“Muốn khắc chế được nạn phá rừng, trước tiên phải cắt quyền của nhóm lợi ích” – GS.TS Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ nói về cáo buộc phá rừng của tổ chức GW.
GW từng cáo buộc doanh nghiệp Việt Nam phá rừng
PV:- Với những lý do trồng rừng thì phải khai hoang, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người ở Tây Nguyên và căn bản nhất là tất cả đều đúng luật. Nhưng tàn phá rừng, thiệt hại không chỉ tới môi trường sống của cư dân bản địa mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Là một nhà khoa học, một nhà quản lý ông nhìn nhận vấn đề này thế nào? Ông nghĩ gì trước lời cáo buộc Tập đoàn HAGL đang nhân danh kinh tế để phá rừng của tổ chức Global Witness (GW)?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung:- GW nói đúng chứ không sai. Đó là một tổ chức có uy tín trên thế giới nếu họ đã có cáo buộc thì họ sẽ có bằng chứng.
GW là một tổ chức họ điều tra tất cả mọi thứ nhưng lại không để lộ thông tin. Chỉ đến khi họ công bố thông tin chính thức trên tạp chí của họ. Họ có tất cả các bằng chứng mà không thể chối cãi được.
GW từng có bài báo viết về nạn phá rừng buôn gỗ cách đây 15 năm. Đó là bài điều tra có tên là “Chế tạo tại Việt Nam nhưng khai thác tại Campuchia”. Bài báo nói về một đường dây phá rừng buôn gỗ lậu từ TP.HCM do một công ty thuộc Tổng Cty Lâm nghiệp ở đó làm…
Nghĩa là, Campuchia chặt gỗ bán, mình mua ký hợp đồng giữa hai nước và nhận hàng ở biên giới.
Nhưng công ty của Việt Nam đã đàm phán riêng với Campuchia mua trực tiếp khu rừng nào thì sẽ tự sang khai thác và vận chuyển lấy (tự khai thác thì họ không quản lý, khai báo bao nhiêu m3 gỗ thì trả tiền bấy nhiêu- PV). Đó là chỉ vì tiền lãi mà phải làm như vậy.
Sau một sự cố đáng tiếc, Chính phủ đã yêu cầu mở một hội nghị tại Phnom Penh, họp với Campuchia, Lào, GW. Từ đó, đã có chỉ đạo ngăn chặn các doanh nghiệp chỉ vì lãi mà làm mất uy tín, của Việt Nam.
Nhưng, hiện nay phá rừng, khai hoang lấy đất, có thể bản chất của nó là không hợp pháp nhưng họ sẽ tìm mọi cách để hợp pháp hóa nó. Trước đây, các đại gia Sài Gòn để lấy được đất rừng họ thực hiện như sau:
Lợi dụng chính sách ưu tiên của nhà nước với người dân tộc (cụ thể là dân tộc Thượng phá rừng thì không bị phạt), các đại gia này đã tìm cách tiếp cận với người Thượng, cho họ ít tiền để họ chặt rừng đốt rẫy, trồng vài trăm cây điều, rồi bán nương điều này cho chính đại gia đó để họ công khai trồng cà phê. Đại gia lại tiếp tục cấp tiền, cấp giống rồi tiếp tục đầy lùi họ vào rừng sâu, tiếp tục phá, tiếp tục lấy đất…
Đó chính là cách ban đầu để các đại gia này hợp pháp hóa lấy đất rừng để trồng cà phê.
Sau này, người dân tộc không được phá rừng nữa, rừng được giao cho bản làng, già làng quản lý. Các già làng, già bản sẽ phải khai báo cần bao nhiêu diện tích đất rừng để trồng điều sẽ được nhà nước cấp. Lúc này các đại gia lại áp dụng biện pháp chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Với những khu đất trống, đồi trọc mà bị bào mòn thì giá trị kinh tế không cao, nên các đại gia này muốn khai thác đất rừng, loại đất tốt nhất. Và họ tàn phá đất rừng này bằng cách cứ đẩy lùi người dân tộc vào sâu trong rừng rồi để họ khai hoang, sau đó lại mua lại với giá rất thấp.
