Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị » Gửi “vàng” cho gương mặt nào?

Đảo qua một vòng thông tin được các DN niêm yết công bố hiện nay, thông tin về việc “thay tướng” chiếm tỷ trọng rất lớn.
Khi doanh nghiệp (DN) thay đổi lãnh đạo cao cấp, trừ Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc (TGĐ), các vị trí khác thường không nhận được nhiều sự quan tâm. Nếu ví DN bổ nhiệm lãnh đạo giống như chọn mặt gửi vàng, thì với cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, dù cũng là “ông chủ” DN nhưng có khi lại không biết mình đang “gửi vàng” cho những ai, tâm và tài như thế nào.

Đảo qua một vòng thông tin được các DN niêm yết công bố hiện nay, thông tin về việc “thay tướng” chiếm tỷ trọng rất lớn. Không ít DN đang trong quá trình tái cấu trúc, trong đó việc thay đổi lãnh đạo cao cấp là động thái quan trọng của quá trình này. Vậy nên những thông tin miễn nhiệm/bổ nhiệm cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng lại không dễ gì nhận biết.

Gửi "vàng" cho gương mặt nào?

Khi công bố thay đổi lãnh đạo, các DN niêm yết công bố rất đơn giản, vị trí, tên tuổi, một số trường hợp có thêm lý do thay đổi. Trong khi đó, nếu cổ đông hay nhà đầu tư muốn biết “sếp” này trước đây làm ở đâu, thành tích như thế nào, bề dày kinh nghiệm ra sao phải tự tìm thông tin. Nếu xem từ nguồn của DN thì cũng chỉ biết được những thông tin một cách vắn tắt, còn tìm trên báo chí thì không phải vị lãnh đạo DN nào cũng cởi mở để báo chí có thông tin.

Tầm quan trọng để ngỏ

Khi DN gặp khó khăn về nguồn vốn, từ thiếu hụt, đến áp lực nợ vay, sức ép từ phía ngân hàng, vai trò của người đứng đầu bộ phận tài chính – kế toán như thành viên HĐQT hay Phó TGĐ phụ trách tài chính, Giám đốc tài chính (CFO), kế toán trưởng… rất quan trọng.

Một sự thay đổi ở vị trí này sẽ được hiểu là công ty đang cố gắng vãn hồi tình hình và điều được nhiều người quan tâm là những người ngồi ghế nóng có thành tích, kinh nghiệm như thế nào, liệu có đủ khả năng giải quyết vấn đề mà DN đang gặp phải hay không?

Tại nước ngoài, với những tình huống dạng này, nhà đầu tư sẽ không thiếu thông tin để có thể tìm hiểu, tiếp cận, nhưng tại Việt Nam thì vẫn chưa dồi dào.

Khách quan mà nói, thông tin về Chủ tịch HĐQT, TGĐ hay nói gọn hơn là thông tin về các vị CEO trong nước hiện vẫn còn thiếu, thì những vị trí như Phó TGĐ, Phó Chủ tịch HĐQT chuyên trách… sẽ càng hiếm hoi hơn. Những câu chuyện Phó TGĐ rời ghế được mổ xẻ kỹ lưỡng kiểu như ông Trần Bảo Minh rời khỏi Vinamilk như trước đây vẫn là của hiếm.

Có thể do chúng ta chưa có một đội ngũ đông đảo CEO “làm thuê” chuyên nghiệp, nhiều nhà quản lý đi từ “cơ sở” lên nên luồng thông tin cũng khép kín, và cũng có thể do các CEO ngại giao tiếp với báo chí nên thông tin cũng khó mà “lọt” ra bên ngoài. Nhưng ở đây cũng cần bàn thêm về trách nhiệm của DN trong việc công bố thông tin liên quan đến đội ngũ lãnh đạo của mình.

Khép kín hay cởi mở?

Hiện nay, một số DN bắt đầu có những bước chuyển giao, chẳng hạn như Chủ tịch HĐQT thôi kiêm nhiệm TGĐ, chuyển giao cho một người khác thay, và đây cũng là trường hợp cởi mở nhất về thông tin. TGĐ mới sẽ được “sếp” cũ giới thiệu, trao gửi niềm tin, đồng thời có những chiến lược mới.

Nhưng cũng từng có trường hợp Chủ tịch HĐQT giới thiệu CEO mới rất hoành tráng, nhưng không lâu sau đó, CEO này phải ra đi. Và hiện tượng Chủ tịch HĐQT sau một thời gian thôi kiêm nhiệm TGĐ song cuối cùng lại phải quay trở lại vị trí điều hành cao nhất không phải là hiếm. Rơi vào những trường hợp này, càng nói thì thị trường sẽ càng nhớ đến những cái “dở” của DN.

Nếu suy nghĩ rằng kín thông tin về lãnh đạo thì DN sẽ khỏi bị “quấy rầy” hoặc “lo ra” khi có sự thay đổi thì sẽ là một sai lầm rất lớn. Bởi hiện nay, dù DN không công bố rõ ràng, chẳng hạn vì sao thay TGĐ, vì sao thay kế toán trưởng thì nhà đầu tư vẫn có thể căn cứ vào một số dấu hiệu để nhận biết.

Thí dụ, công ty thua lỗ thay TGĐ, thì có khả năng do TGĐ cũ kém cỏi nên mới bị “trảm”. Trong trường hợp này, công ty chỉ công bố theo như quy định mà không làm rõ thêm có thể khiến cho cổ đông càng thêm lo lắng, nghi ngờ. Nhưng không phải cuộc thay đổi nào cũng có những dấu hiệu rõ ràng đi kèm để cổ đông có thể nhận định.

Chẳng hạn, nội bộ công ty xảy ra một cuộc “đấu đá” và phe thua cuộc phải ra đi. Lúc này sẽ có những tin đồn trái chiều nhau và khiến cho DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nên đã đến lúc, các DN nên hướng đến sự “chuyên sâu” hơn trong công tác công bố thông tin về việc thay đổi lãnh đạo.

Cần đẩy mạnh hoạt động quan hệ nhà đầu tư để thông qua việc bổ nhiệm những nhà quản trị cao cấp DN sẽ đồng thời truyền thông điệp của mình đến cổ đông, thị trường. Cần lưu ý rằng cổ đông càng tin tưởng vào ban lãnh đạo, thì mức độ gắn kết càng lớn, cho dù công ty trong ngắn hạn có thể gặp đôi chút khó khăn.

(TBKD)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: Công ty, Doanh nghiệp, , gửi vàng, niêm yết, thay đổi nhân sự, Đầu tư vàng
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa