG
1.Đặt vấn đề
Dự án đê biển từ Vùng Tàu đến Gò Công liên quan trực tiếp đến vùng đất trũng thấp thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực TP. Hồ Chí Minh nằm ở vùng cửa nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, sát với biển nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển, trong đó ảnh hưởng của biển mang tính thống trị. Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai thành phố có cao trình thấp dưới 2m, những vùng trũng thấp có cao trình từ 0m đến 0.5m là những vùng ngập triều thường xuyên đất hoang hóa. Nhiều hồ chứa lớn đã và đang được xây dựng ở thượng lưu, lượng lũ được giữ lại, lưu lượng bình quân muầ lũ giảm nhiều, nên dòng chảy trong sông yếu dần. Ngược lại dòng triều tác động ngày càng mạnh lên và đang có xu thế ngày càng gia tăng, vấn đề xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt đã và đang xảy ra nghiêm trọng trên sông Sài Gòn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy cấp nước cho thành phố. Việc san lấp các vùng trũng lấy đất xây dựng, xây dựng đê ngăn lũ, ngăn triều, ngăn mặn dọc sông làm tập trung dòng chảy, dòng triều vào trong sông, làm dâng cao mức nước đỉnh triều và hạ thấp mức nước chân triều. Biên độ triều tăng dẫn đến năng lượng triều gia tăng, thời gian truyền triều từ biển vào rút ngắn, dòng chảy trên sông bị dồn nén, xói lở bờ gia tăng, khả năng tiếp nhận nước mưa từ hệ thống tiêu không thuận lợi. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho vấn đề ngập úng của TP. HCM ngày càng thêm trầm trọng.
Vùng Đồng Tháp Mười ĐTM cũng là vùng trũng thấp khó thoát nước, xu hướng ngập lũ trong nội đồng ngày càng gia tăng về chiều sâu ngập và thời gian ngập. Việc tiêu nước ra sông Tiền ngày càng hạn chế do chiều dài kênh dẫn nước ngày càng dài do các khu dân cư tiếp tục phát triển sâu vào vùng Đồng tháp Mười. Hướng tiêu thuận lợi cho vùng ĐTM là sông Vàm Cỏ, tuy nhiên do tác động của nước biển dâng, sự gia tăng của động năng dòng triều nên vấn đề tiêu thoát theo hướng này cũng ngày càng khó khăn. Nhiều vùng chua phèn của tỉnh Long An vẫn chưa được giải quyết, môi trường vùng giáp nước không được cải thiện. Vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt xảy ra thường xuyên tác động lớn đến sản xuất của Tỉnh Long An. Vào mùa khô phải xả nước từ hồ Dầu Tiếng xuống sông Vàm Cỏ để đẩy mặn là giải pháp tình thế không phù hợp về dài lâu. Hệ thống thủy lợi Gò Công đã được hoàn chỉnh, tuy nhiên những năm qua nước mặn xâm nhập bao quanh toàn hệ thống dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang tác động mạnh mẽ tới vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở tỉnh Long An trên sông Vàm Cỏ, ở hệ thống thủy lợi Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, ở TP. HCM trên sông Sài Gòn, tác động đến vấn đề úng ngập của TP. HCM, đến vấn đề ngập lũ của vùng ĐTM. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp triều cường – nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước làm gia tăng tình trạng ngập lụt cho Thành phố.
Để giải quyết tình trạng ngập úng do triều và lũ ở TP. HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch với việc xây dựng hệ thống đê bao và cống ở các kênh lớn ven bờ hữu sông Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông. Quy hoạch chủ yếu tập trung giải quyết vùng đô thị đông dân cư, các vùng còn lại sẽ được giải quyết và xem xét ở giai đoạn II. Trong giai đoạn II trong chương trình chống ngập úng cho TP.HCM cần phải xây dựng cống lớn trên sông Lòng Tàu và Soài Rạp. Để giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, trữ ngọt và tăng cường khả năng thoát lũ cho vùng ĐTM trên sông Vàm Cỏ, chúng ta cũng cần sớm xây dựng cống lớn trên sông Vàm Cỏ. Chương trình đê biển tử Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt và đang thực hiện. Đê biển thuộc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất cần được xây dựng ngay nhưng đang khó khăn trong việc lựa chọn phương án tuyến vì hệ thống kênh rạch lớn quá nhiều.