Có thể GW nay lại tố cáo cách làm của HAGL hiện nay là thuê đất trồng cao su của nhà nước Lào và Campuchia, mà việc chặt rừng và dãn dân thuộc trách nhiệm người cho thuê đất. Cái hợp lý của họ là cái sai mà cả thế giới phản đối nhưng lại được hợp thức hóa, được pháp luật công nhận.
Ngay ở Tây nguyên, từ năm 2007, chính phủ cho phép lấy 100.000 ha đất chưa sử dụng và chủ yếu là từ rừng tự nhiên nghèo để phát triển quy hoạch cao su. Sau 5 năm hàng trăm dự án đã được phê duyệt và triển khai, trong đó đa số chủ đầu tư là các đại gia chứ không phải Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Trong khi 1 dự án thuỷ điện chiếm 200-300 ha rừng được hàng vạn tiếng nói, hàng trăm tổ chức lên tiếng bảo vệ rừng, thế mà hàng trăm lần mất rừng tự nhiên cho cao su thì chỉ có Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bảo vệ .
Tháng 12/2011 chuyên gia Cục thẩm định và ĐTM thuộc Tổng cục Môi trường khảo sát, chỉ ra nhiều dự án chặt rừng tự nhiên nghèo để trồng cao su đã không thực hiện cam kết “Bảo vệ môi trường” và nhất là “Sử dụng lao động tại chỗ” đến nỗi UBND tỉnh Đắc Lắc đã dừng chủ trương đầu tư 28 dự án. Tôi không bình luận, vì không nghiên cứu tố cáo của GW lần này là gì, có giống như lấy rừng tự nhiên ở Tây Nguyên?
Mục đích của người phá rừng không phải là phá môi trường để cho con người chết, mà chỉ vì một cái lợi trước mắt, chỉ vì mấy đồng bạc bỏ túi mà làm như vậy.
PV: – Có thể nhân danh phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước, tạo công ăn việc làm mà được quyền phá rừng để…trồng rừng mới với hiệu quả cao hơn?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung:- Từ năm 1992, Việt Nam cũng đã ký vào nhiều công ước quốc tế, trong đó có vấn đề phát triển rừng bền vững. Đó là khoảng thời gian người ta nói rằng loài người bỗng tự nhiên tỉnh ngủ, sau khi đã ăn quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, khiến môi trường bị tàn phá, gây biến đổi khí hậu, một số nước bị sa mạc hóa.
Nhận thức việc này, thế giới đã cho ra đời hàng loạt các công ước. Quan trọng nhất là lĩnh vực “Môi trường và phát triển”.
Trong công ước khung về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, cũng có một quy định về cơ chế phát triển sạch (CDM) khi trồng rừng xin tín chỉ carbon, thì từ năm 2000 không được chặt rừng tự nhiên (dù nghèo kiệt) để trồng rừng mới.
Một tổ chức bảo vệ rừng tự nhiên nữa là Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), là tổ chức cấp chứng chỉ cho chủ rừng đang “quản lý bền vững” để gỗ được lưu thông vào mọi thị trường mà giá lại cao hơn rất nhiều. Nhưng FSC cũng nói ngay, không được cấp chứng chỉ nếu chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng sau tháng 11/1994.
Việc trồng cao su cũng vậy. Cây cao su là cây đa mục đích có thể trồng rừng lấy mủ, lấy gỗ, hoặc trồng rừng phòng hộ. Nhưng rừng cao su về mặt môi trường không tốt như các rừng trồng khác, thứ nhất đa dạng sinh học đơn giản, thứ hai là khả năng hấp thụ khí CO2 kém (chu kỳ 30 năm chỉ tích lũy được 20-30 tấn sinh khối khô…)
Các doanh nghiệp phá rừng tự nhiên, chuyển thành rừng trồng đã bị cả thế giới lên án, lại chuyển sang trồng rừng cao su thì điều đó càng không nên, trừ khi trồng trên các loại đất chưa sử dụng khác.
Thực ra ở Viêt Nam hiện nay, đầu cơ, buôn đất mới là có lãi lớn. Có đất rồi, có sổ đỏ rồi hoặc hợp đồng thuê đất, chỉ cần nhượng 1 vài ha thì cũng đã đủ tiền chi phí và bôi trơn để có được đất sạch cho 1 dự án cao su . Vì khi có quyền sử dụng đất thì có thể chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất như đã lộ ra qua sự kiện Nông trường Sông Hậu, hay đất nuôi trồng thuỷ sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng .
Muốn khắc chế nạn phá rừng phải cắt quyền của nhóm lợi ích
PV:- Việc lách luật nhằm khai thác gỗ rừng có nhiều cách và nạn nhân của các “lâm tặc” thường xuất hiện ở các quốc gia nghèo đói hoặc đang khát vốn để phát triển. GW tiến hành điều tra riêng, cáo buộc trên trường quốc tế nhằm ngăn chặn lâm tặc quốc tế. Xét cho cùng thì hiệu quả vẫn không cao, không thể ngăn chặn được nạn phá rừng ồ ạt trong phạm vi từng quốc gia, ông có cao kiến gì để khắc chế quốc nạn phá rừng?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung:- Tây Nguyên được coi là mái nhà xanh, là lá phổi giữ ổn định sinh thái cho cả nước. Nhưng chỉ cần theo dõi thông tin là biết, cứ mỗi lần mưa lũ là hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, mùa màng bị phá huỷ, hàng vạn m3 gỗ mênh mông trôi ở các cửa sông. Nhìn vào đó là biết ngay, lâm tặc vẫn hoành hành.
Đó là điều bất cập. Bất cập ở chỗ càng biết luật lại càng làm trái luật. Đến cả không ít người thực thi lâm luật lại có lúc, có nơi cộng tác với lâm tặc hoặc bảo vệ nhóm lợi ích cao hơn. Tức là, lẽ ra họ phải chống thì họ lại làm, mà không chỉ riêng gì trong kiểm lâm mà bất cứ ngành nào cũng có.
Lợi ích đó chỉ có những người có chức có quyền mới làm được. Người ta gọi là tham nhũng.
Việc giữ rừng chỉ với một lực lượng chuyên trách thì không thể làm được. Nếu nhìn ra các nước, với Campuchia, Lào cũng vậy cũng giống như nước ta nạn tham nhũng hoành hành làm nghèo đi đất nước.
Một thực tế là cứ chống cái gì thì cái đó lại phát triển mạnh, chống buôn lậu thì buôn lậu nhiều hơn, chống tham nhũng thì tham nhũng lớn hơn. Tốt nhất là không nên chống nữa. Chính vì vậy, phải cải cách đồng bộ toàn hệ thống hành chính.
Phải làm đồng bộ, đa sở hữu. Khi ruộng ở thành phố còn mất thì đất rừng mất là đương nhiên. Vì hiện tại giờ đất rừng đang là sở hữu của toàn dân, Lâm trường quản lý rừng sản xuất, hiện nay không tư nhân hoá được.
Không cổ phần hoá được cũng tại chính sách đất đai vẫn như hồi chiến tranh. Nhà nước có quyền thu hồi, thu hồi xong lại có quyền chuyển mục đích sử dụng thì các nhóm lợi ích họ phải giữ bằng được chính sách này…
Muốn khắc chế được điều này phải làm sao để nhóm lợi ích không có được hai quyền đó.
PV:- Việc các nhóm lợi ích liên kết lại dùng lệ để lách luật là vô cùng khó điều tra cáo buộc trước công luận. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn nạn phá rừng tàn phá môi trường sống?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung: – Phải cải tổ từ gốc. Không thể để người có quyền thích diễn vở gì, thì dân được xem vở đó.
Nếu nói sòng phẳng, thì khó. Vì khi có một tí quyền là có khả năng tham nhũng. Vậy thì có thể kỷ luật được không. Không. Vì tất cả người có quyền đều đã tham nhũng, hoặc đang tập tham nhũng. Hãy chỉ ra xem có ông cán bộ cấp xã, cấp huyện nào không quá giàu, chỉ cần so với trước đây 20-30 năm, họ cũng nghèo như dân!
Nếu rừng mất hết thì sẽ chết cả nhân loại, người giàu cũng chết, người nghèo cũng chết chứ không phải riêng gì ai. Chính vì vậy mà các nước tư bản họ rất sợ mất rừng. Mất rừng sẽ sinh ra bão tố, lụt lội, biến đổi khí hậu nghĩa là ảnh hưởng tới cả nhân loại.
