Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Chính phủ Việt Nam » Dành nguồn lực lớn phát triển vùng dân tộc và miền núi

Dân tộc và miền núi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nước ta có 53 dân tộc ít người với gần 12,3 triệu người, chiếm gần 14,3% tổng số dân của cả nước. Đất đai, rừng núi vùng đồng bào dân tộc và miền núi sinh sống còn là nơi ngăn lũ, ngăn xói mòn, điều hoà khí hậu, từng là nơi căn cứ cách mạng, là phên dậu của quốc gia.

Chương trình 135 hỗ trợ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh minh họa

Nhận thức được vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã sớm có các chính sách phát triển đối với vùng dân tộc và miền núi. Các chính sách này đã được thể chế hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật, có tính toàn diện và đồng bộ từ cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương. Đi cùng với các chính sách là các chương trình, dự án lớn, với nguồn lực đầu tư ngày một tăng…

Đầu tư cho đồng bào dân tộc là vì cả nước

Từ Chương trình 135 đến Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững ở 62 huyện nghèo rồi các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ định canh, định cư… đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi từng bước xóa nghèo, ngày càng phát triển.

Trong điều kiện ngân sách Trung ương còn nhiều khó khăn, nhưng lượng trợ cấp để cân đối ngân sách cho các tỉnh thuộc vùng dân tộc và miền núi khá lớn, có nhiều tỉnh cao gấp nhiều lần số thu tại địa phương. Ngay cả thời kỳ 2006- 2012, ngân sách nhà nước đã bố trí cho các chương trình chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng số kinh phí gần 54,8 nghìn tỷ đồng… Nhờ các chính sách này và sự nỗ lực của các địa phương, của nhân dân vùng dân tộc và miền núi, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội ở vùng dân tộc và miền núi đã có bước phát triển nhanh so với trước đây, có một số chỉ tiêu còn tăng nhanh hơn một số vùng khác.

Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người 1 tháng theo giá thực tế năm 2010 so với năm 2002 theo các vùng như sau.

Theo đó, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người 1 tháng của Tây Nguyên và của trung du miền núi phía Bắc cao hơn của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, của Đông Nam Bộ, của đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Tây Nguyên có mức bình quân đạt 1,088 triệu đồng, cao thứ 4 trong 6 vùng và có tốc độ tăng cao nhất trong 6 vùng.

Tỷ lệ nghèo của vùng trung du và miền núi phía Bắc đã giảm từ 29,4% năm 2004 xuống 26,7% năm 2011; của Tây Nguyên đã giảm tương ứng từ 29,2% xuống 20,3%. Tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt năm 2010 ở Tây Nguyên đạt 96,8%, còn cao hơn của đồng bằng sông Cửu Long (96,6%). Tỷ trọng hộ có nhà ở kiên cố của trung du và miền núi phía Bắc đạt khá (47,8%), của Tây Nguyên tuy còn đạt thấp (21,4%), nhưng cũng cao hơn của Đông Nam Bộ (17,9%) và của đồng bằng sông Cửu Long (11%)…

Đây là những thành tựu lớn trong bối cảnh khó khăn chung.

Những việc cần làm

Tuy nhiên, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo năm 2011 ở vùng trung du và miền núi phía Bắc và ở Tây Nguyên còn cao gấp đôi, gấp rưỡi tỷ lệ chung của cả nước (tương ứng là 26,7% và 20,3% so với 12,6%). Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng so với mức bình quân cả nước của vùng trung du và miền núi phía Bắc mới bằng 65,2%, của vùng Tây Nguyên mới bằng 78,4%. Chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng của vùng còn thấp (trung du và miền núi phía Bắc khoảng 39.000 đồng, của Tây Nguyên 117.000 đồng, trong khi các con số tương ứng của cả nước là 176.000 đồng, của Đông Nam Bộ là 580.000 đồng).

Điều đó cho thấy phần chênh lệch để tích luỹ, để dành, đầu tư ở các vùng này còn rất thấp, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực của cả nước.

Hỗ trợ vật tư sản xuất cho đồng bào vùng cao từ nguồn vốn Chương trình 135

Những khó khăn, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan từ điểm xuất phát còn thấp khi bước vào thực hiện cơ chế thị trường, từ trình độ phát triển và nguồn lực chung của cả nước cũng còn yếu, từ những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn khi phải ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô… Tuy nhiên, cũng còn do không ít nguyên nhân chủ quan, phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trước hết là nhận thức của một số cán bộ các ngành, các cấp về công tác dân tộc, về vị trí, vai trò trọng yếu của vùng dân tộc và miền núi chưa sâu sắc, toàn diện, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh. Vì vậy, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vấn đề này.

Các chỉ tiêu kế hoạch, thống kê còn chưa tách bạch đầy đủ các nội dung về công tác dân tộc, về vùng dân tộc và miền núi; ngay cả đối với 62 huyện nghèo cũng không có các chỉ tiêu tách riêng. Điều này đã gây khó khăn cho công tác đề ra các kế hoạch cũng như việc kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch, chương trình…

TỐC ĐỘ TĂNG THU NHẬP/NGƯỜI/THÁNG NĂM 2010 SO VỚI NĂM 2002 (%). Nguồn số liệu: TCTK

Năng lực tham mưu đề xuất chính sách dân tộc của các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Việt Nam đã 25 năm xuất khẩu lương thực với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới, nhưng ở vùng dân tộc, miền núi vẫn còn diễn ra tình trạng du canh, du cư, đốt nương làm rẫy để trồng cây lương thực là vấn đề cần có sự nghiêm cấm, rà soát, điều chỉnh, đề xuất cách giải quyết.

Việt Nam có vùng núi rộng lớn, nhiều địa phương có truyền thống trồng ngô, trồng đậu tương, nhưng năm 2012 Việt Nam đã phải nhập khẩu tới trên 1,6 triệu tấn ngô, gần 1,3 triệu tấn đậu tương, nhập khẩu tới gần 841 triệu USD sữa và sản phẩm sữa- tổng kim ngạch nhập khẩu 3 loại này đã lên tới 2,1 tỷ USD. Lực lượng kiểm lâm dù có đông đảo đến mấy cũng không đủ sức nếu không thực hiện tốt việc giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và trồng rừng thì diện tích rừng sẽ hao hụt, chất lượng rừng sẽ ngày một kém. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát để đề xuất việc điều chỉnh mức kinh phí để các hộ gắn bó với rừng, bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng…

Trong kinh tế thị trường, người nghèo, người già, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc ít người… thuộc diện yếu thế. Những người này ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi- do chưa quen với thị trường, xa thị trường, đến với thị trường có nhiều khó khăn- chắc chắn sẽ bị yếu thế hơn.

Vì vậy, từng bước thu hẹp chênh lệch trình độ phát triển giữa các dân tộc, các vùng miền không chỉ là trách nhiệm, tình nghĩa công bằng, mà còn vì sự phát triển chung của đất nước.

M.N (VGP)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa