GD hé cho người học vừa thoáng thấy thế giới quanh mình, vừa lại hé mở cho thấy thế giới bên trong của chính mình, bắt đầu có ý thức về thế giới ấy, tự tò mò về mình, mong muốn và biết cách tự nhận ra mình, tự phát hiện…- Làm thế nào để một người thầy có thể tác động đến tiềm năng của từng người trong lúc giảng dạy rất nhiều người bằng chỉ một nội dung bài giảng?
- Nếu hiểu GD là giải phóng, thì còn phải làm cuộc giải phóng với từng người, của từng người. Vì mỗi con người là một thế giới vô cùng riêng biệt, độc đáo. Đấy là thế giới đơn nhất, với những quy luật vận hành và phát triển đơn nhất, không giống ai, không ai thay thế được cho ai.
Người thầy giỏi là người dò tìm và giúp cho người học dò tìm, nắm hiểu được quy luật riêng đó, để họ tự giải phóng và phát triển, suốt đời. Cho nên theo tôi về nguyên tắc dạy học là dạy từng người, nói theo cách nào đó, là “một thầy một trò”.
Người thầy cần biết từng em học sinh hay sinh viên, hiểu từng em, làm việc với từng em, đi cùng với từng em trong cuộc dò tìm, tự dò tìm, tự giải phóng của riêng em ấy… Trong suốt thời gian học, và trong trường hợp tốt đẹp nhất, cả sau khi người học đã ra trường. Người thầy hay nhất là người thầy trở thành bạn đường suốt đời của trò.
- Điều đó nghe có vẻ lý tưởng quá! Hình như rất khó để trở hiện thực hóa?
- Theo chỗ tôi được biết, ở những nền GD tiên tiến và uyên thâm, người ta đã cố gắng thiết kế nên những “bài bản” nhất định để giúp cho người làm GD chừng nào đó có thể ít nhiều dựa vào đấy mà làm cuộc khai phá hấp dẫn và khó nhọc của mình mỗi lần với người học.
Ở một số nước phương Tây cái đó được gọi bằng một cái tên rất đẹp và nhiều ý nghĩa: “Liberal arts” mà ở ta có người đã dịch là “Chương trình GD khai phóng” (cũng có lúc đã được dịch là Chương trình GD nền tảng, GD cơ bản, hay GD đại cương …, nhưng chưa đúng với bản chất sâu xa của chương trình này. Có lẽ cũng vì dịch chưa đúng như thế mà gây ra những hiểu lầm và áp dụng lệch lạc từng gây hại…).
Theo tôi bản chất của chương trình này không phải là nhằm tạo những tri thức được hiểu là “nền tảng”, hay “cơ bản”. Hay tạo một cái khung được coi là “đại cương” để sau đó xếp các kiến thức cần thiết lên… Không phải như vậy.
Đây là một chương trình có tính gợi mở vào tâm hồn và trí tuệ người học. Chứ không chủ yếu nhằm trang bị kiến thức (dù là kiến thức được coi là nền tảng, cơ bản, khung). Bằng một số môn được thiết kế khéo léo, nó hé cho người học vừa thoáng thấy thế giới quanh mình mênh mông, kỳ lạ, kỳ diệu, vô cùng đa dạng, hấp dẫn, kinh ngạc về thế giới đó….
Vừa lại hé mở cho thấy thế giới bên trong của chính mình, bắt đầu có ý thức về thế giới ấy, tự tò mò về mình, mong muốn và biết cách tự nhận ra mình, tự phát hiện… Đây là một chương trình đầy tính nhân văn và dân chủ, thật hay và thật đẹp.
- Ở Việt Nam thì sao ạ?
- Theo chỗ tôi được biết chẳng hạn, ở Trường ĐH Hoa Sen của chị Bùi Trân Phượng đã có được một chương trình như vậy hoặc tương tự như vậy. Ở Trường ĐH Phan Châu Trinh chưa có được một chương trình rõ ràng như thế, chúng tôi đang định đưa vào từng bước, bắt đầu từ năm học tới.
Thực tế là ở Trường ĐH Phan Châu Trinh vừa qua, tôi đã cố gắng làm việc được với một số sinh viên, từng em; và với một số em sau khi ra trường. Chúng tôi đã trở thành bạn của nhau, thường xuyên theo dõi và giúp nhau trong việc thú vị và khó khăn, là tiếp tục tự phát hiện mình, tự phát triển…
- Như vậy, GD khai phóng phải là một quá trình đòi hỏi sự theo đuổi lâu dài đối với từng cá nhân chứ không thể chỉ gói gọn trong những giờ giảng?
- Giáo dục khai phóng đương nhiên là một nội dung, nhưng trước hết là một tư tưởng, một tinh thần, cho nên nó không chỉ nằm trong các môn học của một chương trình; nó quán xuyến trong toàn bộ quá trình dạy và học (cả sau đó nữa, như đã nói).
Cho nên tinh thần và cả nội dung đó cần được đưa vào trong tất cả các môn học khác, thấm vào đó, bất kể ở ngành nào, và trong tất cả hoạt động của nhà trường. Đặc biệt trong tiếp xúc, làm việc thường xuyên giữa thầy và trò. Vừa qua chúng tôi, và riêng tôi đã cố gắng thực hiện điều ấy.
- Xin ông cho ví dụ về một trường hợp cụ thể?