Nhưng do sự ích kỷ của con người chỉ vì cái lợi trước mắt mà đôi khi họ bất chấp tất cả.
Tận thu gỗ là tiếp tay cho lâm tặc
PV:- Báo chí Lào ca ngợi hết lời tập đoàn HAGL, thậm chí Chủ tịch tập đoàn HAGL còn lên tiếng cho rằng GW đã lợi dụng tập đoàn này để đánh bóng tên tuổi. HAGL cũng khẳng định không lấy một m3 gỗ nào, chỉ nhận đất sạch. Ông nhận xét gì về điều này?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung: – Việc HAGL (hay bất kỳ ai) đầu từ sang các nước khác thì thường là phải có lãi hoặc lợi ích cao hơn, đầu tư là hành động kinh doanh chứ không phải là làm nhân đạo. Còn nước được đầu tư cũng thấy cái lợi, là có vốn, có công nghệ, hơn thiệt thì chính họ phải cân nhắc, có thể cho là cơ hội được vay vốn của HAGL, hoặc cơ hội cải thiện đời sống cho dân.
Có lẽ HAGL nói đúng. Nếu theo luật của Việt Nam thì chủ đầu tư được thuê đất sạch, không liên quan đến kinh doanh gỗ để giải phóng mặt bằng như xưa.
Nhưng như tôi đã nói, từ cách đây 15 năm tôi đã phải chủ trì cuộc họp ở Đông Dương chính là vì Campuchia lúc đó các quân khu được giao rừng, giao mỏ đá quý đang phá rừng ác liệt, mà mình mua gỗ của Campuchia thì thế giới đã lên tiếng cảnh báo đây là hành động tiếp tay cho nạn phá rừng. Do quan niệm khác nhau, mình đã lý luận rằng mình không mua thì các nước khác họ sẽ mua vì vậy tôi mua trên cơ sở bình đẳng quốc tế. Ký hợp đồng mua bán, việc vi phạm của 1 công ty thì công ty đó bị xử lý…
Tức là mình không muốn tiếp tay phá rừng nhưng nếu không mua thì họ vẫn bán để nuôi sống quân đội của họ. Tôi không thể bình luận gì vì chưa nghiên cứu tố cáo của GW và không có thông tin về dự án của HAGL .
PV:- Trên thực tế, VN cũng đã hoàn tất chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng nhưng Tây Nguyên vẫn bị hạn hán, lũ lụt nhiều hơn trước, Tây Bắc cũng trong tình trạng sa mạc hóa nhiều nơi, như vậy, người trồng dứt khoát không thể kịp cho kẻ phá. Theo ông, đã đến lúc cần 1 kế hoạch tổng thể cấp quốc gia để giữ gìn những vùng rừng?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung: – Không phải cả đất nước đều giống nhau. Trước đây có chương trình 327, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cả nước thực hiện chương trình từ 1992-1997. Khi đất nước còn rất nghèo, nhưng vì lúc đó tỉ lệ rừng còn có 27%, mỗi một năm nhà nước phải bỏ ra 50 triệu USD để đầu tư trồng rừng. Trong 5 năm phục hồi được 1,4 triệu ha làm cho môi trường sống được cải thiện hơn rất nhiều.
Nhưng nơi giàu rừng nhất là Tây Nguyên. Mà ở đó cả nước xô vào khai hoang, Đắc Lắc cũ nay có 1,6 triệu dân, so với năm 1976 chỉ có 0,35 triệu. Khi kinh tế phát triển đến đến đâu thì môi trường bị hủy hoại đến đó, đồng thời nó cũng tác động xấu đến văn hoá, đạo đức của con người. Đúng là phải có 1 chiến lược phát triển bền vững cho Tây Nguyên, trong đó vai trò của rừng là rất quan trọng .
PV:- Có nghĩa là chưa thể có một giải pháp tổng thể để bảo vệ rừng, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Ngọc Lung: – Vâng, tuy xã hội đang có nhiều biến chuyển lớn, nhưng chưa thể thực thi một giải pháp tổng thể nào, nếu không thống nhất được ý chí toàn dân, nếu không thoát ra khỏi quốc nạn tham nhũng, phe phái và nhóm lợi ích, trong cục bộ từng ngành, từng địa phương.
Xin cảm ơn ông!
(BDV)