Việc xây dựng tuyến đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công là công trình sẽ đem lại hiệu ích tổng hợp cho phát triển kinh tế xã hội trong vùng và vùng miền Tây Nam Bộ.
2. Mục tiêu của dự án
Chống lũ lụt và ngập úng cho toàn vùng TP. Hồ Chí Minh trước mắt và lâu dài, tăng cường khả năng thoát lũ, chống ngập úng, chống xâm nhập mặn cho TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐTM trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐTM, rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tầu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, mở rộng các khu đô thị mới cho TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch, điện năng và phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.
3. Nội dung đề xuất dự án
Xuất phát từ nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý nước và phát triển bền vững kinh tế xã hội trong vùng, dự án đê biển bao gồm một tuyến đê dài 32 km, xuất phát từ Vũng Tàu đến Gò Công, chiều sâu nước trung bình 6 m, nơi sâu nhất 12m và một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy, mặt đê rộng 50m. Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000ha chưa kể diện tích bán ngập, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3 chưa kể khối lượng nước ở trong các sông khoảng gần 2 tỷ m3, trục giao thông kết nối Vũng Tàu với miền Tây.
4. Những tác động tích cực của dự án
a. Chống lũ, chống ngập lụt và các thiên tai từ biển: Thông qua cống kiểm soát triều ở đê, ta có thể khống chế mực nước trong hồ theo yêu cầu; với diện tích mặt nước 56.000ha và dung tích hồ chứa 3,3 tỷ m3, ta có thể chứa lũ, chứa nước mưa khi triều lên, khi triều rút thì xả nước mưa và lũ, như vậy khả năng thoát lũ của các sông sẽ tăng lên tạo điều kiện thoát lũ vùng ĐTM và khu vực TP.HCM, theo kết quả tính toán sơ bộ tổng lượng nước được tiêu sẽ tăng lên xấp xỉ 2 lần trong cùng một đơn vị thời gian. Do đó mực nước trên sông sẽ được hạ thấp, tạo điều kiện tăng khả năng thoát nước mưa từ hệ thống cống rãnh trong thành phố. Con đê lớn và bền vững có thể ngăn chặn tất cả các loại thiên tai từ biển như bão, sóng thần, nơi tránh trú bão cho các loại tầu thuyền ở khu vực.
b. Kiểm soát mặn: Đỉnh triều cao là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xâm nhập mặn, do chủ động kiểm soát được mực nước trong hồ, nên tình trạng xâm nhập mặn sẽ không sâu vào đất liền và có thể khống chế theo mong muốn.
c. Tạo ra trục giao thông thuận lợi kết nối các vùng: Hiện nay từ các Tỉnh miền Tây đi Vũng Tàu phải lên TP.HCM và từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu dài 116 km đường bộ. Khi trục đê biển hình thành, từ thị xã Tiền Giang đi đến Vũng Tàu chỉ còn 70km. Đặc biệt khi tuyến đê biển kết hợp với đường giao thông ven biển được thi công xong sẽ tạo sự kết nối rất thuận lợi dọc theo đường biển từ Phan Rang – Phan Thiết – Vũng Tàu – các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tạo quỹ đất rộng rãi dọc hai bên đê để xây dựng cảng biển cho Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh trong vùng.
d. Tạo quỹ đất để phát triển: Với diện tích 56.000 ha mặt nước mới được tạo ra và còn khoảng 5.000ha vùng trũng thấp bán ngập ven hồ, ven sông chưa được sử dụng, chúng ta sẽ dành một phần đất để phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các khu đô thị thuộc thành phố Vũng Tàu, Tp. HCM, Tiền Giang và Long An. Riêng TP. HCM diện tích vùng trũng thấp khoảng gần 100.000ha chưa được khai thác, hoặc khai thác chưa hiệu quả sẽ trở thành vùng đất màu mỡ hoặc phát triển đô thị, mở rộng thành phố ra phía biển một cách rất an toàn.
Bà Rịa – Vũng Tàu có một vị trí thuận lợi cho việc phát triển du lịch, được đánh giá là một trong những điểm du lịch trọng tâm của đất nước. Sau khi xây dựng xong đê, có thể tiến hành xây dựng khu đô thị an toàn giữa hồ chứa sẽ tạo khu du lịch độc đáo và hấp dẫn, vừa có cảnh quan độc đáo vừa có môi trường sinh thái tự nhiên đặc biệt.
e. Sử dụng năng lượng thuỷ triều, điện gió: Hiện nay trên thế giới đang khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, dự án sẽ sử dụng dung tích của hồ để khai thác năng lượng thuỷ triều phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Theo tính toán sơ bộ nếu đầu tư xây dựng trạm thủy điện sử dụng năng lượng thủy triều có thể đem lại: Công suất lắp máy khoảng 300.000kw, điện lượng 2,0 *109 kwh đã trừ 3 tháng mùa lũ không điều hành phát điện. Ngoài ra dọc theo tuyến đê có thể bố trí một số quạt gió để phát điện.
f. Là nơi dự trữ nguồn nước ngọt trong tương lai: Về lâu dài trong điều kiện BĐKH, những tác động từ phía thượng lưu gây nên cạn kiện về nguồn nước, không đủ nước ngọt cung cấp cho khu vực TP.HCM và vùng ĐTM khi đó ta có chuyển hồ thành hồ nước ngọt để phục vụ cho dân sinh kinh tế trong vùng, khi đó các hệ sinh thái nước lợ sẽ được chuyển dần sang sinh thái nước ngọt. Với khoảng gần 5 tỷ m3 kể cả trong sông chúng ta có thể đảm bảo an ninh về nước trong bất kể sự diễn biến nào ở thượng lưu.
g. Giảm vốn đầu tư xây dựng các cống lớn và hệ thống đê trong khu vực: Xây dựng đê biển và một sống ngăn triều chúng ta giảm được ít nhất 3 cống lớn sẽ phải xây dựng trong thời gian tới: Cống Vàm Cỏ khoảng 800m đã nghiên cứu xây dựng tiền khả thi năm 2005; cống trên sông Lòng Tàu đáy sông sâu 30m, rộng khoảng 300m và Soài Rạp rộng khoảng 3km, sâu khoảng 20m. Cống trên đê sẽ nhỏ hơn ba cống ở trên. Các cống trong dự án chống ngập úng ở TP. HCM sẽ được xem xét lại về sự cần thiết và quy mô trong thời gian tới. Hệ thống đê sông của Long An, hệ thống đê biển của TP.HCM và vùng Gò Công của Tiền Giang khoảng 300km không cần xây dựng mới ở TP. HCM và nâng cấp.
i. Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong vùng: Những vùng đất rộng lớn được khai thác cho phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, các khu công nghiệp, khu đô thị, tạo sự kết nối và rút ngắn khoảng cách giao thông; toàn vùng sẽ an toàn trước thiên tai từ biển, từ lũ lụt, xâm nhập mặn là tiền đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế xã hội trong vùng.
5. Những tác động tiêu cực
- Về môi trường: Với mục tiêu chính đã nêu ở trên do có cống điều tiết chỉ ngăn đỉnh triều để chống ngập triều, ngập lũ cho thành phố và tăng khả năng tiêu thoát lũ, hồ phía trong đê vẫn là hồ nước mặn nên không ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái khu vực bên trong đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng Cần Giờ.
- Giao thông thủy: Các tàu thuyền đi vào trong hồ và các sông đều phải đi qua âu thuyền, đây là khó khăn lớn nhất cần quam tâm giải quyết, tuy nhiên với công nghệ hiện nay ta có thể xây dựng nhiều âu thuyền hiện đại không gây ách tắc giao thông thủy trong khu vực.
- Ảnh hưởng đến luồng cá đi, trong thiết kế sẽ bố trí luồng cá đi.
6. Cơ chế thực hiện
Kinh phí xây dựng đê, cống, thủy điện sử dụng năng lượng triều và đường giao thông sẽ chủ yếu do các thành phần kinh tế, các tập đoàn được hưởng lợi từ quỹ đất để xây dựng đô thị, du lịch và các dịch vụ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, lập dự án, thiết kế và một phần nhỏ trong xây dựng.
Các thông tin cơ bản về tuyến đê từ Vũng Tàu đến Gò Công
+ Chiều dài tuyến đê: 32.000 m
+ Diện tích mặt mước: 56.000 ha
+ Độ sâu nước trung bình: 6 m, sâu nhất 12m
+ Dung tích hồ chứa: 3.300.000.000 m3 chưa kể trong sông
+ Mặt đê làm trục giao thông rộng 50m, dài 32km
+ Kinh phí ước tính sơ bộ: 30.000.000.000.000 đ
(Theo www.wrd.gov.vn)