- Ở ĐH Phan Châu Trinh có một em sinh viên Ê Đê. Tôi gặp và bắt đầu làm việc với em khi em đã vào năm học cuối. Sau một số buổi giảng, một hôm em tìm đến tôi, thổ lộ với tôi rằng là người Ê Đê, vậy mà trước nay em gần như chưa hiểu chút gì, thậm chí chưa hề thật sự suy nghĩ về dân tộc của mình, dân tộc mình là gì.
Là một người Ê Đê nghĩa là thế nào, là thế nào trên thế giới này và ngày nay, những vấn đề của dân tộc mình là gì. Những vấn đề của một người Ê Đê là gì, hôm qua, hôm nay, ngày mai, dân tộc mình hiện đang ở đâu, sẽ đi về đâu trên đất nước và trong thế giới biến động như bão táp hôm nay…
Em bảo rằng những ngày học và làm việc vừa qua với thầy khiến em giật mình, khiến em muốn tự đặt vấn đề về chính mình, xem mình, một người Ê Đê, mình thật sự là ai… Em không còn vô tư, đơn giản, yên bình được như trước nữa, em đã bị khuấy động.
Bị đánh thức, có gì đó rất sâu bên trong đã bị đánh thức dậy, trăn trở mà hạnh phúc, hạnh phúc mà trằn trọc…
Từ đó chúng tôi làm việc với nhau nhiều hơn, trao đổi sách vở, tài liệu, chủ yếu về dân tộc học, nhân học, nhưng tôi không chỉ đưa cho em các sách dân tộc học, nhân học, mà rộng ra về xã hội và ít nhiều cả tự nhiên.
Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều, về những trải nghiệm và suy nghĩ, những ưu tư của tôi đối với Tây Nguyên. Về số phận và con đường của các dân tộc ít người trong thế giới ngày nay, về vấn đề vẫn thường được gọi là vấn đề “thiểu số” trong cuộc sống…
Em nói với tôi về gia đình em, buôn làng em, về chính em, những trằn trọc trước đây là tiềm thức nay đã thành câu hỏi ngày càng nóng cháy trong em…
Rồi em tự tìm cách thu xếp những chuyến điền dã về ngay làng mình, và rộng dần ra, đến các làng Ê Đê khác, trong cả vùng… Rồi lại quay về trong chính gia đình em. Cả trong chính em nữa, tự lục tìm trong chính mình… Tôi hồi hộp theo dõi, vui mừng nhận ra trong em đang hình thành điều gì đó mà tôi muốn gọi là một “lý tưởng”.
Em khao khát hiểu về dân tộc mình, trăn trở suy nghĩ về số phận của dân tộc mình trong thế giới biến động dữ dội ngày nay. Em muốn sống và làm việc vì sự tồn tại và phát triển mà em đã hiểu sẽ khó nhọc lắm của dân tộc mình, của chính mình nữa …
Hiện nay em làm việc ở một viện nghiên cứu về Tây Nguyên. Thầy trò chúng tôi nay ở xa nhau, nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau, cùng suy nghĩ, cùng làm việc, cùng trăn trở … Gần đây em vừa báo cho tôi đề tài nghiên cứu em đăng ký với viện của em: “Về sự đứt gãy văn hóa trong buôn làng Ê Đê hôm nay, trong toàn cầu hóa và hội nhập”.
Tôi thường xuyên theo dõi em, không chỉ để tiếp tục giúp em mà thật sự còn để tự mình học. Là người đã gắn bó lâu dài với Tây Nguyên, tôi thấy tôi học được rất nhiều từ khi cùng làm việc, cùng “tìm” với em, về chính Tây Nguyên mà tôi ngỡ đã biết hết.
Vậy đó, người thầy luôn được học thêm, giàu có thêm suốt đời, vì dạy tức là cùng người học khám phá từng con người, và chẳng còn gì đẹp đẽ, sâu sắc, vô tận cho bằng.
-Nếu GD là sự kết hợp giữa thầy và trò để khám phá những tiềm năng thực sự, để cho bản thân mỗi người tin rằng bản thân mình là có ích, có nghĩa lý trên cuộc đời thì GD cũng sẽ giải quyết được sự vô vị, vô nghĩa mà người ta cảm thấy không ít lần trong đời?
- Đó gọi là GD lý tưởng cho con người. Nhưng vậy thì “lý tưởng” là gì, và cần GD lý tưởng như thế nào. Tôi không tin rằng ở mỗi người thật sự có cái ta gọi là lý tưởng nếu người ấy chỉ nghĩ đến một lý tưởng chung chung, mơ hồ (và kỳ vậy, lại thường rất to tát), nếu người ấy chưa thật sự tự biết mình là gì trong cuộc đời.
Mình làm gì là tốt nhất, hợp với chỗ đặc sắc riêng có của mình nhất, để cống hiến nhiều nhất, tốt nhất cho cuộc sống, và từ đó có một cuộc đời đáng sống, hạnh phúc.
Nghĩa là có một khát vọng, nồng cháy, của cá nhân, của riêng mình cho cái chung, dũng cảm và tha thiết đeo đuổi nó đến cùng. Đó là cách để con người không cảm thấy cuộc sống của mình trở nên vô nghĩa, không những chỉ đến và đi như cát bụi, mà còn để lại.
- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện rất thú vị.
T.N
Hiện chưa có phản hồi nào.